Huyện Bàu Bàng: Đa dạng mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 24-01-2024 | 09:16:19

Nỗ lực để đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, 3 xã Trừ Văn Thố, Tân Hưng và Hưng Hòa đang tích cực hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế, hình thức sản xuất phù hợp, bền vững, nâng cao giá trị.

Ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất

Nhằm thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí sản xuất trong xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn huyện đã phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Tại xã Tân Hưng, có các mô hình điển hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất như HTX bưởi Phượng Hằng, HTX nông nghiệp - thương mại yến sào Bàu Bàng. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất cũng nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm để đạt tiêu chuẩn OCOP như Cơ sở nuôi trồng và kinh doanh tổ yến Việt Hoa, Cơ sở gạo tươi nguyên cám Song Đàm.

Cơ sở yến sào đạt OCOP 3 sao của gia đình anh Phùng Đình Hùng, xã Hưng Hòa

Cơ sở gạo tươi nguyên cám Song Đàm mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm, trung bình mỗi ngày cơ sở xay khoảng 300 - 500kg gạo tươi cung cấp cho người dân địa phương. Anh Đàm Quang Hiệp, chủ cơ sở chia sẻ, đây là mặt hàng thiết yếu, lợi nhuận không cao nhưng ổn định. Gạo tươi nguyên cám là xay ăn liền, không đánh bóng, không chất bảo quản, gạo giữ được nguyên cám có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Đây là lợi thế để cạnh tranh với gạo công nghiệp.

Cũng theo anh Hiệp, lúc đầu cơ sở mới thành lập, để giảm thiểu rủi ro anh đặt hàng của nhà sản xuất xay theo yêu cầu. Mỗi lần anh lấy vài trăm kg, chủ yếu dùng để làm marketing. Khi lượng khách hàng tăng lên anh mạnh dạn đầu tư giàn máy xay xát, sản lượng đạt khoảng 10 tấn/tháng, lợi nhuận thuần đạt khoảng 15%. Hiện tại một năm thu về 240 triệu đồng. Sản phẩm cám gạo nguyên chất của gia đình anh Hiệp hiện đang được xã hỗ trợ làm hồ sơ chứng nhận sản phẩm OCOP.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, trong xây dựng NTM, cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất để hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn luôn được địa phương chú trọng.

Tại xã Trừ Văn Thố, hiện nay các sản phẩm chủ lực của địa phương là trồng trọt (rau sạch, các loại cây ăn trái có múi, măng tre), các sản phẩm chăn nuôi (heo, gà, các sản phẩm chế biến từ yến). Trong trồng trọt, người sản xuất chủ động ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, trồng trọt theo hướng hữu cơ, các loại rau được trồng trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong chăn nuôi, xã có 45 trang trại theo quy trình trại lạnh kép kín bán tự động.

Đối với xã Hưng Hòa, do đặc thù là cây cao su nên không có nguồn nông sản chủ lực. Trên địa bàn xã hiện có mô hình sản xuất cơm cháy chà bông của hộ ông Nguyễn Đức Tuân và sản phẩm yến sào của ông Phùng Đình Hùng là những mô hình phát triển kinh tế nông thôn tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn OCOP.

Mô hình kinh tế gạo tươi nguyên cám Song Đàm của gia đình anh Đàm Quang Hiệp, xã Tân Hưng

Bên cạnh khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các địa phương cũng tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển mô hình kinh tế thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Hải, tổ 3, ấp 4, xã Trừ Văn Thố trước đây thuộc hộ nghèo, được xã tạo điều kiện phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ như nuôi bò, trồng chôm chôm, đến nay gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, đời sống gia đình được cải thiện.

Theo ông Trần Xuân Trà, Chủ tịch UBND xã Trừ Văn Thố, mục tiêu cơ bản của xây dựng NTM nhằm cải thiện rõ rệt, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của người dân nông thôn và tạo tiền đề để phát triển kinh tế. Do vậy, địa phương ưu tiên đẩy mạnh phát triển sản xuất để không ngừng nâng cao mức sống cho người dân; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo bước phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, tiếp tục tạo việc làm nâng cao thu nhập, nâng cao tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, huyện Bàu Bàng ưu tiên bố trí tập trung nguồn vốn cho lĩnh vực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...

TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên