Bài 2: Tiểu đoàn Phú Lợi - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Bài 1: “Một ngày bằng 20 năm”
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Tiểu đoàn Phú Lợi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần cùng quân dân trong tỉnh và lực lượng chủ lực của Bộ, Miền đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân. Nổi bật nhất là chiến thắng giòn giã, diệt gọn Tiểu đoàn Bảo an 306 trong công sự vững chắc ở Bình Mỹ, Bình Cơ, mở toang cánh cửa phía tây - bắc cho lực lượng Quân đoàn 1 tiến vào giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một (TDM), Sài Gòn.
Tiếng súng từ Bình Mỹ, Bình Cơ
Về xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên hôm nay, dấu tích xưa không còn nhiều nhưng những người dân từng gắn bó với mảnh đất này vẫn nhớ như in cuộc chiến ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở nơi đây. Dẫn chúng tôi thực địa một vòng quanh những “ấp chiến lược” ngày xưa, ông Từ Văn Hoàng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Mỹ, kể trước giải phóng, Bình Mỹ, Bình Cơ là 2 “ấp chiến lược” án ngữ phía đông - bắc TX.TDM. Nó như một cửa ngõ để đại quân ta tiến vào giải phóng TDM và tiến công vào giải phóng Sài Gòn từ phía tây - bắc. Do án ngữ vị trí quan trọng nên địch đã xây dựng ở Bình Mỹ 3 đồn hình tam giác kiên cố, trong đó đồn ở ấp 2 là sở chỉ huy tiểu đoàn địch. Tại đây, địch điều Tiểu đoàn Bảo an 306, một đơn vị mạnh về phòng thủ. Ở mỗi đồn, chúng đều bố trí một đại đội với quân số, vũ khí đầy đủ.
Sở Chỉ huy Tiểu đoàn Bảo an 306 của địch giờ là trụ sở UBND xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: Q.CHIẾN
Ông Nguyễn Hữu Tú, nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn Phú Lợi 2, kể ngày 26-4-1975, tiếng súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. 5 binh đoàn cơ động chiến lược của ta từ 5 hướng đánh vào Sài Gòn. Trên đường tiến quân vào nội ô, các binh đoàn lần lượt đập tan các tuyến phòng phủ vòng ngoài của địch, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương giải phóng quê hương. Ở hướng bắc, sau khi tổ chức vượt sông Bé ở Bến Bàu, Sư đoàn 312 và Sư đoàn 320B đã sẵn sàng ở vị trí tập kết chờ lực lượng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đánh phá 2 “ấp chiến lược” Bình Mỹ, Bình Cơ.
Ông Từ Văn Hoàng chỉ những hố bom mà Mỹ đã ném xuống trước năm 1975. Ảnh: Q.CHIẾN
Tại hội nghị bàn phương án tác chiến mở cửa Bình Mỹ, Bình Cơ giữa Bộ Tư lệnh Sư đoàn 312 và Ban Chỉ huy tiền phương Tỉnh đội TDM thì sư đoàn sẽ tăng cường cho Tiểu đoàn Phú Lợi 2 một đại đội bộ binh và 2 khẩu đội ca nông 85 nòng dài. Nhưng sau khi thảo luận, thấy khả năng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 có thể một mình giải quyết trận đánh nhanh gọn nên việc đánh Bình Mỹ, Bình Cơ giao cho Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đảm nhiệm. Sư đoàn chỉ tăng cường 2 khẩu ca nông 85 và 3 khẩu cối 120 ly. Đại đội 5 được giao nhiệm vụ đánh đồn ấp 1 - Bình Mỹ; Đại đội 6 đánh đồn ấp 2 - cũng là Sở Chỉ huy Tiểu đoàn Bảo an 306; Đại đội 7 tiến công đồn ấp 3 - Bình Cơ. Các đại đội đều có du lích xã phối hợp tác chiến.
18 giờ ngày 26-4, đội hình bộ binh và xe tăng của Sư đoàn 312 đã nhích dần lên chỉ cách Bình Mỹ 1km chờ mở thông cửa là tiến quân. Đến 19 giờ, khẩu ca nông 85 nòng dài và 3 khẩu cối 120 nhả đạn dữ dội vào sở chỉ huy địch ở đồn ấp 2 Bình Mỹ làm các lô cốt địch ngã sập. Cùng lúc các Đại đội 5, 6, 7 đồng loạt xung phong. Trước uy lực của pháo bắn thẳng, cối hạng nặng và khí thế xung phong áp đảo của các chiến sĩ, cả Tiểu đoàn Bảo an 306 ở 3 đồn không chịu nổi đã bỏ chạy, nhiều tên hạ súng đầu hàng. Tên tiểu đoàn trưởng bỏ mạng ngay từ loạt pháo 85 đầu tiên.
Bình Mỹ, Bình Cơ bị tiêu diệt, cánh cửa phía tây - bắc Sài Gòn và phía đông - đông bắc TDM đã mở toang. Các Sư đoàn 312, 320B cùng với xe tăng, thiết giáp ào ạt tiến lên như nước vỡ bờ tiến vào giải phòng tỉnh TDM.
Hoàn thành sứ mệnh lịch sử
Ông Dương Văn Liễu, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi, cho biết trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Tiểu đoàn Phú Lợi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng quân dân trong tỉnh và lực lượng chủ lực của Bộ, Miền đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong đó, nổi bật nhất là chiến thắng giòn giã, diệt gọn Tiểu đoàn Bảo an 306 trong công sự vững chắc ở Bình Mỹ, Bình Cơ. Theo phương án phối hợp, Đại đội 1, Tiểu đoàn Phú Lợi, có nhiệm vụ dẫn đường cho xe tăng Sư đoàn 320B, các đại đội còn lại đi tiếp sau đội hình của sư đoàn theo đường Bình Chuẩn qua An Sơn đến Lái Thiêu. 5 giờ sáng ngày 29-4, các chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi 1 cùng xe tăng và bộ binh sư đoàn nổ súng tấn công căn cứ huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Do địch không còn ý chí đề kháng nên khi ta mới nổ súng, chúng đã lần lượt kéo cờ trắng ra hàng. Tiếp đó, quân ta tiến vào đánh chiếm Chi khu Lái Thiêu. Huyện Lái Thiêu hoàn toàn giải phóng. Sư đoàn 320B tiếp tục thọc sâu vào nội ô Sài Gòn.
Tối 29-4, Trung đoàn 165 của Sư đoàn 312 cùng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 nhận lệnh tiến công căn cứ Phú Lợi và tiểu khu quân sự Bình Dương. Mở đầu trận tiến công, 5 giờ sáng ngày 30-4, pháo binh của sư đoàn nã đạn tới tấp vào căn cứ Phú Lợi và tiểu khu Bình Dương. Quân địch hoảng loạn vứt cả súng đạn, quân trang, quân dụng tháo chạy. Đoạn đường từ Phú Lợi đến chợ Đình ngập tràn súng đạn, quần áo lính ngụy. Căn cứ Phú Lợi - nơi tiểu đoàn cơ động đầu tiên của tỉnh mang tên một nhà tù khổng lồ và là căn cứ quân sự của cả quân Mỹ lẫn quân ngụy trong nhiều năm đã về tay quân ta. Từ đây, lịch sử của Tiểu đoàn Phú Lợi cũng mở sang một trang mới.
Hiện nay, dù Tiểu đoàn Phú Lợi không còn nhưng những chiến công hiển hách của tiểu đoàn vẫn mãi mãi là bản hùng ca bất tận, là niềm tự hào của quân dân Sông Bé - Bình Dương. Tiểu đoàn Phú Lợi, tiểu đoàn chủ lực tập trung cơ động đầu tiên của tỉnh, đã có sự đóng góp lớn trong cuộc tổng tiến công giải phóng tỉnh TDM năm 1975.
“Chưa có trận nào Tiểu đoàn Phú Lợi 2 ra quân hào hứng và khí thế như trận này. Nếu không phải là thời điểm tổng tiến công mùa xuân 1975 thì một đại đội địa phương khó có thể tiến công cứ điểm kiên cố do một đại đội địch đóng giữ. Trận đánh mở cửa ở Bình Mỹ, Bình Cơ diễn ra nhanh gọn, Tiểu đoàn Bảo an 306 bị tiêu diệt hoàn toàn. Cùng lúc, nhân dân Bình Mỹ nổi dậy phá tan các “ấp chiến lược” và trụ sở ngụy quyền, kêu gọi tàn binh địch lẩn trốn ra hàng; chính quyền cách mạng xã Bình Mỹ được thành lập”, ông Nguyễn Hữu Tú nhớ lại.
Bài 3: Căn cứ Lai Khê tan rã
THU THẢO