Lãnh đạo Sở Công Thương vừa có buổi tiếp Đoàn công tác của Bộ Công Thương về nắm tình hình ngành dệt may của tỉnh, nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch và phát triển ngành dệt may nước ta. Theo báo cáo, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh, với 2 tỷ 950 triệu USD năm 2016. Toàn tỉnh hiện có 386 doanh nghiệp dệt may đang hoạt động, tuy nhiên đa số các doanh nghiệp vẫn gia công xuất khẩu, rất ít doanh nghiệp đầu tư cho thương hiệu. Việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề còn chưa gắn với chiến lược phát triển và kế hoạch đào tạo dài hạn… Về định hướng lâu dài, Bình Dương hạn chế thu hút doanh nghiệp có ngành nghề thâm dụng lao động, các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; ưu tiên thu hút những dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ…
Phát biểu tại buổi làm việc, Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Công Thương cần tham mưu Chính phủ có những cơ chế, chính sách liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tất cả các công đoạn dệt may, tạo thành chuỗi khép kín trong hoạt động may mặc. Trên cơ sở đó để tạo nên sức mạnh cho doanh nghiệp dệt may trong nước, đồng thời tạo lực để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững trong chuỗi khép kín: Sợi - dệt - nhuộm - in - may.
TIỂU MY