Lớp học tình thương
Hầu như học sinh (HS) ở lớp học tình thương trên các địa phương phát triển công nghiệp đều là những đứa trẻ nhập cư. Ban ngày, các em đi kiếm tiền bằng những công việc như bán vé số, bán báo, phụ quán, nhặt phế liệu… và dành thời gian buổi tối để đến lớp học tình thương. Lớp học tình thương còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, dụng cụ học tập nhưng không khí lớp học vẫn nghiêm túc và đầy ắp tiếng cười sau giờ giải lao. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng theo học được hết chương trình và được đến lớp hàng ngày. Các em thiếu nhi vui Tết Trung thu do Chi hội TNCN Ba miền ở khu phố Bình Phước B (Bình Chuẩn, Thuận An) tổ chức
Trực tiếp phụ trách lớp học tình thương ở khu phố 1B, phường An Phú (TX.Thuận An), chị Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ, lớp học của chị có hơn 40 em tham gia học, các em thường vắng mặt vì lý do việc mưu sinh, nhiều trường hợp phải nghỉ ngang khi gia đình gặp khó khăn. Như trường hợp em Nguyễn Trần Nghĩa theo cha mẹ cùng bà ngoại từ Đồng Tháp lên Bình Dương tìm kế sinh nhai. Chi phí không đủ trang trải cuộc sống nên em phải đi bán bánh dạo để có thêm chút đỉnh tiền, vì vậy em thường xuyên vắng mặt và đến lớp trễ. Chị Ngọc nói thêm: Khi vận động các em đến lớp nhiều phụ huynh rất phấn khởi, nhưng cũng có anh chị còn đắn đo vì thời gian con em họ đi học thì không phụ giúp gia đình được.
Anh Võ Minh Thành, Phó Bí thư Xã đoàn Khánh Bình (Tân Uyên) cho biết: “Nhằm tiếp sức HS nghèo hiếu học tiếp tục ước mơ đến trường, Đoàn thanh niên xã đã xây dựng Quỹ Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó đối tượng hướng đến là con em công nhân trong lớp học tình thương để động viên tinh thần các em. Tuy nhiên, khó khăn trong việc duy trì lớp học là nguồn kinh phí trang trải còn hạn chế, cần nhiều hỗ trợ để các em có thể được rèn luyện trong môi trường giáo dục”.
Những hoạt động vui chơi
Thời gian qua, hoạt động dành cho thiếu nhi khu dân cư nói chung, trẻ em nhập cư nói riêng được tổ chức sôi nổi. Anh Trương Trung Hiếu, Phó Bí thư Xã đoàn Tân Mỹ (Tân Uyên) cho biết: Hàng tháng, các chi hội thanh niên công nhân trên địa bàn xã tập trung sinh hoạt thì còn kèm theo việc tổ chức các trò chơi vận động, dân gian cho các em thiếu nhi là con em người lao động tại nhà trọ tham gia. Đây cũng là một hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện đề án tập hợp TNCN xa quê trên địa bàn.
Ngoài ra, các Đoàn cơ sở, chi hội TNCN các địa phương còn tổ chức cho các em vui chơi vào dịp hè, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 được diễn ra với các chương trình trò chơi, văn nghệ, khen thưởng HS có thành tích tốt trong học tập, hỗ trợ giúp các em có hoàn cảnh khó khăn về dụng cụ học tập, xe đạp và động viên các em đến trường, phát quà bánh. Mặt khác, phối hợp tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe như tuyên truyền phòng chống bệnh, tiêm ngừa.
Em Nguyễn Hồng Đào ở Khu dân cư Bình Phước B (Bình Chuẩn, Thuận An) nói: “Được tham gia các hoạt động vui chơi, ca hát tụi em rất vui”. Tuy nhiên, với sự gia tăng dân số cơ học, cần có nhiều hoạt động lành mạnh hơn trong thời gian tới dành cho trẻ em nhập cư để định hướng, giáo dục các em sau này trở thành một công dân tốt cho xã hội.
NHƯ Ý