Trong 6 tháng đầu năm 2019, từ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham mưu kịp thời của các ngành, các cấp đã góp phần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Kế hoạch đề ra đầu năm 2019 là 43 nhiệm vụ trọng tâm, đến nay tỉnh đã hoàn thành 27 nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.
Cán bộ công chức tại bộ phận “một cửa” cấp tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Quyết liệt trong công tác chỉ đạo
Trong 6 tháng qua, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC trong năm 2019; trong đó, tập trung vào mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Cùng với đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), góp phần nâng cao chất lượng văn bản do UBND tỉnh ban hành, bảo đảm đúng quy định pháp luật, sát với tình hình thực tế địa phương.
Theo ghi nhận, Sở Nội vụ đã tham mưu và thực hiện tốt các nhiệm vụ CCHC, nhất là tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”. Sở Thông tin - Truyền thông đã đẩy mạnh các ứng dụng CNTT, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến. Các địa phương như TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên… đã quyết tâm chỉ đạo trong công tác CCHC, trong đó tập trung các nhiệm vụ tại trụ sở cơ quan, tại bộ phận “một cửa” và trên trang thông tin điện tử, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận tiện trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Còn tại các xã, phường, thị trấn, nhiều nơi đã thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, hướng đến nền hành chính dân chủ. Cụ thể, tại UBND phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng bộ phận một cửa đạt chuẩn, 100% TTHC đều công khai.
Cải cách tổ chức bộ máy
Về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Kế hoạch 43-KH/ TU, Đề án 711 của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tính đến nay, các sở, ngành đã thực hiện xây dựng đề án và trình Tỉnh ủy phê duyệt. Nhìn chung, các cơ quan đơn vị trong tỉnh đã tiến hành việc rà soát, sắp xếp giảm đầu mối và cơ cấu tổ chức bên trong theo nội dung và lộ trình đã được quy định nhằm mục tiêu thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 77-CTr/TU với mục tiêu đặt ra là đến năm 2021, giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế...; đến nay, đã hợp nhất 3 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 3 đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch...
Đạt được những kết quả tích cực trong công tác CCHC như trên là do tỉnh đã chú trọng cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tiếp tục triển khai rà soát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Cùng với đó, tỉnh đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể là việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng và UBND cấp huyện. Cùng với đó, tỉnh chú trọng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 600 cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng; trong đó có nhiều lớp bồi dưỡng liên quan đến văn hóa ứng xử, tiếp công dân; thực hiện số hóa các văn bản theo hướng điện tử và thực hiện quy trình chữ ký số…
Chú trọng hiện đại hóa nền hành chính
Để công tác CCHC tiếp tục đạt hiệu quả tốt, ngoài các nhiệm vụ thường niên, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC và những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện, những mô hình, sáng kiến, giải pháp hay trong thực hiện CCHC; tập trung tuyên tuyền về các tiện ích, quy trình, cách thức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tiếp nhận hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để người dân biết thực hiện. Cùng với đó là cần tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức làm công tác CCHC, đặc biệt là cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa”, có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4- 2018 của Chính phủ về thực hiện “Cơ chế một cửa, một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một, bộ phận “một cửa” hiện đại cấp huyện; đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” cấp xã; tăng số TTHC liên thông trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là liên thông đến cấp xã; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; hoàn thiện và triển khai các phần mềm “một cửa” điện tử, phần mềm đánh giá công chức bộ phận “một cửa” đến 100% cấp xã; tổ chức triển khai khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh.
Song song đó, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan hành chính Nhà nước; khuyến khích UBND cấp xã xây dựng và áp dụng hệ thống; tổ chức triển khai hệ thống đường dây “nóng” để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018- 2020; quảng bá thông tin và dịch vụ hành chính công của tỉnh trên ứng dụng Zalo…
HỒ VĂN