Cuối năm, áp lực thu ngân sách tăng cao

Cập nhật: 11-10-2012 | 00:00:00

 Từ những khó khăn chung của nền kinh tế, nguồn thu ngân sách của tỉnh 9 tháng qua sụt giảm đáng kể. Không riêng Bình Dương, hầu hết các tỉnh, thành có mức thu ngân sách lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đồng Nai... đều rơi vào tình trạng tương tự và có khả năng thu không đạt dự toán Bộ Tài chính giao. Do vậy, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012 đang là áp lực lớn đối với các địa phương trong những tháng còn lại từ nay đến cuối năm. 

Sức mua yếu, lượng hàng tồn kho lớn, khiến sản xuất đình đốn là nguyên nhân làm giảm thu ngân sách

Trong 9 tháng đầu năm, tình hình chung cho thấy công nghiệp tăng chậm, sức mua suy kiệt, chi phí động lực tăng, hàng tồn kho lớn... Những khó khăn này kéo dài khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) đình đốn. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng, toàn tỉnh có 437 DN ngưng sản xuất, kinh doanh nên nguồn thu chiếm tỷ lệ 85% từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của tỉnh bị sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tình hình nợ đọng thuế đến nay là 1.142 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cũng làm hụt thu 1.343 tỷ đồng. Từ đó, làm cho mức thu ngân sách dự kiến của tỉnh theo kế hoạch năm 2012 là 27.000 tỷ đồng khó hoàn thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Thực hiện tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu

Cùng với việc thu đúng, thu đủ các nguồn thu theo dự toán được thông qua, các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu ngân sách. Trong xây dựng cơ bản phải tính toán, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện các dự án thật sự cần thiết cấp bách... Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các cơ quan, đơn vị của tỉnh cần quan tâm khai thác, vận dụng tốt các chính sách tích cực nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư, tạo điều kiện nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Báo cáo với UBND tỉnh tại cuộc họp gần đây, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lê Văn Trang, cho biết tính đến cuối tháng 9, tổng mức thu từ nội địa đạt gần 12.000 tỷ đồng, chỉ đạt 68% so với dự toán của Bộ Tài chính. Trong khi những năm trước, các nguồn thu cùng thời điểm đều đạt từ 75 - 80%. Nếu tình hình kinh tế chuyển biến tích cực hơn, tổng mức thu cũng chỉ có thể đạt mức dự kiến tối đa là 14.500 tỷ đồng, đạt 88 - 90% kế hoạch. Điều này có nghĩa, ngân sách địa phương sẽ hụt thu 1.100 tỷ đồng so với mức 15.667 tỷ đồng mà ngành đã giao. “Chúng ta khó có khả năng hay nói chính xác hơn là không thể thực hiện được dự toán thu ngân sách đã đề ra”, ông Trang nói.

Còn theo Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Hàn Anh Vũ, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tại Hải quan Bình Dương thực hiện 9 tháng qua là 5.500 tỷ đồng, đạt 61%, giảm 8% so với kế hoạch năm. Qua rà soát lại 50 DN trọng điểm, đã có 35 DN hụt thu 1.000 tỷ đồng, trong khi chỉ có 15 DN tăng thu khoảng 300 tỷ đồng. Còn số DN mới làm thủ tục tại Hải quan Bình Dương cũng chỉ tăng 80 tỷ đồng. Ngành cũng đã chống thất thu được 120 tỷ đồng. Như vậy, tính ra ngành hải quan giảm thu 1.000 tỷ đồng nhưng tăng thu chỉ 500 tỷ đồng, hụt thu 500 tỷ đồng. Phân tích nguyên nhân làm sút giảm nguồn thu theo ông Hàn Anh Vũ ít nhiều là do yếu tố thị trường tiêu thụ giảm. Thống kê cho thấy một số mặt hàng đóng góp số thu lớn cho ngân sách như ô tô, xe máy, hàng điện tử, sữa... do cầu tiêu thụ giảm đã làm sụt giảm nguồn thu gần 700 tỷ đồng! “Trong tình hình khó khăn hiện tại, để đạt mức thu 7.400 tỷ đồng theo kế hoạch năm 2012 đang là thử thách lớn đối với Hải quan Bình Dương”, ông Hàn An Vũ nói.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=286
Quay lên trên