Năm học 2018-2019, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) khuyến khích các trường đa dạng hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục với thực tiễn cuộc sống qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống. Với các trường học ở TX.Bến Cát, nhờ thực hiện đa dạng hoạt động giáo dục, giúp học sinh (HS) các cấp có thêm vốn sống, đồng thời giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho các em.
Đầu năm học, Phòng GD-ĐT đã hướng dẫn các trường trong thị xã tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chủ đề của hoạt động ngoài giờ lên lớp ít nhất mỗi tháng 1 lần. Từng trường đã chủ động xây dựng kế hoạch cho HS tham gia các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường. Trong năm học, 100% các trường chủ động thực hiện dựa vào nguồn kinh phí của đơn vị hoặc vận động xã hội hóa để tổ chức các buổi sinh hoạt bổ ích cho HS. Thầy Lê Minh Vũ, Phó ttrưởng phòng GD-ĐT nhận xét: “Qua một năm học cho thấy, 100% các trường đã tổ chức đa dạng hình thức giáo dục HS như: Du khảo về nguồn, sinh hoạt dã ngoại... Tùy vào tình hình thực tế của đơn vị, nhà trường tổ chức với nhiều quy mô khác nhau nhưng bảo đảm thiết thực, hiệu quả”.
HS trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn tham gia các hoạt động trải nghiệm tại đường chạy khạp ở Tương Bình Hiệp
Từ những hướng dẫn của ngành, trong năm học từng trường đã lập kế hoạch tổ chức trải nghiệm sáng tạo theo các chủ đề, chủ điểm hàng tháng trong phân phối chương trình và các kế hoạch ngoại khóa khác đến từng giáo viên chủ nhiệm các lớp để thực hiện. Đối với các trường tiểu học và THCS đã thực hiện dạy học gắn lý thuyết với thực hành, gắn các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống của HS. Theo đó, với những bài học về lịch sử - địa lý địa phương, các trường tổ chức cho HS trải nghiệm thực tế ở các khu di tích lịch sử. Ban Giám hiệu trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, nhà trường cùng với Đoàn, Đội đã tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử, chăm sóc làm vệ sinh các đài tưởng niệm, tổ chức tuyên truyền học tập tiểu sử anh hùng dân tộc, địa phương nơi các em học tập, sinh sống. Được đến tham quan những di tích lịch sử văn hóa, nhận thức của các em về lịch sử cũng thay đổi, HS nắm chắc hơn kiến thức lịch sử, đồng thời kích thích được các em yêu thích, học hỏi để mở rộng tầm hiểu biết lịch sử của quê hương, dân tộc mình.
Giúp HS có những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, năm học vừa qua, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn đã tổ chức cho trên 600 HS tham quan địa đạo Tam giát sắt để các em hiểu thêm về lịch sử của quê hương. Sau đó các em cùng tham gia trải nghiệm tại đường chạy khạp ở Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một). Tại đây, các em học làm gốm, vẽ quạt, làm xe hơi, nắn gà, đan lát, tắm mưa bằng ống hút theo nhạc, tham gia trò chơi...
Cùng với giáo dục qua các hoạt động trải nghiệm, trường học các cấp còn tuyên truyền, giáo dục HS hiểu biết lịch sử, truyền thống của dân tộc, của Đảng, của Đoàn và Đội. Thầy cô phát động các em thực hiện phong trào “Em yêu lịch sử Việt Nam” thông qua nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn như các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, hội diễn văn nghệ, nghe nói chuyện truyền thống, hội trại truyền thống, các hoạt động về nguồn ...
Bất kỳ môn học nào các trường cũng linh hoạt tổ chức cho HS có những trải nghiệm thực tế. Đối với môn tiếng Anh, các trường tổ chức cho HS hoạt động trải nghiệm như: Chủ đề sách và cảm nhận của em về sách tại siêu thị Aeon, rung chuông vàng, karaoke tiếng Anh bất hủ; HS viết báo tường bằng tiếng Anh, trải nghiệm trò chơi dân gian, tiết học giáo dục ngoài cộng đồng... “Sinh hoạt ngoại khóa qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. Chính các hoạt động này đã giúp các em tự tin, dạn dĩ hơn. Ngoài ra, HS củng cố, khắc sâu được những kiến thức đã học ở trên lớp, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… cũng thông qua các hoạt động, các em được vui chơi, giải trí sau những giờ học tập căng thẳng”, thầy Lê Minh Vũ, Phó trưởng phòng GD-ĐT cho biết.
ÁNH SÁNG