Dư luận Mỹ đang bàn tán xôn xao về khả năng con rể Tổng thống Donald Trump sẽ rời khỏi vị trí cố vấn vì những cáo buộc xung đột lợi ích đang bủa vây. Ngay cả Tổng thống Trump cũng đang có dấu hiệu cho thấy ông không còn hứng thú với việc tiếp tục giữ con rể bên cạnh mình.
Dấu hiệu của một cuộc ra đi?
Hạ tuần tháng 2-2018, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein đã gọi điện cho Nhà Trắng để thông báo một tin không vui: việc cấp quy chế an ninh hạng tối mật (quyền xem hồ sơ tối mật) cho Jared Kushner tiếp tục bị hoãn do những vấn đề nhạy cảm liên quan đến cá nhân ông Kushner.
Vợ chồng Ivaka và Jared Kushner.
Trong cuộc gọi, Rosenstein cũng cho rằng việc hoãn cấp quy chế an ninh tối mật cho Kushner sẽ gây ra vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, bởi Kushner đang ở vị trí công tác gần gũi với Tổng thống Trump hơn bất cứ ai khác, mang nhiều trọng trách hơn bất cứ phụ tá nào khác và quá trình làm hồ sơ xin cấp quy chế an ninh của Kushner cũng khiến cho cộng đồng tình báo không yên tâm, liên tục phất cờ cảnh báo. Thông báo của ông Rosenstein đã khiến cho nhiều người làm việc trong Nhà Trắng bị sốc.
Việc Rosenstein không giải thích rõ ràng hơn về những hệ lụy nào sẽ kéo theo đối với Kushner đã làm nảy sinh những câu hỏi lớn: Vì sao Kushner không thể được cấp quy chế an ninh? Liệu chàng rể kiêm cố vấn của Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục công việc thế nào khi không được phép tiếp cận những thông tin dạng tối mật, như báo cáo tình báo hằng ngày trình lên tổng thống? Và câu hỏi lớn nhất là liệu đây có phải là dấu hiệu của một cuộc ra đi không mong đợi?
Hiện tại, chưa ai biết được việc hoãn cấp quy chế an ninh cho Kushner có liên quan đến quy trình kiểm tra thông tin cá nhân do FBI tiến hành hay liên quan đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Cho dù liên quan đến quy trình nào thì cũng có nhiều chuyện đối với Kushner.
Tháng 11-2017, đội điều tra của Mueller đã phỏng vấn Kushner xoáy sâu vào một cuộc gặp giữa anh này với Đại sứ Nga tại Mỹ khi ấy là Sergey Kysliak, diễn ra trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi ông Trump đắc cử tổng thống.
Như thông tin báo chí đã đưa, tại cuộc gặp này, Kushner được cho là đã đặt vấn đề với ông Kysliak về việc thiết lập một kênh thông tin liên lạc “cửa sau” với nước Nga. Tham gia cuộc gặp mặt còn có Michael Flynn, người sau đó trở thành Cố vấn An ninh quốc gia và phải mau chóng từ chức vì không khai báo những cuộc gặp gỡ với người Nga.
Mặc dù Kushner không nhận mình làm gì sai, nhưng nếu những lời khai của anh ta với các nhà điều tra của ông Mueller mâu thuẫn với lời khai của ông Flynn về cuộc gặp đó, anh ta sẽ bị xem là phạm tội. Các nhà điều tra còn phát hiện, Kushner đã không khai báo hơn 100 cuộc gọi điện thoại hoặc tiếp xúc với người nước ngoài và không kê khai hơn 70 tài sản.
Kushner liệu có phải là “cơ hội vàng” của nhiều quốc gia?
Hoạt động kinh doanh của cá nhân Kushner chính là nguồn gốc làm phát sinh vấn đề xung đột lợi ích lớn nhất. Theo báo Washington Post, các tiếp xúc của Kushner với quan chức nước ngoài đã gây nên tình trạng nguy hiểm về an ninh cho nước Mỹ. Cố vấn An ninh quốc gia McMaster cho biết ông rất lấy làm ngạc nhiên khi biết được (thông qua báo cáo tình báo) rằng Kushner đã không thông báo với ông trước khi đi gặp các quan chức nước ngoài, và Kushner đã không sử dụng các kênh an toàn cho việc tiếp xúc này.
Từ đó, các quan chức nước ngoài đã nhìn thấy ở Kushner một “cơ hội vàng”, một mục tiêu dễ lợi dụng cho mục đích của quốc gia mình. Theo tờ Washington Post, có ít nhất 4 quốc gia (gồm UAE, Trung Quốc, Israel và Mexico) đã trù tính kế hoạch “lợi dụng các mối quan hệ kinh doanh phức tạp, tình trạng khó khăn về tài chính và sự thiếu kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại” của Kushner để thao túng các quyết định chính sách của Tổng thống Trump.
Nhiều người từng làm việc trong các Chính phủ Mỹ trước đây nhận định việc không được cấp quy chế an ninh tối mật sẽ khiến cho Kushner gặp nhiều khó khăn trong công việc cố vấn cho ông Trump. Samantha Vinograd, một cựu quan chức chính quyền Barack Obama khẳng định hầu hết các nhiệm vụ Kushner được giao đều thuộc hàng tối mật, nếu không có quy chế an ninh tối mật thì Kushner sẽ xử lý công việc ra sao? Chắc chắn hiệu quả công việc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo đó là mức độ ảnh hưởng của Kushner đối với Tổng thống Trump cũng giảm đáng kể.
Để cứu con rể, Tổng thống Trump có thể sử dụng đặc quyền của mình để chia sẻ thông tin tối mật cho Kushner nếu ông thấy thích hợp, nhưng việc này lại đặt ra tình huống khó xử cho ông Trump, khiến ông mang tiếng lạm dụng hệ thống quyền lực vì con rể và sử dụng cố vấn khi người này không còn hiệu quả trong thi hành nhiệm vụ của mình.
Có người cho rằng sự việc Kushner mất quy chế an ninh tối mật là một thắng lợi của Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Thật vậy, chính Tổng thống Trump đã từng nói với báo chí rằng ông tin tưởng và giao cho Chánh văn phòng Kelly “định đoạt” quy chế an ninh cho Kushner. Và mặc dù Kelly không ký văn bản yêu cầu hạ bậc quy chế an ninh cho Kushner, nhưng việc ông thể hiện thái độ không hài lòng với quy trình kiểm tra thông tin cá nhân cũng có ảnh hưởng nhất định.
Sau vụ việc bê bối của cựu Thư ký Nhà Trắng Rob Porter, Kelly đã cam kết sẽ “chấn chỉnh” vấn đề quy chế an ninh trong Nhà Trắng. Đây chính là cái cớ để Kelly ra tay đối với Kushner.
Theo TTXVN