Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội cho doanh nghiệp trong nước

Cập nhật: 28-09-2018 | 08:51:41

 Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước vào giai đoạn mới, nặng nề hơn sau khi Mỹ chính thức tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó 90% mặt hàng này là nguyên liệu sản xuất. Theo các chuyên gia, chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có tác động trực tiếp và gián tiếp tới Việt Nam, bởi số ngành hàng của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều từ mức thuế nói trên khá tương đồng với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, do đó dự kiến một số ngành hàng của Việt Nam có thể hưởng lợi trực tiếp. 

Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam cạnh tranh tốt hơn so với hàng Trung Quốc khi xuất khẩu sang Mỹ, bởi nhiều nhà sản xuất vốn đặt tại Trung Quốc nay sẽ chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tạo thêm cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư. Cùng với đó, các đơn hàng từ Trung Quốc sẽ dịch chuyển về các nước không chịu thuế cao từ Mỹ, có ưu đãi về thuế quan để họ đặt hàng, tránh bị áp thuế tại Trung Quốc.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty May mặc Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Còn theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Giám đốc Công ty May Quốc Tế (TX.Bến Cát), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài sẽ dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư của các tập đoàn lớn đã và đang đầu tư tại Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Một khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam tăng cao hơn, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra cho người lao động... Đối với ngành dệt may, việc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tăng thuế qua lại lẫn nhau sẽ khiến cho các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, các công ty nội địa Trung Quốc có động cơ mạnh hơn để chuyển hướng các đơn hàng cũng như hoạt động sản xuất sang các nước khác nhằm tránh bị đánh thuế cao. Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh trong ngành may mặc, cho nên sẽ được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chẳng hạn, sau khi Mỹ áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, qua đó đồng Nhân dân tệ cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp trong nước nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may giá tốt hơn. Bên cạnh đó, ngành may mặc của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn...

Cần những kịch bản ứng phó hiệu quả

Bên cạnh những cơ hội, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn có tác động rủi ro đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta nên căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn có những tác động không tốt đến nền kinh tế nước ta. Do đó, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước cần chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp để đứng vững trước những rủi ro nếu có.

Bà Trang cho rằng thực tế hiện nay chi phí sản xuất tại Việt Nam còn cao nên chưa cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp dệt may, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Điều đáng nói, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc của doanh nghiệp dệt may trong nước còn cao, việc thị trường Trung Quốc tăng giá khi các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu là điều hoàn toàn có thể diễn ra... Thực tế cho thấy, cơ hội luôn đi cùng thách thức, nên các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội. Đối với Công ty May Quốc Tế, thời điểm này chưa có nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, do công ty đã hoạt động lâu năm, lượng khách hàng và đơn hàng tương đối ổn định...

Theo ông Xô, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn có thể tác động đến tiền tệ tại Trung Quốc, vì có khả năng Trung Quốc sẽ phá giá đồng nội tệ, do đó sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa của Việt Nam, theo hướng giá sẽ cao hơn. Ngoài ra, khi bị áp thuế cao, nhiều mặt hàng của Trung Quốc sẽ không xuất khẩu được sang thị trường Mỹ dẫn đến hàng hóa của Trung Quốc sẽ tràn sang các nước lận cận, vì nguồn nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành hàng ở các nước lân cận chủ yếu là từ Trung Quốc. Do đó Trung Quốc sẽ dùng lợi thế này để nâng cao giá sản phẩm. Thực trạng này sẽ tạo nên làn sóng bảo hộ mậu dịch, dẫn đến làm cho guồng máy của nền kinh tế một số nước bị khép lại, không phải nền kinh tế mở nữa. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến các nước như Việt Nam.

Ông Xô cho biết thêm, cần khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam không nên tiếp tay với doanh nghiệp Trung Quốc để biến hàng Trung Quốc trở thành hàng Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khác. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh cơ hội, thách thức cũng không ít đối với doanh nghiệp trong nước khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra. Nhiều chuyên gia cho biết, trước thực tế này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam cần bám sát, theo dõi, phân tích và dự báo để đưa ra những kịch bản ứng phó khác nhau. Các doanh nghiệp cần chủ động tăng năng lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu; nhạy bén, tỉnh táo sàng lọc dự án đầu tư, tránh hệ lụy lâu dài...

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng những biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, nhất là về lâu dài. Ngoài ra, nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại này, khi hàng hóa nước này khó vào thị trường Mỹ, chuyển hướng sang các thị trường khác. Ông Lộc tỏ ra quan ngại xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hóa của Trung Quốc lẽ ra để xuất khẩu buộc phải tiêu dùng nội địa.

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=583
Quay lên trên