Đề án "Thành phố thông minh Bình Dương":

Đặt con người và tri thức là trọng tâm, lấy kết nối hợp tác “thông minh” làm phương châm phát triển (*)

Cập nhật: 03-01-2017 | 08:57:47

(Toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex IDC)

Bệnh viện Quốc tế Becamex vừa được đưa vào hoạt động có trang thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại Ảnh: X.THI

LTS: Tại buổi lễ kỷ niệm Bình Dương 20 năm phát triển vừa qua, cùng với việc ôn lại truyền thống, đánh giá những thành tựu to lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau 20 năm phát triển, Bình Dương cũng đã định hướng xây dựng mô hình thành phố thông minh, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong tình hình mới. Nhân dịp này, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex IDC đã thay mặt các doanh nghiệp trong tỉnh có bài phát biểu đóng góp ý kiến, nêu bật lên vai trò, tầm quan trọng của mô hình thành phố thông minh mà tỉnh đang hướng tới thực hiện. Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu rất ý nghĩa này của ông Nguyễn Văn Hùng.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày đầu năm, tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm “Bình Dương 20 năm phát triển”. Cho phép chúng tôi được đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ và quý vị khách quý về một chặng đường lịch sử, gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh; trong đó các doanh nghiệp đã cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách, chủ động sáng tạo, tất cả vì lợi ích và sự phát triển của tỉnh Bình Dương và của đất nước Việt Nam nói chung.

20 năm trước, Bình Dương được biết đến như là một vùng đất thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ là không đáng kể, thu ngân sách hàng năm còn rất khiêm tốn. Trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua như thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, hạ tầng yếu kém và muôn vàn thách thức khác, đã đặt ra cho chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương bài toán khó. Đó là làm thế nào để biến Bình Dương trở thành một vùng đất phát triển, khai mở nhiều tiềm năng, hội tụ cả thế và lực để sẵn sàng bứt phá đi lên.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn được xem như “quốc lộ 13 thứ 2” của Bình Dương Ảnh: Q.CHIẾN

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là phải luôn gắn liền với tầm nhìn mới, tư duy mới, cùng với những biện pháp cụ thể và thích hợp; phải có chính sách tốt trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cũng tiên liệu và giải quyết những vấn đề về môi trường và an sinh xã hội. Cùng với các doanh nghiệp khác trong tỉnh, Becamex đã đầu tư nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh quyết định những vấn đề mang tính chiến lược trong tầm nhìn và bước đi phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Việc áp dụng mô hình quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để xây dựng và phát triển các khu công nghiệp quy mô lớn gắn liền với phát triển đô thị, dịch vụ nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh thật sự hấp dẫn để thu hút đầu tư, là một bước đi đột phá trong định hướng phát triển của tỉnh. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động theo cơ chế “một cửa”; bảo đảm tính minh bạch, nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một chủ trương lớn của tỉnh.

Trong thời điểm còn khá nhiều bất cập trong thu hút đầu tư, tỉnh chưa có trung tâm xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp cùng với đội ngũ tiếp thị chuyên nghiệp của Becamex chủ động tiếp cận, quan hệ, làm việc với các đối tác nước ngoài mà mục đích chính là để thu thập thông tin, nắm bắt yêu cầu, tìm hiểu thị trường và chủ động hoàn thành trước những công việc cần thiết trước khi xúc tiến đầu tư. Becamex và các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đồng thời xây dựng mối quan hệ với văn phòng đại diện ở Việt Nam của nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Mỹ… để quảng bá và mời gọi đầu tư. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cả trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ; kết nối với cảng biển, sân bay quốc tế là một yêu cầu cấp thiết; từ đó tạo ra sức hút cho các làn sóng đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Giao thông luôn là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng, là mạch máu của nền kinh tế. Việc đầu tiên trong tiến trình công nghiệp hóa của tỉnh là đầu tư xây dựng 62km quốc lộ 13 xuyên suốt từ ranh giới Bình Dương - Bình Phước đến TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đây là con đường đầu tiên trong cả nước được thực hiện bằng cách huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước và được đầu tư theo hình thức BOT. Quốc lộ 13 được đầu tư mở rộng và nâng cấp đã tạo động lực, tạo nền tảng phát triển công nghiệp, góp phần quyết định sự phát triển thành công các khu công nghiệp, các khu đô thị và dịch vụ trong tỉnh. Tỉnh Bình Dương luôn thấu hiểu được mong muốn của các nhà đầu tư từ các nước bằng các công trình hạ tầng hiện đại; những công trình mang tính vượt trội; làm xóa đi mọi băn khoăn, nghi ngờ trước khi quyết định đầu tư vào Bình Dương. Họ không còn ngần ngại khi chọn Bình Dương là điểm đến, mà đối với họ đó còn là nơi thật sự có nhiều hứa hẹn. Hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện của Bình Dương đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng các khu công nghiệp lớn, đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, thu hút hàng triệu người dân đến sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị và các địa phương luôn là mối quan tâm của chính quyền Bình Dương cũng như của Becamex. Sau khi đầu tư hoàn thiện quốc lộ 13, nhiều tuyến đường huyết mạch khác trong tỉnh cũng được quy hoạch và xây dựng mà tiêu biểu là đường Mỹ Phước - Tân Vạn được xem như “quốc lộ 13 thứ hai”, kết nối giữa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A và hàng ngàn km đường nội bộ trong các khu công nghiệp, đô thị cũng được tiếp tục đầu tư.

Sau 30 năm đất nước đổi mới và 20 năm Bình Dương phát triển, do có định hướng đúng đắn, tỉnh Bình Dương đã phát triển nhanh chóng. Từ một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm đến trên 95%, đến nay tổng thu ngân sách năm 2016 ước đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 50 lần so với 20 năm trước, dân số tăng 3 lần; trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đã đạt đến 97,3%. Những thành quả trên thật sự to lớn và đáng quý, nhưng hành trình phía trước vẫn còn phải tiếp tục. Hiện nay nền kinh tế toàn cầu đang bước sang giai đoạn mới; khó khăn, thử thách là tất yếu nhưng cũng mang đến rất nhiều cơ hội để phát triển vượt bậc cho một tỉnh công nghiệp như Bình Dương. Cùng với các nước trong khu vực, Việt Nam đang gia nhập nhiều hiệp định tự do thương mại lớn và làn sóng sản xuất công nghiệp đang có xu hướng chuyển đến một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để Bình Dương mở ra những đột phá mới nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của người dân và doanh nghiệp để tiếp tục phát triển và phát triển bền vững. Với 20 năm xúc tiến đầu tư quốc tế, Bình Dương đã có nhiều hoạt động hợp tác sâu rộng với các tỉnh, thành khắp thế giới ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… trong đó đặc biệt có thành phố Eindhoven, Hà Lan.

Eindhoven đã từng vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội và chỉ trong vòng 10 năm đã trở thành một thành phố thịnh vượng nhờ áp dụng mô hình Ba nhà, đó là cơ chế hợp tác giữa “Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, viện trường”, nhằm tạo điều kiện để các bên cùng hợp tác sâu rộng trong áp dụng chính sách, chia sẻ thông tin, hỗ trợ đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng và kiến tạo. Dựa trên những đặc điểm tương đồng giữa Bình Dương và thành phố Eindhoven về nhiều lĩnh vực và kết quả nghiên cứu thực tiễn từ các chuyên gia 2 nước, Becamex đã tham mưu, kết nối để lãnh đạo tỉnh Bình Dương và lãnh đạo thành phố Eindhoven, Hà Lan tin tưởng hợp tác nhằm xây dựng đề án “Thành phố thông minh Bình Dương”, ứng dụng mô hình “Ba nhà” để từng bước chuyển sang nền kinh tế dịch vụ, sản xuất với công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, hướng đến xây dựng đô thị thông minh. Đây là nơi công nghệ được sáng tạo và ứng dụng hiệu quả, mang lại đời sống thịnh vượng cho người dân, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trong tỉnh. Sau gần 2 năm làm việc gắn bó giữa 2 chính quyền, các viện, trường và đặc biệt là các doanh nghiệp 2 bên, đề án thành phố thông minh và chương trình chiến lược đột phá kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2021 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Bình Dương chính thức công bố. Đề án nhắm đến những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu trong thế kỷ XXI, đặt con người và tri thức là trọng tâm, lấy kết nối hợp tác “thông minh” làm phương châm để phát triển nhằm hướng tới một nền kinh tế năng động, sáng tạo, linh động có khả năng thích ứng với những biến chuyển khó lường của thế giới. Những nội dung cơ bản của việc xây dựng “thành phố thông minh, thành phố Bình Dương” đã được tỉnh thông qua và sẽ có kế hoạch triển khai ngay trong năm 2017. Đó là:

1. Triển khai mô hình “Ba nhà” là xây dựng cơ chế hợp tác giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, viện, trường; phù hợp với điều kiện thực tế của Bình Dương. Bên cạnh đó, mô hình cũng sẽ hỗ trợ chính quyền tiếp tục tiến hành cải cách hành chính sâu rộng hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

2. Việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn liền nhu cầu thực tiễn là nền tảng thiết yếu để thu hút các doanh nghiệp dịch vụ, công nghệ cao và đó cũng là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Dựa trên lợi thế cả về số lượng và chất lượng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đề án sẽ thúc đẩy các viện trường này liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và các viện trường trên thế giới nhằm nghiên cứu, đào tạo sát với yêu cầu thị trường, đồng thời nâng tầm chất lượng, hướng đến các chuẩn quốc tế.

3. Hỗ trợ tăng cường khởi nghiệp và sáng tạo, đặc biệt tạo các cơ chế chính sách cho giới trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết khởi nghiệp, thiết lập các vườn ươm doanh nghiệp, tạo ra không gian thực nghiệm công nghệ, thử nghiệm thực tế các ý tưởng… từng bước xây dựng một Bình Dương năng động, sáng tạo, trong tương lai có hàng trăm ngàn doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

4. Thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng là nhằm giải phóng tiềm năng của một số lớn các ngành công nghiệp hiện hữu, tăng cường giá trị đóng góp cho tỉnh. Các kết nối, sắp xếp chuỗi cung ứng được xây dựng trên địa bàn tỉnh và sẽ nhanh chóng lan tỏa ra các khu vực lân cận, cả nước và quốc tế. Bên cạnh đó, hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông vận tải kết nối Bình Dương với cảng biển, cảng hàng không quốc tế cũng tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu.

5. Xây dựng thương hiệu, xác lập vị thế của tỉnh Bình Dương ở tầm quốc tế nhằm quảng bá, mời gọi FDI trong các ngành sản xuất tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, thu hút lực lượng lao động tri thức, hướng tới đưa Bình Dương thành một điểm sáng với thế mạnh về sản xuất và kỹ thuật trong tương lai.

Các ngành nghề mũi nhọn phù hợp sẽ được quy hoạch để tập trung thu hút đầu tư hiệu quả và bền vững. Dự án cũng sẽ tiến hành các chương trình hành động nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của các nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, kể cả về hạ tầng mềm lẫn cứng, cả công nghiệp dịch vụ lẫn đô thị văn minh hiện đại. Cụ thể hơn nữa, với sự hỗ trợ tích cực của Eindhoven, Bình Dương đang xây dựng chương trình để hướng tới gia nhập vào Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF trước năm 2021, từ đó mở rộng hợp tác với mạng lưới 152 tỉnh, thành thông minh, thịnh vượng thuộc cộng đồng quốc tế này, cùng hòa mình với những xu thế phát triển mới của thế giới.

Việc triển khai mô hình Ba nhà, xây dựng tỉnh Bình Dương hướng đến thành phố thông minh năng động sáng tạo, gia nhập ICF, là một tiến trình rất mới mẻ, chưa có tiền lệ chắc chắn sẽ có nhiều thách thức; nhưng cũng đầy tiềm năng, phù hợp với xu thế mới của thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp Bình Dương luôn tin tưởng và cam kết với tỉnh rằng sẽ huy động tối đa nguồn nhân lực và tài lực, để triển khai “Đề án thành phố thông minh Bình Dương”, góp phần tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội; năng động và bền vững cho tỉnh và trong cơ cấu liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhân dịp này, cùng với các doanh nghiệp trong tỉnh, Becamex xin được bày tỏ lòng cảm ơn chân thành và sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh; lãnh đạo các tỉnh, thành bạn và nhất là nhân dân trong tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và Tổng Công ty Becamex nói riêng có cơ hội đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp phát triển của tỉnh Bình Dương.

 

 (*): Tựa do Tòa soạn đặt

 

Chia sẻ bài viết
tôi yêu Bình Dương
Anh MInh (Cách đây 7 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=745
Quay lên trên