Theo thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ, hiện nay tình hình giá cước vận tải biển tăng mạnh, gây khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ, kết hợp với các cú sốc chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19, vốn gây ra tình trạng tắc nghẽn ở cả đường biển và cảng cũng như mức tăng đột biến về giá cước vận chuyển container đang tạo ra tâm lý lo ngại của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trong những ngày đầu năm 2024.
Theo báo giá của một số hãng tàu, giá cước từ Việt Nam đi bờ Tây Mỹ tăng 800 - 1.250 USD/chuyến. Cụ thể trong tháng 1-2024, giá cước đã tăng lên mức 2.873 - 2.950 USD/chuyến, tăng 55 - 60% so với cuối năm 2023. Tương tự, giá cước đi bờ Đông Mỹ cũng lên 4.100 - 4.500 USD/chuyến, tăng 58 - 73%. Riêng giá cước vận chuyển bằng container sang EU đã tăng gấp 3 - 4 lần so với cuối năm ngoái, chẳng hạn đi Hamburg (Đức) đã tăng khoảng 3,5 lần, lên 4.350 - 4.450 USD/chuyến trong tháng 1-2024.
Cùng với cước đường biển giá cước vận tải hàng không từ Việt Nam đến châu Âu đã tăng 10%, nhưng với khối lượng vận chuyển ngày càng tăng, gây áp lực lên công suất, giá cước có nguy cơ tăng cao hơn. Giá cước vận tải hàng không vẫn chưa đạt đến mức như trong thời kỳ Covid-19, nhưng tính chất đột ngột của cuộc khủng hoảng khiến tốc độ tăng giá cước nhanh hơn.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu; bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.
Tại Bình Dương, các đơn vị, doanh nghiệp logitsics đang nỗ lực giải quyết nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu. Cùng với đó, các đơn vị khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
Sản xuất, thị trường xuất khẩu vốn đã gặp khó trong thời gian vừa qua, những bất lợi vừa nêu càng gây thêm lo ngại cho doanh nghiệp trên hành trình phục hồi, phát triển. Sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại là vô cùng hữu ích, rất đáng chờ đợi.
TIỂU MY