Trong nhiệm kỳ 2010-2015, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và chỉ đạo của Trung ương, tổ chức bộ máy Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đạt nhiều thành tựu to lớn, tác động mạnh mẽ đến quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa tại địa phương.
Ông Trần Văn Nam (ngồi), Chủ tịch UBND tỉnh và cán bộ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành kiểm tra việc giải quyết hồ sơ cho người dân tại Trung tâm Hành chính công Ảnh: HỒ VĂN
Nhìn từ thực tiễn
Trong nhiệm kỳ qua, với việc xác định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn thông qua việc xác định rõ vị trí, thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương; rà soát sắp xếp bộ máy các cơ quan chuyên môn, nhất là cấp huyện và các ngành y tế, giáo dục, quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch, đô thị... Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời, thường xuyên, liên tục và nhạy bén trong công tác xây dựng chính quyền.
Song song đó, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, thực hiện nhiều mô hình mới phát huy hiệu quả cao trong thực tế hoạt động; tổ chức nhiều đoàn khảo sát, kiểm tra, giám sát thực tế, từng bước giúp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp phát huy trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động; kịp thời chỉ đạo sửa chữa, uốn nắn các hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các cấp chính quyền cũng như các sở, ngành, phòng, ban chuyên môn đã có sự phối hợp hoạt động giữa chính quyền và MTTQ, đoàn thể cùng cấp nhằm tạo sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cấp xã.
Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đối với một số lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội; xã hội hóa một số đơn vị sự nghiệp ở những nơi có điều kiện; thực hiện phân cấp về tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ công chức và một số lĩnh vực khác cho các địa phương, đơn vị để khai thác tốt khả năng và nguồn lực của mỗi địa phương, giúp chính quyền mỗi cấp chủ động, tự chịu trách nhiệm khi quyết định các lĩnh vực được phân cấp, phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương, từng bước nâng cao vai trò chính quyền trong điều hành, quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Một trong những thành tựu đạt được là chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, quy chế dân chủ, tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt triển khai có hiệu quả công tác dân vận của chính quyền gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã tạo nền tảng vững chắc, là động lực để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Chính quyền các cấp, nhất là cấp tỉnh đã thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính, thực hiện đẩy mạnh việc giáo dục cán bộ, công chức, viên chức về phong cách, ứng xử, giao tiếp, thái độ phục vụ trên tinh thần gần gũi, thân thiện, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ cho biết: “Trong thời gian qua, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, tỉnh đã triển khai thành lập và chuyển tổ chức bộ máy một số đơn vị hành chính từ huyện thành thị xã, từ thị xã thành thành phố và xã thành phường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Ngoài ra, với việc TP.Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại II, các thị xã (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên) được công nhận đô thị loại IV đã tạo cơ sở đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính quyền đô thị ngày càng nhanh hơn trong giai đoạn phát triển mới”. |
Kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính của Bình Dương được Bộ Nội vụ xếp hạng luôn đứng trong nhóm đầu của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tỉnh đã đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính tập trung, trong đó có Trung tâm Hành chính công (bộ phận một cửa) của tỉnh và tổ chức bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện văn hóa công sở, quy tắc ứng xử và công khai, minh bạch theo quy chế dân chủ, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho nhân dân, cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đến đầu tư tại Bình Dương đã góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của tỉnh, đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền thân thiện của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân phục vụ.
Xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, HĐND, UBND các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới. Chất lượng hoạt động của HĐND, UBND các cấp ngày càng được nâng cao. HĐND các cấp đã thực hiện tốt các chức năng quyết định, chức năng giám sát các vấn đề quan trọng của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới. Đặc biệt, hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật và giải quyết các bức xúc của nhân dân; công tác tiếp xúc cử tri, chất vấn, trả lời chất vấn ngày càng được nâng cao về mặt chất lượng, phát huy chức năng đại diện và luôn lắng nghe ý kiến cử tri; có nhiều đóng góp tích cực trong xem xét, giải quyết tâm tư nguyện vọng chính đáng hợp pháp của nhân dân, cử tri.
Các nghị quyết của HĐND các cấp được ban hành phù hợp, sát thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Việc tổ chức các kỳ họp luôn được đổi mới và cải tiến, dành nhiều thời gian cho thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ các nội dung kỳ họp định kỳ và chuyên đề. Tỉnh đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND các cấp năm 2011 và bầu cử bổ sung đại biểu HĐND huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên năm 2014 đúng luật, dân chủ, an toàn; bầu đủ số lượng đại biểu HĐND và bầu cử các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND ở mỗi cấp theo luật định.
Tỉnh cũng xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức các cấp có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước; triển khai nhiều biện pháp thích hợp, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; nhất là liên quan đến hành vi tham nhũng luôn được chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện xử lý kịp thời, nghiêm túc các trường hợp sai phạm, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Được biết , từ tháng 10-2014 đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình Chính quyền thân thiện, công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ tại 35 đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua thực tiễn xây dựng mô hình ở các đơn vị, địa phương cho thấy, chính quyền, cơ quan Nhà nước được thí điểm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thái độ làm việc của cán bộ công chức tại các nơi này đã được nâng lên theo hướng nghiêm túc, cầu thị. Các ngành chức năng của tỉnh đã kịp thời hướng dẫn lãnh đạo các đơn vị, địa phương chấn chỉnh, sửa đổi các hạn chế, yếu kém của từng đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương đã có chuyển biến về tư duy nhận thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, từ xử lý công việc theo mệnh lệnh hành chính chuyển sang xử lý công việc hành chính trên tinh thần phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả, thân thiện của chính quyền, cơ quan hành chính, nhất là bố trí, sắp xếp lại nơi làm việc của bộ phận một cửa, nơi tiếp công dân sạch đẹp, thông thoáng, gần gũi... Từ đó, đã thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao trong việc thay đổi cách thức phục vụ nhân dân.
CAO SƠN