Nhớ một thời “Tiếng hát át tiếng bom”: Những nghệ sĩ nơi chiến trường

Cập nhật: 18-04-2014 | 00:00:00
 Kỳ cuối: Những nghệ sĩ nơi chiến trường > Kỳ 1: Văn nghệ - Món ăn tinh thần của chiến sĩ

> Kỳ 2: Nghệ sĩ mù lấy nhạc cụ làm vũ khí

> Kỳ 3: Chiếc đàn từ vỏ bom

 > Kỳ 4: Tiếng hát một thời để nhớ

Thời kháng chiến, những nghệ sĩ (NS) không chỉ đem lời ca, tiếng hát, điệu múa biểu diễn phục vụ quân và dân các vùng giải phóng mà còn trực tiếp cầm súng, chiến đấu nơi chiến trận.

MỘT LÒNG VÌ CÁCH MẠNG

Trải qua bao gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt tại vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương, NS Thế Sương (tên thật là Phạm Thế Sương, sinh năm 1945, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Sông Bé, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Phước) không những vừa chiến đấu anh dũng mà còn sáng tác và cất cao tiếng hát phục vụ nhân dân, chiến sĩ bộ đội trong các vùng giải phóng. Năm 1963, sau khi đoạt giải nhất thể loại vọng cổ Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh, Thế Sương được tuyển vào Đoàn Văn công tỉnh. Với suy nghĩ, mỗi một diễn viên, NS cũng là một chiến sĩ cách mạng, nên ngoài tập luyện biểu diễn thật hay để động viên tinh thần nhiệt huyết chiến đấu của lực lượng bộ đội, Thế Sương còn đảm đương nhiều nhiệm vụ như tải lương thực, thuốc men từ những vùng trọng yếu, những vùng bị địch chiếm đóng. Ngoài ra, ông còn tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, tải đạn, tải thương từ chiến trường về hậu cứ. “Tình hình lúc đó khó khăn lắm, địch càn quét mỗi ngày một dữ dội cho nên mình phải sử dụng những bài hát địch vận, nhằm làm nao núng ý chí chiến đấu của binh lính giặc, từ đó kêu gọi họ buông vũ khí về với nhân dân như bài Về đâu anh lính cộng hòa”, NS Thế Sương tâm sự.

Một tiết mục múa động viên, ca ngợi nhân dân kháng chiến thắng lợi. Ảnh: DUY HIỀN

Thực hiện lệnh tổng tiến công nổi dậy vào ngày 30-4- 1975, Thế Sương may mắn được tham gia cùng bộ đội về giải phóng tỉnh nhà. Ta đã đánh bại các thế lực của địch từ ngã ba Cây Liễu xuống chợ Lái Thiêu rồi đến Vĩnh Phú. Đúng 11 giờ, ông cùng lực lượng vũ trang về Thủ Dầu Một vừa làm văn công vừa làm lực lượng xung kích, cầm loa kêu gọi binh lính ngụy đầu hàng; đồng thời đọc các quyết định, quy định của Ban quân quản tỉnh. Kết quả, 100% binh lính, ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện với chính quyền cách mạng.

Thoát ly gia đình theo cách mạng vào năm 1972, Thu Nguyệt (tên thật là Phan Thị Quý, sinh năm 1960) tình cờ được lãnh đạo Đoàn Văn công phát hiện ra khả năng ca múa nên tuyển vào B3 làm văn nghệ. Xác định làm văn nghệ cũng là làm cách mạng cho nên những khi không biểu diễn, Thu Nguyệt cùng mọi người trong đoàn tham gia sản xuất, tự túc lương thực, tải gạo cho đơn vị. Tự hào về những năm tháng tham gia biểu diễn trong chiến tranh, Thu Nguyệt nói: “Tôi nhớ nhất là đêm diễn tại Hố Lở (Bình Cơ, xã Bình Mỹ, Tân Uyên). Trong lúc đang diễn mà bom pháo dội xuống vang rền, mọi người chạy tán loạn nhưng mình vẫn say sưa hát bài “Em là chiến sĩ giải phóng quân” cùng các nhạc công. Có lẽ vì lời bài hát đã thức tỉnh trong chúng tôi một “tinh thần thép” - còn khán giả là còn biểu diễn phục vụ”.

Có thể thấy, tình yêu quê hương, yêu văn nghệ ngấm sâu trong từng chiến sĩ để rồi họ sẵn sàng vác súng trên vai, miệng hòa lời ca tiếng hát. Chiến tranh không hẹn ngày về, nhiều NS đã mãi mãi nằm xuống cho đất nước hòa bình. Bà Nguyễn Thị Bùi (phướng Thạnh Phước, TX.Tân Uyên), ngậm ngùi, kể: “Gia đình bà có 3 anh, chị hy sinh trong kháng chiến. Thừa hưởng năng khiếu văn nghệ từ ba mẹ, các anh chị em ai cũng đàn giỏi, hát hay. Chiến tranh ác liệt, họ lần lượt lên đường nhập ngũ. Các anh, chị vừa chiến đấu, vừa tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, chiến sĩ. Bà nghe kể lại, trong các trận đánh, anh chị bà trước lúc hy sinh miệng vẫn hát vang, động viên tinh thần đồng đội tiếp tục chiến đấu”.

Tưởng nhớ đến đồng đội hy sinh, ông Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng đoàn Văn công tỉnh), rơi nước mắt khi nhắc đến nhóm văn nghệ Tân Uyên gần 10 người, trên đường đến học hỏi kinh nghiệm và biểu diễn phục vụ cùng Đoàn văn công kháng chiến tỉnh đã hy sinh. “Đứng bên này sông, chúng tôi chứng kiến cảnh đồng đội nhóm văn nghệ Tân Uyên bị dính B52 của địch mà đau xót. Trước cảnh tượng đó, chúng tôi những người còn sống tự hứa sẽ sống, cống hiến để xứng đáng là một người lính, người nghệ sĩ”, ông Chương, nói

  Nghệ sĩ Thế Sương truyền dạy các bài bản đờn ca tài tử Nam bộ cho các thế hệ con cháu trong gia đình   Các nghệ sĩ trong Đoàn Văn công tỉnh nỗ lực đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân. Ảnh: DUY HIỀN

NỐI BƯỚC CHA, ANH

Trong chiến tranh, họ đã đi cùng cuộc trường chinh của dân tộc qua các cuộc kháng chiến và hòa bình lập lại, họ là những giọng ca gạo cội, thế hệ “cây đa, cây đề” đã góp phần cổ vũ động viên trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhớ về một thời hào hùng, những giọng ca đã tiếp thêm sinh lực cho quân và dân làm nên chiến thắng. Để tinh thần văn nghệ luôn là sức mạnh tinh thần cho nhân dân, thế hệ trẻ hôm nay đang ngày đêm tiếp nối ý chí quật cường của cha ông đi trước. Nguyệt Ánh, ca sĩ Đội tuyên truyền lưu động tỉnh, bộc bạch: “Trong chiến tranh ác liệt, các cô chú không ngại hiểm nguy biểu diễn phục vụ nhân dân. Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi cũng mong muốn phát huy tinh thần đó để đem tiếng hát, lời ca phục vụ nhân dân”.

Riêng đối với Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, nơi xuất thân của nhiều ca sĩ, diễn viên chiến trường, để thế hệ trẻ phát huy tinh thần xung kích, đoàn thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện với diễn viên trong đoàn; động viên họ tập luyện, đổi mới các chương trình phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, đoàn còn dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn tại các xã vùng xa, vùng chiến khu xưa. Đến với những địa danh lịch sử, các thành viên trong đoàn đã tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần cho nhân dân.

Ông Phạm Đắc Hiến, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, cho biết: “Nhằm tri ân những người có nhiều cống hiến cho đoàn, 5 năm 1 lần, đoàn tổ chức họp mặt, ôn lại ngày thành lập đoàn. Tại buổi họp mặt, các cô chú tâm sự cho lớp trẻ biết về quá trình vừa chiến đấu vừa phục vụ văn nghệ. Hiện nay, đoàn đang đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện xây nhà truyền thống để lưu lại những hình ảnh, thành tích của đoàn từ lúc mới thành lập đến nay. Nhà truyền thống sẽ giúp lớp thế hệ ca sĩ, NS tương lai hiểu về đoàn, về công việc của mình. Từ đó, yêu hơn công việc đang làm”.

M.HIẾU – TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=666
Quay lên trên