Đến sáng 30/7, thế giới có tổng số 17.132.177 ca nhiễm và 668.382 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 248.113 và 5.910 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Thế giới có tổng số 17.132.177 ca nhiễm COVID-19 mới chỉ trong 1 ngày (Ảnh minh họa: AFP)
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 30/7, đã có 10.658.614 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 5.805.181 ca bệnh đang điều trị, có 5.738.633 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 66.548 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Với thêm 68.616 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ qua, Brazil đã trở thành nước ghi nhận thêm nhiều ca mới nhiễm COVID-19 nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ, và Mỹ xuống vị trí thứ 3 với lần lượt là 52.249 và 51.801 ca. Cùng với đó, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19 khi con số này tăng vọt lên 1.500 ca ghi nhận được trong 24 giờ qua.
Bắc Mỹ là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới khi 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 63.640 ca nhiễm COVID-19 và 2.152 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 5.334,059 và 213.784 ca. Với 4.550.144 ca nhiễm và 153.443 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau đó là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 402.697 và 115.298 ca nhiễm, cùng 44.876 và 8.914 ca tử vong vì COVID-19.
Với 4.126.145 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 30/7, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 94.021 ca đã tử vong do COVID-19 và 94.021 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Iran và Pakistan với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 1.584.384; 298.909 và 276.288 ca. Tại Thái Lan, chính phủ đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng 8 tới để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan. Tương tự, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cũng cho biết nước này quyết định gia hạn lệnh phong tỏa thêm 2 tuần nữa, đến giữa tháng 8; trong khi giới chức Myanmar cũng thông báo tiếp tục gia hạn các biện pháp hạn chế đối với các dịch vụ hàng không quốc tế tại sân bay quốc tế Yangon đến ngày 31/8.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 72.536 ca nhiễm và 1.671 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 3.928.134 ca, trong đó 138.959 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 68.616 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 2.553.265 vào thời điểm hiện tại. Với 1.500 ca tử vong được ghi nhận chỉ trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; trong khi Peru – nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai khu vực (395.005 ca) lại không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới nào trong vòng 24 giờ qua.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.832.597 trường hợp, trong đó có 202.521 ca tử vong và 1.701.974 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 17.418 ca nhiễm và 435 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Tây Ban Nha và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 828.990; 329.721 và 301.455 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 45.961 ca, sau khi có thêm 83 ca trong 24 giờ qua. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 29/7 cảnh báo cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ kéo dài và kêu gọi người dân tuân thủ những quy định về giãn cách xã hội. Bộ Y tế Đức thì cho biết các quy định mới về việc bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với các du khách nhập cảnh Đức xuất phát từ các quốc gia thuộc diện có nguy cơ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ có hiệu lực kể từ tuần tới. Còn tại Bồ Đào Nha, đeo khẩu trang ở nơi công cộng sẽ là quy định bắt buộc mọi lúc, mọi nơi trên hòn đảo Madeira nổi tiếng của nước này kể từ ngày 1/8 tới đây.
Tính đến sáng 30/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 893.208 ca, trong đó có 18.883 ca tử vong và 541.651 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 471.123 ca nhiễm và 7.497 ca tử vong. Tiếp theo đó là Ai Cập, Nigeria và Ghana, với lần lượt 93.356; 41.804; 34.406 ca nhiễm bệnh. Trong khi Nigeria và Ghana không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới thì Nam Phi có thêm tới 11.362 ca nhiễm và 240 ca tử vong mới, còn Ai Cập ghi nhận thêm 409 ca nhiễm và 37 ca tử vong mới chỉ trong vòng một ngày qua. Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly ngày 29/7 cho biết nước này có thể phải tái áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh một cách kiên quyết như từng áp dụng trước đó để chống đại dịch COVID-19, gồm cả việc tái đóng cửa các hoạt động nếu số ca mắc COVID-19 lại tăng cao hơn nữa. Thủ tướng Madbouly cũng kêu gọi người dân Ai Cập tiếp tục tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, trong đó có việc thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 17.313 ca nhiễm (tăng 278 ca) và 199 ca tử vong (tăng 10 ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 276 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.580 ca, trong đó 176 ca tử vong (tăng 9 ca)./.
Theo ĐCSVN