Cơ hội “vàng” để hàng hóa vươn xa

Cập nhật: 23-04-2024 | 08:28:25

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết yêu cầu chú trọng phát triển thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.

Tại Bình Dương, thời gian qua thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường toàn cầu, là thời cơ “vàng” để hàng địa phương vươn xa. Các DN đang tham gia và thích ứng tốt với xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới, loại hình có tốc độ tăng trưởng gấp 2,3 lần so tốc độ bình quân của thương mại điện tử nói chung.

Với thị trường nội địa, Bình Dương có thuận lợi lớn ở dân số trẻ, tỷ lệ dùng mạng xã hội cao và thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm, đóng góp nhiều cho kinh tế. Với thị trường xuất khẩu, các DN nỗ lực nắm bắt cơ hội từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với nhiều cam kết và cơ hội tham gia mở rộng thương mại điện tử với các quốc gia thành viên.

Đáng mừng, những DN dù lớn hay nhỏ đều nỗ lực hết mình, bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian, chủ động nắm bắt và đáp ứng xu hướng này. DN đã bắt đầu tiếp cận, học hỏi và ứng dụng những xu hướng mới vào trong thiết kế và tạo ra những sản phẩm đa dạng, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh… Các nhà sản xuất thương hiệu Bình Dương đang có một vị thế rất tốt để khai thác cơ hội xuất khẩu trực tuyến các sản phẩm như may mặc, phụ kiện, nội thất, chăm sóc sức khỏe… Các địa phương, các ngành đang khuyến khích quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; xây dựng chính quyền số, DN số và xã hội số trong xu hướng hội nhập và liên thông ngày càng cao với thế giới.

Ngành công thương tỉnh đã rất tích cực cùng các đơn vị, DN thúc đẩy hoạt động xúc tiến qua thương mại điện tử xuyên biên giới để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024. Ngành đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và kinh tế số triển khai các giải pháp đến với DN, như: Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; khuyến khích đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp DN nhỏ và vừa phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số.

Ngành công thương tỉnh cũng hỗ trợ các DN tiếp cận và xuất khẩu các sản phẩm trong nước qua nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua các nền tảng B2C, cụ thể như Alibaba, giúp cho các DN tìm kiếm và kết nối được nhiều đối tác trên toàn thế giới, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí…

Những động thái tích cực từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương chắc chắn sẽ tạo thêm cơ hội để hàng hóa Bình Dương vươn xa.

 KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=401
Quay lên trên