Chuyện về 3 người vợ lính đặc công

Cập nhật: 17-04-2012 | 00:00:00

Có 3 cô gái cùng quê, cùng tuổi, cùng rời Nam Định và chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai; rồi cùng thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương (nay là trường Đại học Thủ Dầu Một). Sau khi tốt nghiệp, cả 3 cô đều “lắc dọc” (gật đầu) về làm dâu Đoàn Đặc công B29 (Binh chủng Đặc công). Hiện nay, tổ ấm của cả 3 cô giáo Phạm Thị Hoa, Lê Thị Thuận và Nguyễn Thị Loan đều cùng ở ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo...

Vinh dự và trách nhiệm

Hàng ngày, cứ tầm khoảng 6 giờ sáng là người ta đã thấy cô giáo Phạm Thị Hoa phía sau chở cậu con trai Minh Quân (9 tuổi) học lớp 4 và phía trước chở cậu con út Minh Tuấn (3 tuổi) đến trường cách nhà 10km để gửi con và dạy học. Buổi chiều, tầm 17 giờ, từ trường tiểu học Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo), cô giáo Hoa lại “tay xách nách mang” chở 2 con về nhà và vào bếp lui cui chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Khi các con đã ngủ ngon giấc, cô giáo Hoa mới có thời gian ngồi vào bàn soạn giáo án và chấm bài cho học trò. Tuy đóng quân gần nhà, nhưng trung úy Lê Văn Lương cũng không có nhiều thời gian để chăm sóc mái ấm của mình. Nói về vợ là cô giáo Hoa, anh tâm sự: “Nhiều hôm nhìn thấy vợ một tay điều khiển xe máy, một tay đỡ thằng con ngồi ngủ gà ngủ gật ở chiếc ghế phía trước, tôi không khỏi lo lắng! Lo thì lo vậy nhưng biết làm sao được, mình là bộ đội mà, thời gian rất hạn chế. Nếu có giúp được vợ con thì cũng chỉ là tranh thủ dọn dẹp nhà cửa chốc lát. Được cái, thằng cu lớn học tại trường mẹ dạy, còn thằng bé học mầm non cũng gần trường mẹ dạy nên khá thuận tiện để bà xã đưa đón con”.

 Ba mẹ con cô giáo Hoa đến trường hàng ngày

Tuy vất vả nhưng cô giáo Hoa luôn biết phấn đấu dạy tốt và chăm sóc con cái ngoan, khỏe để chồng yên tâm công tác. Ngày vợ được vinh dự kết nạp Đảng, anh Lương rất phấn khởi. Nhân ngày nghỉ cuối tuần, anh mua một bó hoa to, ra vườn hái rau và bắt một con gà tự nấu một bữa ăn thịnh soạn để chúc mừng vợ. Âu yếm nhìn vợ trong bữa cơm, anh căn dặn vợ: “Là đảng viên thì vinh dự luôn gắn liền với trách nhiệm. Từ nay, trách nhiệm của em với trường, với lớp sẽ nặng nề hơn, nên em phải cố gắng nhiều hơn...”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, lớp học do cô giáo Hoa phụ trách tỷ lệ học sinh giỏi hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Đặc biệt, nhiều phụ huynh có con em khuyết tật rất tin tưởng vào sự nhiệt tình chăm sóc và dạy dỗ của cô giáo Hoa, nên họ thường tìm cách xin cho con em được theo học lớp cô giáo Hoa chịu trách nhiệm.

Những bữa cơm vắng chồng

Cũng là bộ đội đặc công, nhưng chàng thiếu úy Nguyễn Văn Trường lại là “lính xế”. Tuy nhiên, câu nói “trai trường lái...” không đúng với trường hợp của anh, bởi lẽ anh rất... chung thủy. Vì thế, cô giáo Lê Thị Thuận, vợ anh Trường rất tự hào vì có chồng là lính xế đặc công. Mặc dù công tác gần nhà, nhưng theo quy định của đơn vị, mỗi tuần anh Trường chỉ được tranh thủ về với vợ con 2 lần vào tối thứ tư và ngày cuối tuần. Tuần nào phiên trực rơi vào đúng 2 ngày trên thì coi như cả tuần anh vắng mặt ở nhà. Những bữa cơm gia đình vì vậy thường vắng bố, nên cu Đức con lớn của anh chị mới 5 tuổi đã quen dần và biết tự lập từ nhỏ, biết nhường nhịn em gái Hà My (1 tuổi).

  Bữa cơm của 3 mẹ con cô giáo Lê Thị Thuận thường xuyên vắng chồng

Một lần vào khoảng 6 giờ sáng, khi chúng tôi đi công chuyện ngang qua cổng nhà chị Thuận thì thấy 1 chiếc xe máy loạng choạng rồi đổ nhào. Lao vội tới đỡ người bị nạn, hóa ra là 3 mẹ con chị Thuận. Cu Đức đội mũ bảo hiểm ngồi sau xe máy văng ra, chị Thuận ngã và bị chiếc xe máy đè lên một chân nhưng hai tay vẫn ôm khư khư bé Hà My trước ngực. May thay cú ngã nhẹ nên 3 mẹ con chị không hề hấn gì. Sau khi cảm ơn chúng tôi, chị bình thản chở con đi học và đến trường cho kịp giờ dạy học. Cứ thế ngày này qua tháng nọ, chị Thuận ra khỏi nhà lúc hơn 6 giờ sáng và rời trường mầm non Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo) lúc 17 giờ.

 Được kết nạp vào Đảng từ năm 2004 nên chị Thuận hiểu rõ trách nhiệm của người đảng viên, đặc biệt người đảng viên trong lực lượng vũ trang như chồng chị, vì thế chị không bao giờ trách anh ít quan tâm tới vợ con. Trái lại, mỗi lần được ở bên chồng, chị luôn động viên anh yên tâm công tác, đừng vì chuyện gia đình mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ. Không chỉ chăm sóc con cái khỏe mạnh, ngoài giờ đến trường, chị còn nuôi một đàn heo để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tiết kiệm từ tiền lương và chăn nuôi, kết hợp với vay mượn thêm, anh chị đã xây được căn nhà mái bằng khang trang.

Thay chồng làm cha

Khi con gái lớn Yến Nhi được gần 7 tuổi thì thiếu tá Nguyễn Văn Toàn rời Bình Dương ra Bắc tiếp tục học tập. Một mình cô giáo Nguyễn Thị Loan ở lại nơi “đất khách quê người” vừa nuôi con, vừa đi dạy và chờ ngày chồng về. Sau 2 năm, anh Toàn trở lại đơn vị tiếp tục công tác. Mặc dù ở gần vợ con nhưng với cương vị là người chỉ huy, anh Toàn thường xuyên vắng nhà. Cô giáo Loan hàng ngày vẫn một mình chăm sóc, dạy dỗ con cái. Một năm sau, vợ chồng cô giáo Loan vui mừng đón thêm cô con gái Linh Nhi chào đời. Nhìn con gái lớn da trắng hồng, tóc đen dài, chăm ngoan, học giỏi và con gái út kháu khỉnh bụ bẫm, anh Toàn xúc động nói với vợ lời cảm ơn dịu dàng...

 Cô giáo Nguyễn Thị Loan vừa chăm con nhỏ, vừa chỉ dạy con lớn học hành

Khi sinh con gái út gần được 4 tháng, cô giáo Loan đã trở lại đứng lớp. Cô tâm sự: “Nghỉ sinh con có mấy tháng mà em đã nhớ trường, nhớ lớp anh ạ. Cứ nhìn 2 con mình là em hình dung những đôi mắt trong trẻo, bầu má phúng phính của học trò. Em tâm niệm, khi đứng trên bục giảng là gạt hết mọi vướng bận gia đình để truyền thụ kiến thức cho học trò, còn khi về nhà là dồn hết tình thương yêu cho chồng con”. Hàng ngày, cô giáo Loan phải vượt qua gần 20km để đến lớp dạy tại trường tiểu học và trung học cơ sở Tam Lập (huyện Phú Giáo), nhưng chưa bao giờ đồng đội của anh Toàn nghe thấy một lời kêu ca về hoàn cảnh gia đình của cô.

BĂNG PHƯƠNG

Ở một đơn vị mà tỷ lệ vợ cán bộ, sĩ quan là cô giáo chiếm hơn 60% như Đoàn Đặc công B29 có lẽ đã là chuyện hiếm. Và, chuyện về 3 cô gái thành Nam chọn Bình Dương là quê hương thứ hai có nhiều điểm “cùng” như trên, có lẽ càng hiếm hơn. Mong rằng “hậu phương” của những người lính mãi mãi giúp các anh vững tin, bền chí để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=392
Quay lên trên