Anh Lâm Thành Chương ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một vừa có buổi đi chợ đêm với tâm trạng đầy bức xúc. Anh Chương kể, có một cái áo sơ mi mà anh phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới mua được tại Khu chợ đêm Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một), bởi có cái áo giống y nhau mà có tới 3 mức giá khác nhau: chỗ “hét” giá 230.000 đồng, chỗ nhẹ hơn thì 140.000 đồng. May mắn, cuối cùng anh cũng mua được áo sơ mi giá chỉ 90.000 đồng.
Dù chợ đêm Thủ Dầu Một đã quy định các tiểu thương phải niêm yết giá khi bán để tránh trường hợp gian lận mua bán, người bán giá cao ngất ngưởng so với giá thị trường nhưng một số tiểu thương chợ đêm vẫn không tuân thủ quy định.
Hiện nay, thói quen người mua vẫn hay trả giá, còn tâm lý người bán là bán được món hàng càng lời nhiều càng tốt. Đây chính là cơ sở để cho việc nói thách giá, mặc cả về giá diễn ra và thường kết thúc bằng phần thắng thuộc về người bán. Chị Trúc Linh ở TX.Thuận An chia sẻ kinh nghiệm khi mặc cả về giá, khi mua hàng cứ trả giá bằng 1/2 giá mà người bán đưa ra, rồi “cò kè bớt một thêm hai”, nhích từng 10.000 đồng thì ít bị mua “hớ hàng”. Tuy vậy, một số người bán thiếu chân chính vẫn có nhiều chiêu “khuất phục” khách hàng như nâng giá lên cao để cho khách trả giá thoải mái, đến mức chấp nhận được (vẫn bảo đảm lời cao) thì bán hàng liền.
Căn bệnh nói thách và mặc cả về giá đã ăn sâu vào suy nghĩ của người mua lẫn người bán. Trên bình diện rộng lớn hơn là chúng ta đang phải sống chung với việc mua - bán không trung thực. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam rồi ít khi trở lại vì thói quen nói thách của không ít người bán, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới, việc lưu giữ khách quốc tế được hay không còn phụ thuộc nhiều vào những gian hàng lưu niệm, những shop hàng bán lẻ. Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn để từng bước xây dựng văn hóa mua bán vì lợi ích lâu dài của khách hàng, ngành du lịch và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
HOÀNG PHONG