Đa dạng các hình thức giáo dục

Cập nhật: 13-08-2019 | 08:20:19

Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống, trong năm học 2018-2019, nhiều mô hình giáo dục của các trường học trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã bước đầu phát huy hiệu quả.

 Khơi dậy sở thích đọc sách

Xác định vai trò của thư viện trong tiến trình thay đổi phương pháp dạy và học, trong các năm học qua, trường Tiểu học Cây Trường đã giữ vừng và nâng cao chất lượng thư viện tiên tiến, góp phần khơi dậy sở thích đọc sách, phát huy tối ưu tính tích cực, sáng tạo của học sinh (HS).

Các em học sinh đọc sách tại phòng đọc dành cho học sinh tại trường Tiểu học Cây Trường

Đến trường Tiểu học Cây Trường, cùng hòa vào không gian lý tưởng để đọc sách ở đây, chúng tôi thật sự không muốn rời chân. Một khu vườn xanh với nhiều chậu hoa, cây xanh trang trí xen lẫn với những chai nhựa được treo trên tán cây có thể bỏ sách vào trông rất đẹp mắt. Bên ngoài tủ sách là tiểu sử của các vị anh hùng có công với đất nước, kích thích sự tìm hiểu của các em HS. Trong khu vườn xanh ấy, những hàng ghế đá luôn chật kín chỗ vào mỗi giờ ra chơi.

Hướng dẫn chúng tôi vào hành lang các lớp học, cô Võ Nữ Phương Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngoài phòng đọc cố định ở lầu 2, nhà trường còn tổ chức hoạt động thư viện dưới nhiều hình thức như: Thư viện lớp học, thư viện xanh (ngoài trời), thư viện di động. Để tạo điều kiện cho HS ở các lớp đều tham gia đọc sách, Thư viện trường đã trang bị cho các lớp một số kệ sách. Mỗi lớp trang trí kệ sách lớp mình theo cách riêng và cùng nhau góp sách tạo thành một thư viện mini trong lớp. Theo lối đi cầu thang lên phòng thư viện, chúng tôi như lạc vào thế giới của tuổi thơ. Các bức tường ở đây được vẽ trang trí phong cảnh ruộng bậc thang, những vườn hoa anh đào, hòa vào đó là những nhân vật cổ tích rất dễ thương…

Thường xuyên đến thư viện đọc sách, nên em Phạm Nguyễn Hải Bình, HS lớp 5.1 đã trở thành một cộng sự đắc lực của cán bộ thư viện. Không chỉ tích cực sinh hoạt trong nhóm tuyên truyền giới thiệu sách, Hải Bình còn là thành viên rất khéo tay trong nhóm trang trí. Em thường cùng cô thủ thư tham gia thi xếp sách do huyện tổ chức và tham gia các hội thi kể chuyện sách do trường và huyện tổ chức. Nhờ vậy mà thành tích học tập của em ngày càng tiến bộ. Ngoài Hải Bình, nhiều bạn HS trong trường đều rất yêu quý sách và bảo quản sách, bao bọc sách rất cẩn thận.

Chia sẻ thêm với chúng tôi về các biện pháp tổ chức thư viện xanh ở trường, cô Võ Nữ Phương Thảo, cho biết để kích thích sự đam mê đọc sách của các em HS, trường đã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể tổ chức thi kể chuyện vào các ngày lễ lớn trong năm. Từ đó, phong trào thi đua đọc sách, kể chuyện theo sách đã thu hút các em HS tham gia sôi nổi, các em tích cực tìm tòi, nghiên cứu sách báo ở thư viện nhiều hơn. Ngoài ra, thư viện cũng đã trang bị, bổ sung hàng năm, Ban Giám hiệu đã phối hợp với giáo viên tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình thư viện xanh, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ chung tay của  Hội cha mẹ HS trong toàn trường. Đến nay, thư viện có tổng cộng 6.952 quyển sách, trong đó sách giáo khoa là 1.694 quyển, sách tham khảo là 4.835 quyển, sách giáo viên là 423 quyển.

Giáo dục kỹ năng sống

Để bữa ăn của HS bán trú ngày càng chất lượng, trang bị cho các em nhiều kỹ năng sống bổ ích, nhiều trường học trong tỉnh đã tổ chức đổi mới hình thức phục vụ bữa ăn. Một trong những mô hình đang có hiệu quả và được nhiều trường đến học tập kinh nghiệm là mô hình bữa ăn tự phục vụ của trường Tiểu học Lai Hưng.

Đến trường Tiểu học Lai Hưng, nhìn các nhóm HS ngồi ngay ngắn, ăn trưa với nhau rất ngon miệng và vui vẻ, chúng tôi thấy các em như đang quây quần ăn chung bữa cơm với gia đình. Mỗi lớp chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm 6 HS. Trước bữa ăn, trường trang bị cho mỗi nhóm 1 khăn trải bàn, 1 chai nước lau kính, 1 khăn lau tay. Nhân viên cấp dưỡng căn cứ vào số lượng HS từng lớp chia thức ăn theo lớp, theo từng nhóm, mỗi nhóm 4 khay tương ứng với 4 món ăn: Canh, xào, mặn và cơm.

Với hình thức này, 6 HS trong nhóm đều tham gia vào các hoạt động của bữa ăn. Nhóm trưởng có trách nhiệm phân công công việc cho các bạn, cử 2 bạn đi lấy thức ăn, 2 bạn sắp xếp bàn ghế, 1 bạn trải bàn, 1 bạn xếp chén đũa. Sau khi các nhóm chuẩn bị bữa ăn sẵn sàng thì tất cả cùng thể hiện tinh thần đoàn kết qua việc cùng nhau đồng thanh mời thầy cô và các bạn cùng ăn. Đối với các bạn biếng ăn thì nhóm trưởng sẽ gắp thức ăn chia sẻ và động viên bạn ăn nhiều hơn. Bằng hình thức này, các món ăn được đưa đến các em vẫn còn ấm nóng, ngon hơn, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em.

Cô Nguyễn Thị Thúy Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lai Hưng, cho biết xuất phát từ vấn đề thiếu chỗ ngồi trong nhà ăn của trường (số lượng HS bán trú là 970 HS /1.026 HS) nên mô hình bữa ăn tự phục vụ tại lớp học được trường triển khai thực hiện từ năm học 2018-2019 với 2 khối lớp 4 và lớp 5. Tuy mới thực hiện, nhưng mô hình này đã phát huy hiệu quả, giải quyết được vấn đề thiếu chỗ ngồi trong nhà ăn, giảm cường độ phân chia thức ăn cho nhân viên cấp dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho HS…

 MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=340
Quay lên trên