Vượt khó đi lên
Năm 1996, khi gia đình đang khó khăn, việc làm khó kiếm, người chồng của cô đã rũ áo ra đi, để lại 5 đứa con thơ nheo nhóc và một “gia tài” trống. Đắng cay, tủi hờn, nhưng cô vẫn phải gồng mình đứng dậy, gạt nước mắt vì đàn con của mình bởi các con cần phải được ăn học thành người. Ở tuổi 43, không bằng cấp, không kinh nghiệm trong nghề nên cô gặp khó khăn trong xin việc. Cuối cùng, cô cũng xin được việc làm trong Công ty Châu Thế Anh, chuyên làm về các sản phẩm thủ công truyền thống mây tre lá.
Tuy đã ở tuổi hưu, nhưng cô Lê Thị Cẩm Vân vẫn miệt mài bên sản phẩm mây tre lá
Bồi hồi nhớ lại những ngày đầu vào làm việc, cô Vân kể: “Khi mới vào làm cô phải nhìn mọi người làm để học việc. Chưa quen việc nên các ngón tay đau nhức, có ngón bị xước chảy máu. Nhưng chỉ có một suy nghĩ, phải học cho được, làm cho tốt để có tiền về mua gạo cho các con ăn. Lương những tuần đầu chỉ được hơn 20.000 đồng. Dần dần, số tiền nhiều hơn trước, từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng rồi 1 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm tốt công việc mà cô còn được nhận sản phẩm về nhà làm thêm. Nhờ đó, cô đã có tiền lo cho các con ăn học”.
Trên gương mặt hằn những nếp nhăn theo năm tháng và cuộc sống mưu sinh vất vã, mắt ngấn lệ, giọng trầm buồn như chính cuộc đời của mình, cô Vân kể tiếp: “Nhìn các con cứ phải chạy hết góc nhà này đến góc nhà khác mỗi khi có mưa, thương lắm. Nhà lá nhưng không có tiền để làm lại, cô đã lấy giấy dầu để lợp, che mưa che nắng cho các con. Sau mấy năm, dành dụm và vay mượn thêm, cô xây được nhà gạch nhưng cũng trống trước trống sau. Đến năm 2010, tức 10 năm sau cô mới xây hoàn chỉnh được căn nhà”.
Vượt qua “khoảng lặng” của đời mình, với ý chí, nghị lực và tình yêu của người mẹ, cô đã vượt lên chính mình bằng “đôi bàn tay vàng” để có được như ngày hôm nay.
Giàu lòng nhân ái
Năm 2007, khi thấy đời sống chị em quanh khu phố khó khăn, túng thiếu, cô Vân đã nhận nhiều hàng của công ty về cho chị em làm và thành lập tổ đan gia công với 50 thành viên. Không để chị em thất nghiệp, mỗi khi công ty này không có nhiều hàng là cô lại đi kiếm hàng từ công ty khác mang về để các thành viên có công việc thường xuyên. Nhờ đó, đời sống của chị em trong tổ đã ổn định hơn trước, thoát khỏi cảnh túng thiếu mà vẫn có thời gian để chăm sóc gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, cô cho biết: “Những năm đó, một tháng cô nhận tiền về cho tổ đan bình quân hơn 40 triệu đồng. Nhờ số tiền này đã góp phần cho cuộc sống gia đình chị em khá hơn”.
Bà Nguyễn Kim Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Bình Hòa, đánh giá: “Trong những năm qua, chị Lê Thị Cẩm Vân đã tích cực tham gia các hoạt động của hội, của phường. Sống chan hòa, giàu lòng nhân ái. Chị là một trong những gương phụ nữ điển hình của phường về vượt khó làm kinh tế giỏi”.
Hiện nay tổ đan của cô chỉ còn 20 thành viên, bình quân mỗi thành viên thu nhập thêm được 2 triệu đồng/tháng. Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thu Hà, 55 tuổi, thành viên trong tổ đan, cho biết: “Trước hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, chồng tôi bị tai nạn liệt nửa người không làm gì được, một mình tôi lo toan, kiếm sống để nuôi chồng, nuôi con. Thấy vậy, chị Vân đã mang sản phẩm của công ty về và tận tình chỉ dạy. Nhờ vậy gia đình tôi mới có cái ăn, suốt 18 năm nay tôi làm nghề này và có điều kiện nuôi con ăn học”.
Hiện nay, do tuổi cao cô Vân không còn làm ở công ty nữa nhưng vẫn nhận hàng về cho chị em làm. Bên cạnh đó, cô còn tham gia các hoạt động của phường, làm Chi hội trưởng phụ nữ khu phố, tham gia Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ của phường. Chia sẻ với chúng tôi, cô Hà cho biết thêm: “Trong tổ đan, nhiều chị em thiếu ăn, thiếu mặc chị Vân đã phối hợp với chữ thập đỏ để hỗ trợ quần áo, gạo cho chị em. Chị là một phụ nữ rất giàu lòng nhân ái”.
Liên tục trong nhiều năm liền, cô Vân đều được khen tặng là phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Tháng 10 vừa qua, cô được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích trong phong trào phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi năm 2013.
PHƯƠNG AN