Cơ hội cho ngành gỗ

Cập nhật: 19-07-2018 | 08:37:51

 Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6-2018 ước đạt 750 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu chung trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,13 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,86 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Với việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngành gỗ trong nước sẽ thâm nhập thêm một số thị trường tiềm năng khác như Canada, Mexico… Các doanh nghiệp ngành gỗ trong cả nước đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm sản phẩm có giá trị cao, thay vì xuất khẩu thô như trước đây. Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ hàng đầu trong ASEAN, đứng thứ 5 trên thế giới về doanh thu xuất khẩu từ các sản phẩm lâm nghiệp. Bên cạnh đó, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên minh châu Âu sẽ được hưởng mức thuế 0%.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), một lợi thế nữa đến với ngành gỗ là cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc- Mỹ sẽ làm suy giảm khả năng xuất khẩu gỗ Trung Quốc vào thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp gỗ của Bình Dương nói riêng tăng thêm thị phần tại Mỹ.

Tuy vậy, để nắm bắt được “cơ hội vàng” này, các doanh nghiệp trong nước còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, các doanh nghiệp cần cải tiến máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại để đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu - đây là công việc cần ưu tiên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong công tác nắm bắt thông tin từ chính sách phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu sản phẩm gỗ. Đối với thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu… các yếu tố sở hữu trí tuệ, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu gỗ hợp pháp… cần được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn

Ngoài ra, việc Mỹ và Trung Quốc đáp trả lẫn nhau bằng những biện pháp thuế quan không chỉ gây tổn hại cho chính các quốc gia này, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài và ngày càng căng thẳng, sẽ làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba. Khó khăn, thách thức xen lẫn cơ hội cho nước thứ ba khi hai nước này tạo rào cản về thuế quan lẫn nhau.

Có thể thấy, ngành gỗ đang đóng góp ngày một nhiều vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đối với tỉnh Bình Dương đang được xem là “thủ phủ” ngành gỗ cả nước. Để giữ vững và mở rộng thị trường, các doanh nghiệp gỗ cần giải quyết tốt các yếu tố đang gây cản trở sự tăng trưởng và tranh thủ tối đa “cơ hội vàng” này để đưa ngành gỗ vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.

HOÀNG PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=297
Quay lên trên