Cô Trần Thị Kim Chung - Một nhà giáo tâm huyết với nghề

Cập nhật: 12-10-2020 | 10:12:08

Cô Trần Thị Kim Chung (ảnh), Hiệu trưởng trường Mầm non Võ Thị Sáu (TP.Dĩ An) là nhà giáo tâm huyết thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, góp phần giúp trường Mầm non Võ Thị Sáu nổi lên là đơn vị tiêu biểu thực hiện đổi mới, sáng tạo trong dạy học ở bậc học mầm non.

Tạo niềm tin đối với xã hội cũng như xây dựng thương hiệu cho trường, cô Chung đã quan tâm, hỗ trợ các giáo viên (GV) trẻ trở thành GV dạy giỏi. Bằng những kinh nghiệm của bản thân, cô Chung sẵn sàng chia sẻ, truyền lửa yêu nghề, giúp các cô vững về chuyên môn, tràn đầy nhiệt huyết để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ.

Từ năm 2014-2015 đến nay, bản thân cô Chung đã bồi dưỡng, chỉ đạo bồi dưỡng GV tham gia hội thi GV dạy giỏi giải thưởng Võ Minh Đức, thi hát dân ca trò chơi dân gian và năm nào trường cũng có GV đạt giải cấp thị xã, cấp tỉnh. Tâm huyết với nghề, khi ngành giáo dục - đào tạo phát động thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, cô Chung đã tích cực triển khai, chỉ đạo các thành viên trong trường xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Không chỉ thực hiện tốt trong trường, tại các hội thi về chuyên đề này, trường đã đạt giải nhất cấp thị xã, giải nhì cấp tỉnh và được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng bằng khen thực hiện tốt chuyên đề này vào năm học 2017-2018.

Trong số những nhà giáo tiêu biểu của tỉnh, cô Chung là một điển hình cụ thể về cái tâm và tài của người GV. Năm học 2016-2017, khi triển khai thực hiện chuyên đề này, bằng sự năng động, nhạy bén, cô Chung đã mạnh dạn thực hiện xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cha mẹ học sinh. Từ các nguồn tài trợ, trường xây được khu vui chơi vận động của trẻ với cảnh quan hấp dẫn, có nhiều đồ chơi do cô và các phụ huynh cùng làm; tiếp sau đó là “khu vườn của bé” được cải tạo với các bồn hoa, cây kiểng được bổ sung thêm. Không ngừng sáng tạo, cô Chung cùng với các cô trong trường tận dụng tường rào quanh trường cho trẻ vẽ, sơn. Các khu khác như: khu trồng cây, khám phá khoa học, khu trò chơi dân gian với nhà chòi đọc sách, kể chuyện cũng dần được hình thành... Ngôi trường như một thế giới thu nhỏ, trẻ thỏa sức vui chơi, sáng tạo, trải nghiệm.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Chung bày tỏ, mục tiêu của giáo dục mầm non chính là hình thành nhân cách ban đầu cho trẻ. Vì vậy, yêu cầu phương pháp giáo dục ở trường mầm non là “lấy trẻ làm trung tâm”. “Chúng tôi luôn khắc ghi lời nhắc nhở của Bác Hồ: “Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này càng lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Lời Bác dạy không chỉ nhắc nhở riêng cho những cô giáo mầm non mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội phải thường xuyên quan tâm, chăm lo đến thế hệ mầm non của đất nước”, cô Chung nói.

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X