Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật: 13-03-2012 | 00:00:00

Kỳ 1: Mang việc làm về nông thôn

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg đã mở ra cơ hội cho người nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập. Ban chỉ đạo đề án đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Bình Dương vừa tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”. Đề án đã có sự chuyển biến trong nhận thức của người LĐNT về việc học nghề; tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) vùng nông thôn có nghề nghiệp tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm để tăng thu nhập, nâng cao đời sống góp phần tích cực đột phá có chiều sâu trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN-VL của tỉnh.

 Đào tạo nghề may cho LĐNT 

Đưa đào tạo nghề về nông thôn

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương Bùi Văn Kiêu thì: Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập khá đầy đủ, từ chương trình, giáo trình đến việc mở trường, lớp, trang thiết bị và giáo viên... Tuy vậy, một vấn đề lớn được đặt ra là làm sao cho việc dạy nghề đáp ứng đúng nhu cầu của sản xuất - kinh doanh của mỗi địa phương, có kết quả thiết thực, tránh được tình trạng “cái cần thì không dạy, cái không cần thì lại dạy”; trên thực tế, việc dạy nghề cho LĐNT chưa đạt yêu cầu do chưa gắn với nhu cầu của sản xuất - kinh doanh, nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm hoặc nơi tiếp nhận họ phải tốn thêm thời gian và kinh phí để đào tạo lại. Thực tế cho thấy, để việc đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả thiết thực, tất yếu phải thu hút sự tham gia từ chính quyền địa phương, các cấp, các ban ngành, các trường dạy nghề có chất lượng đóng trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Dương đã nỗ lực thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã phối hợp với các địa phương, các cấp, các ban ngành đoàn thể và các trung tâm dạy nghề trên địa bàn các huyện như Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên để mở các lớp dạy nghề cho LĐNT theo đề án dạy nghề cho LĐNT của tỉnh. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của các địa phương, các cấp, các ban ngành, từ năm 2010 đến nay trung tâm đã mở được 55 lớp với tổng số 1.483 học viên. Các ngành nghề đào tạo đã bám sát với chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và chương trình xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Năm 2010 trung tâm đã giảng dạy được 25 lớp với tổng số học viên là 673. Năm 2011 là 30 lớp với tổng số học viên là 810 HV. Nội dung đào tạo chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cây cao su; Kỹ thuật trồng và chăm sóc sinh vật cảnh; Nghề nấu ăn, đãi tiệc; Sửa chữa máy vi tính; Kỹ thuật chăn nuôi - thú y; Kỹ thuật trồng nấm. Thông qua các lớp học nghề, người học được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất - kinh doanh, vươn lên làm giàu, thoát nghèo cho chính bản thân, gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Kết quả đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng cao tay nghề, nâng cao được năng suất lao động và tạo ra nhiều sản phẩm trong sản xuất. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho NLĐ tại nông thôn trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Điều quan trọng là làm thế nào để nâng cao nhận thức, tay nghề cho nông dân giúp bà con có đủ khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật, khai thác tiềm năng nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong 2 năm (2010-2011), tổng kinh phí hỗ trợ cho LĐNT học nghề ở các huyện, thị xã hơn 4 tỷ đồng. Riêng năm 2011, nguồn kinh phí hỗ trợ học nghề (kinh phí đào tạo và hỗ trợ tiền ăn) được chuyển trực tiếp về các huyện, thị xã để quyết toán theo nhu cầu học thực tế của từng địa phương.

Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Dĩ An, Th.S Kiều Giác Ngộ đánh giá: TX.Dĩ An đang dần bước sang đô thị, một bộ phận người nông dân văn hóa thấp, họ cần có một nghề phù hợp với xã hội hiện tại. Trách nhiệm của chúng ta là nâng cao hiệu quả đào tạo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, trong 2 năm qua trường Trung cấp nghề Dĩ An đã chiêu sinh và đào tạo ngắn hạn cho 273 học viên gồm các nghề: Xây dựng dân dụng, cơ khí, cắt uốn tóc, lái xe nâng hàng.. Nhận thức của các ngành ở địa phương và NLĐ ở TX.Dĩ An về công tác đào tạo nghề cho LĐNT đang có những chuyển biến khá tốt. NLĐ luôn xác định được rằng cần phải học nghề để có nghề, việc làm ổn định. Học nghề để tự tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh và nâng cao chất lượng lao động theo yêu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh của các khu, cụm công nghiệp.       

Có nghề là có việc làm

Trong  2 năm qua, với sự nỗ lực của các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã; các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tham gia dạy nghề cho LĐNT đã mở 110 lớp dạy nghề với 2.843 NLĐ cụ thể ở từng huyện, thị xã như sau: TX.TDM 222 người, TX.Dĩ An 180, TX.Thuận An 86 người, huyện Bến Cát 611 người, huyện Tân Uyên 738 người, huyện Dầu Tiếng 574 người và huyện Phú Giáo 432 người. LĐNT chủ yếu đăng ký học các ngành nghề như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cây cao su, cắt uốn tóc, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, lái xe nâng hàng, sửa chữa máy vi tính, nấu ăn đãi tiệc, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi thú y... Theo đánh giá của Ban chỉ đạo đề án đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh sau các khóa đào tạo hơn 80% lao động có việc làm ổn định. NLĐ được các công ty doanh nghiệp may mặc, công ty cao su, các hộ trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh nhận vào làm việc với mức lương ổn định và cao hơn trước. Bên cạnh đó một số lao động tự tạo việc làm, mở cơ sở hành nghề tại địa phương như các nghề: may gia dụng, cắt uốn tóc, chăm sóc hoặc trồng hoa lan cây cảnh, trồng nấm.. Đặc biệt, có một số lao động khác đã đăng ký học thêm để nâng cao tay nghề góp phần tích cực có chiều sâu trong chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN-VL.

 Lao động nông thôn truy cập website sàn việc làm để tìm hiểu thông tin tại phiên việc làm Như vậy, triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Bình Dương đã đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho LĐNT là những người không đủ điều kiện vào làm trong các doanh nghiệp có một nghề phù hợp với khả năng, sức lao động, sát với nhu cầu thực tế ở địa phương. Từ đó, đã giúp cho LĐNT có thêm việc làm, cải thiện đời sống, có thu nhập cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo ở địa phương. Đặc biệt, công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đã được sự đồng tình của các cấp, các ngành và NLĐ, nhiều LĐNT tích cực tham gia học nghề theo đề án, đã có sự chuyển biến trong nhận thức của người LĐNT về việc học nghề; tạo điều kiện cho NLĐ vùng nông thôn có nghề nghiệp để tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, cung cấp lực lượng lao động có nghề tại chỗ phục vụ cho địa phương, kìm hãm hiện tượng di dân từ nông thôn lên thành thị, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

VĂN SƠN

Kỳ 2: Bảo đảm an sinh xã hội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: Đề án triển khai đúng hướng

Qua 2 năm thực hiện, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đôn đốc, hướng dẫn của Ban chỉ đạo tỉnh, sự quyết tâm triển khai của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và các cơ sở dạy nghề; Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho NLĐ. Số lượng LĐNT học nghề theo đề án cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Để đẩy mạnh thực hiện đề án trong năm 2012 và những năm tiếp theo, đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT. Tổ chức khảo sát nhu cầu thực tế, phát huy nhân rộng mô hình dạy nghề nông nghiệp, dịch vụ để mở lớp đào tạo nghề ở các xã điểm vào năm 2013. Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chế độ chính sách, mức hỗ trợ cho LĐNT tham gia học nghề. UBND các huyện, thị có trách nhiệm: Rà soát, nắm lại số lượng và nhu cầu đào tạo nghề của LĐNT, số người dân trong địa phương chưa qua đào tạo (ưu tiên đặc biệt đối với các xã nông thôn mới), xây dựng kế hoạch đào tạo nghề báo cáo về sở LĐ-TB&XH để tổng hợp thành kế hoạch đào tạo nghề hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=368
Quay lên trên