Công nghiệp chế biến, chế tạo hút vốn đầu tư

Cập nhật: 27-09-2019 | 09:15:47

Trong 9 tháng năm 2019, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI), qua đó giúp Bình Dương giữ vững tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm cao của cả nước.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX.Bến Cát). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Chiếm phần lớn vốn FDI

Từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI đăng ký vào tỉnh đạt 2,424 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ, vượt 73% chỉ tiêu năm 2019. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.674 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 33,7 tỷ USD.

9 tháng qua, lĩnh vực chế biến, chế tạo có 145 dự án FDI mới, 104 lượt dự án điều chỉnh vốn và 292 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư 2,274 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng vốn FDI đăng ký. Trong số này có nhiều dự án lớn, như dự Công ty TNHH Sharp Manufacturung (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A) với vốn đăng ký 135 triệu USD; dự án Công ty TNHH Nitto Denko với vốn đăng ký 186,2 triệu USD; dự án Công ty nội thất Lacquerrr Crafft Việt Nam với tổng vốn đăng ký 98,3 triệu USD...

Bên cạnh đó, có nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn lớn sau quá trình hoạt động hiệu quả tại tỉnh, như Công ty TNHH KyungBnag Việt Nam đăng ký thêm 84 triệu USD, nâng tổng vốn của công ty lên 179,2 triệu USD; dự án sản xuất đồ gỗ của Công ty THHH Timberland tăng thêm 50 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký lên 80 triệu USD...

Với lợi thế về hạ tầng khu công nghiệp hiện đại, cơ bản hoàn chỉnh, Bình Dương đã trở thành điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ tính trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã thu hút dự án đầu tư đến từ 34 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đứng đầu là Nhật Bản với 482 triệu USD, tiếp đến là Hồng Kông với 413 triệu USD, Đài Loan 250 triệu USD… Hiện Bình Dương đứng thứ 2 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh) về thu hút vốn FDI.

Điểm đáng chú ý nữa, tỉnh đang triển khai Chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư từ các đối tác có tiềm lực mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trương. Tỉnh cũng rất chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hình thành chuỗi cung ứng trong nước

Các chuyên gia đánh giá, đầu tư nước ngoài sẽ kéo theo sau đó cả công nghệ, sự quản trị từ các tập đoàn công nghiệp lớn, từ đó giúp các doanh nghiệp trong nước và ngành chế biến, chế tạo tiếp thu được kinh nghiệm, công nghệ để vươn lên. Với việc lượng lớn vốn FDI đã và đang chảy mạnh vào công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương vươn lên trong những năm tới nếu tỉnh có chính sách phù hợp, hiệu quả.

Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp thành viên hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu của nhiều đối tác lớn ở Nhật Bản, châu Âu… Hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn hàng từ các đối tác nước ngoài sau khi đạt trình độ công nghệ và quản lý sản xuất mà các nước công nghiệp phát triển yêu cầu. Riêng đối với các doanh nghiệp thành viên hiệp hội tự tin hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu mà đối tác đưa ra. Tuy vậy, khó khăn hiện nay là khu vực FDI chưa có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước.

Thông tin từ lãnh đạo Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh cho biết các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương trong quá trình tham gia những dự án nâng cao năng lực sản xuất, quản lý do trung tâm hỗ trợ hoạt động rất hiệu quả, được các đối tác lớn như Panasonic, các công ty Nhật Bản đánh giá rất cao, như Công ty cơ khí Bách Tùng (TX. Dĩ An), Công ty Cổ phần Cơ khí Việt Nhật (TX.Bến Cát)… Sau thời gian tham gia vào dự án, các công ty của Bình Dương đã vượt qua nhiều đối thủ ngay tại TP.Hồ Chí Minh, được đối tác đánh giá cao và chọn làm đơn vị cung ứng công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Edwin van de Sloot, Giám đốc điều hành ScanCom Vietnam Ltd (TX.Dĩ An) - sản xuất các sản phẩm gỗ, nhựa polymer và thép, trong quá trình mua các sản phẩm của công ty các đối tác châu Âu đều yêu cầu có sử dụng sản phẩm tái chế trong sản phẩm hoàn chỉnh của mình. Hiện nay, công ty phải nhập sản phẩm tái chế từ châu Âu để hoàn thiện sản phẩm của mình. “Chúng tôi thật sự mong muốn tìm đối tác sản xuất những sản phẩm tái chế tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Nếu tìm được đối tác như vậy, chúng tôi sẽ tiết kiệm được chi phí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa…”.

Hiện nay, ngành công thương tỉnh đã và đang phối hợp với các ngành triển khai cơ sở dữ liệu về thông tin doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Đề án sau khi hoàn thành sẽ là nguồn thông tin để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm đối tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất tại địa phương.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3282
Quay lên trên