Cuộc giải cứu Keo và Lim

Cập nhật: 15-03-2019 | 10:41:29

Sau khi tiếp nhận hai cá thể gấu ngựa tại một cơ sở kinh doanh chăn nuôi động vật ở phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An, các thành viên thuộc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt đã đặt tên cho hai chú gấu: gấu cái là Keo, gấu đực là Lim (tên của các cây gỗ). Cuộc giải cứu hai chú gấu Keo và Lim đã cho thấy những nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương và các tổ chức cứu trợ động vật đang giúp thay đổi nhận thức của người dân về việc bảo tồn gấu, chấm dứt tình trạng chích hút lấy mật và phục vụ lợi ích cá nhân.


Các thành viên trong đoàn cứu hộ khảo sát chuồng trại để lên phương án đưa Keo và Lim ra ngoài

Giải thoát sau 15 năm bị nhốt trong cũi sắt

Ngày 11-3, lực lượng chức năng tỉnh phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt đã tổ chức giải cứu hai cá thể gấu ngựa Keo và Lim sau 15 năm bị nuôi nhốt trong cũi sắt ở một cơ sở chăn nuôi kinh doanh động vật N.S. tại phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An.

Vào năm 2004, người chủ cơ sở chăn nuôi kinh doanh động vật N.S. mua Keo và Lim (2 năm tuổi) nuôi nhốt, được cấp phép, cấy chip để theo dõi. Sau một thời gian dài nỗ lực vận động người dân tự giao nộp động vật của ngành chức năng, các địa phương thì ông chủ N.S. đã tự nguyện giao nộp Keo và Lim cho Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt trong tình trạng sức khỏe ổn định, tuy nhiên về cân nặng cũng như điều kiện nuôi nhốt không tốt. Người chủ đã xây dựng nhiều củi sắt, nuôi nhốt Keo và Lim chung khu với nuôi gà; mùi hôi thối cùng việc thiếu ánh sáng khiến cuộc sống của hai chú gấu ngựa rất khắc nghiệt, tính khí cũng rất thất thường, rất hung dữ và thường xuyên gầm rú trong cũi.

Để tiếp cận được Keo và Lim, các thành viên thuộc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt tận dụng mọi phương tiện trang thiết bị và máy móc để đưa các chú gấu này ra ngoài. Việc gây mê là bước đầu tiên trong công tác khám sức khỏe cho gấu được bác sĩ thú y người Áo tên Johanna đảm nhiệm. Bác sĩ Johanna, chia sẻ: “Do việc nuôi nhốt trong cũi sắt nhiều năm không được tiếp xúc với môi trường tự nhiên nên tính khí của Keo và Lim rất hung dữ; điều kiện chuồng trại chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10m2 đã gây khó khăn cho việc gây mê để đưa các chú gấu này ra ngoài”.


Bác sĩ thú y Johanna khám sức khỏe cho các chú gấu trước khi đưa chúng về khu bảo tồn

Khi đưa Keo và Lim ra ngoài để kiểm tra, bác sĩ Johanna phát hiện các chi của hai chú gấu này đều bị sừng hóa, nứt nẻ; lông xơ xác, cân nặng không phù hợp, do người chủ không chăm sóc chu đáo. Người chủ cơ sở N.S. cho biết: “Trước đây, tôi mua hai chú gấu ngựa này về làm thú chơi trong nhà chứ không lấy mật. Tuy nhiên sau đó Nhà nước có chính sách bảo tồn các động vật hoang dã nên các thành viên trong gia đình yêu cầu nhốt lại để khi nào thích hợp sẽ giao nộp. Tôi đã đưa hai chú gấu này nhốt lại trong cũi sắt được xây dựng cẩn thận, đúng theo quy định về chuồng trại, nhưng việc chăm sóc không được như trước vì tôi còn bận việc kinh doanh”.

Hoạt động giải cứu hai chú gấu ngựa được diễn ra rất khẩn trương. Nhiều thành viên trong đoàn cứu trợ đã phải làm việc liên tục 7 giờ đồng hồ dưới cái nắng gắt như thiêu như đốt của mùa khô.

Chàng trai trẻ tên Vinh (cán bộ truyền thông của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt), cho biết: “Tôi đã tham gia chương trình cứu hộ các động vật hoang dã của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Nước Việt được khoảng 5 năm. Khi hàng ngày phải chứng kiến nhiều hình ảnh, clip trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung các con vật ở rừng tự nhiên đang bị con người săn bắt, thậm chí là giết chết để lấy một số bộ phận trên cơ thể chúng để làm vật trang trí thì thấy việc bảo tồn các loài động vật hoang dã là điều hết sức cần thiết. Chúng tôi đang cùng với ngành chức năng nỗ lực nhiều hơn nữa để giải cứu không chỉ là gấu ngựa, mà còn nhiều loài khác đang bị nuôi nhốt để chúng có được cuộc sống tự nhiên”.

Đưa Keo và Lim về với rừng xanh

Dưới sự chứng kiến, giám sát của lực lượng liên ngành, gồm: Chi cục Chăn nuôi Thú ý và Thủy sản tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, việc kiểm tra sức khỏe cho cặp gấu ngựa Keo và Lim diễn ra nghiêm túc, khẩn trương, đúng quy trình, thủ tục được hoàn tất vào cuối giờ chiều 11-3. Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Hiện cả nước còn khoảng 800 cá thể gấu (chủ yếu là gấu ngựa), đang bị nuôi nhốt trong điều kiện nghèo nàn tại 250 trại nuôi nhốt tư nhân. Những cá thể gấu này phải phụ thuộc vào con người, sống trong cảnh đói khát, thiếu thốn trong các chuồng cũi chật hẹp. Trong khi đó, số lượng gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể nên việc giải cứu những cá thể gấu cuối cùng phải được hành động quyết liệt hơn bao giờ hết. Hiểu rõ được trách nhiệm về việc bảo tồn các cá thể gấu, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, các hộ chăn nuôi gấu trong tỉnh tự nguyện giao nộp các cá thể gấu cho cơ quan chức năng để góp phần chấm dứt tình trạng chích hút lấy mật, phục vụ lợi ích cá nhân”.

Ngày 12-3, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt đã tiếp nhận 2 cá thể gấu đang nuôi nhốt tại Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và một cá thể gấu được nuôi nhốt tại nhà người dân ở huyện Trảng Bom. Các cá thể gấu ngựa được tiếp nhận lần này có tuổi đời khoảng 20 năm, nặng khoảng 1,2 tạ/1 cá thể và đã trải qua thời gian nuôi nhốt nhiều năm. Trong quá trình nuôi, cơ sở có khai báo với cơ quan Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai và thực hiện gắn chip điện tử để theo dõi thông tin của gấu.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt, cho hay: “Chúng tôi rất vui khi người dân đã nhận thức đúng đắn và tự nguyện giao nộp các cá thể gấu nuôi của gia đình cho trung tâm cứu hộ. Hiện cả nước đã có hơn 20 tỉnh, thành phố không còn tình trạng gấu nuôi nhốt. Tôi hy vọng hiện một gia đình nào đó đang nuôi nhốt cá thể gấu mà thấy mình không đủ điều kiện để gấu được sống tốt hơn thì hãy tìm ngành chức năng, các trung tâm cứu hộ gấu để có thể đem đến một tương lai tốt đẹp hơn cho loài động vật này”.

Kết thúc chuyến hành trình giải cứu, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt đã sử dụng 2 xe tải lớn và 1 xe buýt để chở đoàn cứu hộ, phương tiện và máy móc, đặc biệt là cặp gấu Keo và Lim sẽ đồng hành cùng đoàn cứu hộ đến với tỉnh Đồng Nai để tiếp tục giải cứu các cá thể gấu còn lại. Khi giải cứu gấu xong ở hai địa phương, đoàn cứu hộ sẽ di chuyển khoảng 48 giờ trên chặng đường dài gần 1.700km để về cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (nơi chăm sóc, bảo tồn gấu FOUR PAWS có tổng diện tích 10ha tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Tại đây, cá thể gấu tiếp tục được các bác sĩ thú y, chuyên viên của trung tâm tiến hành theo dõi sức khỏe thêm 3 tuần để các cá thể gấu dần dần thích nghi với môi trường bán tự nhiên, hình thành lại tập tính của loài để tự tồn tại, khi đó chúng sẽ được thả về tự nhiên.

Gấu ngựa là loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo pháp luật Việt Nam và quốc tế. Cụ thể, gấu ngựa (Ursus thibetanus) được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời cũng được liệt kê trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Đồng thời, quy chế quản lý gấu nuôi được ban hành kèm theo Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29-9-2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng quy định hành vi nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chip điện tử hoặc nuôi gấu không có nguồn gốc hợp pháp đều là hành vi bị cấm. Như vậy, hành vi nuôi nhốt gấu trái phép có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 

HƯNG PHƯỚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=709
Quay lên trên