Nhớ một thời “Tiếng hát át tiếng bom”: Nghệ sĩ mù lấy nhạc cụ làm vũ khí

Cập nhật: 15-04-2014 | 00:00:00

Kỳ 2: Nghệ sĩ mù lấy nhạc cụ làm vũ khí

Kỳ1: Văn nghệ - Món ăn tinh thần của chiến sĩ

Bị cướp đi đôi mắt sau một cơn bạo bệnh, tưởng chừng tất cả sẽ chìm vào bóng tối nhưng ông đã tìm lại được ánh sáng, hạnh phúc đời mình nhờ những phím đàn, nốt nhạc. Bằng nghị lực phi thường, người nghệ sĩ mù ấy đã góp công trong kháng chiến khi sử dụng chính những nhạc cụ của mình thành vật dụng chuyển lương thực, thư mật, thuốc… cho bộ đội nằm vùng tại Vĩnh Tân (Tân Uyên) và các vùng lân cận thuộc chiến khu Đ.

 

Thầy Năm Rô (ở giữa) biểu diễn văn nghệ giao lưu giữa 2 huyện Tân Uyên - Thuận An năm 1999 Ảnh: T.LÝ

Nốt nhạc “soi sáng” tâm hồn

Người nghệ sĩ ấy tên Huỳnh Văn Rô (tự Năm Rô, SN 1944, tại Vĩnh Tân, Tân Uyên). Theo lời kể của vợ ông, bà Nguyễn Thị Dung (SN 1966), ông Rô mất đi ánh sáng từ lúc 5 tuổi do bị bệnh nặng. Gia đình đã chạy chữa nhiều nơi nhưng đành vô vọng. Từ đó cuộc sống của ông chìm trong bóng tối sâu thẳm. Ngày ấy, ông sống rất khép kín, bởi luôn tự ti với mọi người. Ông không nói không cười, lặng lẽ trong thế giới riêng đầy màu đen của mình. Nghe các bạn rủ nhau đi học, ông buồn bả và nhốt mình trong phòng.

Lên 10 tuổi, một lần, ông được mẹ dẫn đi nghe thầy Tư Son từ Phú Văn (Phú Thọ, TP.TDM ngày nay) về Vĩnh Tân biểu diễn văn nghệ, suy nghĩ trong ông thay đổi hoàn toàn. Tiếng đàn bầu thánh thót, nốt trầm nốt bổng như “soi sáng” tâm hồn ông. Kể từ ngày đó, ông quyết tâm theo chân thầy Tư Son học nhạc. Bị mất đi đôi mắt nhưng bù lại đôi tai ông rất thính và trí nhớ rất tốt, chỉ cần nghe thầy đờn qua một lần là ông có thể đệm lại không sai một nốt. Rồi những bài ví dặm, những điệu nhạc khó ông học một cách dễ dàng.

Thành thục đàn bầu, ông thử sức với những nhạc cụ khác như nhị, ghi-ta, sáo, trống. Chỉ 8 năm, ông đã chơi được tất cả các nhạc cụ dân tộc một cách thành thục và điêu luyện. Bà Dung cho biết thêm, sau khi học xong nhạc, ông trở về Vĩnh Tân, biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã. Thấy ông đàn hay hát giỏi, người dân trong vùng mê âm nhạc tìm tới học, các xã lân cận còn mời ông sang dạy nhạc cho đội, nhóm văn nghệ xã. Đến các lễ hội trong vùng ông cũng được mời đến chơi nhạc. Chính những phím đàn, nốt nhạc đã mở cho đời ông một “cánh cửa” mới đầy ý nghĩa.

 

Bộ nhạc cụ ông Năm Rô tặng Bảo tàng tỉnh Ảnh: T.LÝ

Nhạc cụ thành vũ khí

Giữa thời chiến, người thanh niên Năm Rô với “đôi tay thay cặp mắt” không chấp nhận chuyện sống hưởng thụ mà quyết tâm phục vụ cách mạng dù là việc nhỏ nhất. Năm 19 tuổi (tức năm 1963), đây là giai đoạn kháng chiến ác liệt tại Vĩnh Tân. Lúc này, quân địch lập đồn bót, gom dân lập ấp chiến lược nhằm đàn áp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Trước sự truy sát tàn bạo của địch, những người bên ngoài khó lòng có thể vào tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội đang nằm vùng. Với ưu thế đàn hay, có uy tín được mọi người kính phục, bản thân lại bị mù, ông Rô là một trong số những người được “chúng” đặt cách cho ra ngoài ấp. Lợi dụng lòng tin của chúng, ông dùng chính nhạc cụ của mình vận chuyển lương thực, thuốc men… tiếp tế cho các lực lượng kháng chiến nằm vùng để góp phần chiến đấu, đánh đuổi giặc.

 Anh Huỳnh Văn Bận, học trò của ông Năm Rô, nói: “Chúng tôi học hỏi được rất nhiều từ thầy Rô. Thầy không những dạy nhạc mà còn dạy đạo lý, đạo đức làm người. Một người thầy có đôi mắt đục nhưng tâm hồn sáng đã tiếp thêm niềm đam mê văn nghệ trong tôi. Chúng tôi tự hứa với nhau sẽ đem những gì thầy dạy tạo cho đời “vườn hoa” âm nhạc đầy màu sắc”.

Ông Nguyễn Văn Tài, cháu ruột ông Rô, người theo chân ông trong suốt quá trình đấu tranh, kể lại: Chú Rô mặc dù mù nhưng rất tinh tường. Những con đường mới đi qua, chú đánh dấu hiệu nhận biết để đi lại cho dễ dàng. Những ngày đầu đảm nhiệm việc chuyển thuốc, thư mật cho cách mạng, bị địch nghi ngờ nhưng chú vẫn bình tâm, hiên ngang đi lại coi như chúng không hay biết gì... Để tiếp tế nhiều thuốc men, lương thực cho bộ đội, ông phải ra ngoài ấp thường xuyên. Mỗi lần đi với lý do “tôi đi đờn đám”, ông và đệ tử của mình mang theo rất nhiều nhạc cụ, như: đờn ghi-ta phím lõm, trống. Những nhạc cụ này vốn dĩ không thể biểu diễn được, bởi được thiết kế mở để đựng lương thực. Anh Huỳnh Văn Phong (con trai thứ 4 của ông Rô), nhớ lại: “Ba tôi hay kể cho chúng tôi nghe. Trong chiến tranh, những lúc rảnh rỗi, ba lại lấy đờn ra đờn cho bà con trong vùng nghe để mọi người vững tin vào cách mạng. Nhiều lần ba còn cùng các cô, chú lập nhóm vào tận chiến khu Đ để biểu diễn phục vụ bộ đội. Ba nói niềm vui, hạnh phúc của đời ba là được đem lại niềm vui, động viên tinh thần các chiến sĩ. Ngoài những lần phục vụ văn nghệ, ba còn được tổ chức giao cho nhiệm vụ mang truyền đơn đi khắp nơi kêu gọi nhân dân kháng chiến”.

Cứ như thế, tiếng đờn của người nghệ sĩ mù cứ vang lên từ vùng này sang vùng khác. Ông đi khắp các địa phương trong huyện Tân Uyên để đem niềm vui, tinh thần cách mạng đến nhân dân, chiến sĩ. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông cùng nhóm nhạc đang chuẩn bị biểu diễn tại tỉnh Phước Thành. Nghe tin chiến thắng, mọi người hò reo, ôm lấy nhau mừng rơi nước mắt. Lúc này, ông Rô cùng nhóm nhạc trở về Vĩnh Tân cùng nhân dân trong vùng tổ chức đêm nhạc chúc mừng. “Nghe tin cách mạng thắng lợi, lần đầu tôi thấy thầy Rô rơi nước mắt. Thầy vỗ vai tôi bảo dọn đồ quay về địa phương. Đêm diễn mừng ngày chiến thắng, thầy cùng các thành viên trong nhóm nhạc như cháy hết mình, hát bằng cả con tim để phục vụ nhân dân”, ông Tài, tâm sự.

Hòa bình lập lại, cuộc sống dù khó khăn vất vả nhưng không khi nào trong gia đình ông vắng tiếng cười, tiếng hát. Có lẽ đó cũng là món quà cuộc sống đã tặng cho ông để bù đắp những thiệt thòi về thân thể mà ông phải gánh chịu. Bên cạnh đó, người nghệ sĩ mù còn tích cực tham gia văn nghệ tại xã Vĩnh Tân, đạt nhiều thành tích tại các hội thi trong tỉnh. Ngoài ra, ông còn dạy nhạc cho nhiều học trò. Cũng từ những ngón đờn của thầy Năm Rô, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đang ngày đêm đem lời ca tiếng hát phục vụ cho đời. Với nỗ lực của bản thân, ông được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng huy chương vì sự nghiệp văn nghệ quần chúng năm 1999.

Nhằm lưu lại giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau, năm 2004, ông Rô đã tặng bộ nhạc cụ được ông biểu diễn trong thời chiến cho Bảo tàng tỉnh. Năm 2005, ông qua đời. Để tưởng nhớ người nghệ sĩ mù, mùng 3 tết hàng năm, học trò ông lại quy tụ về gia đình ông tại ấp 4, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên để cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm về thầy, hướng dẫn nhau cách chơi nhạc cụ chuẩn, hát hay.

 Kỳ 3: Chuyện chiếc đàn tranh làm từ vỏ bom

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên