Bài 27: Chọc thủng căn cứ Chi khu Lái Thiêu
Quận lỵ Lái Thiêu nằm trên đường 13, cách Sài Gòn 15km, là cửa ngõ của tuyến “tử thủ cuối cùng” của địch ở phía bắc Sài Gòn. Trên một diện tích chưa đầy 40km2, địch bố trí 3 tiểu đoàn bảo an, 2 chi đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh và thêm 1.800 quân trong Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Các vị trí của địch trong khu vực đều được cấu trúc kiên cố, liên hoàn với nhau, có trên 20 hàng rào dây thép gai xen kẽ vật chướng ngại và hào chiến đấu. Địch phòng thủ kiên cố là vậy, nhưng chỉ trong buổi sáng 30-4, lực lượng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương của ta đã chọc thủng Chi khu Lái Thiêu, quân địch hoàn toàn tan rã.
Những ngày cuối tháng 4-1975, mỗi ngày địch lại tăng cường thêm lực lượng cho Lái Thiêu. Lính từ Sài Gòn ra, từ Bình Dương, Phú Lợi đổ về. Lái Thiêu vốn là một quận lỵ sầm uất với những vườn cây ăn trái nổi tiếng khắp miền, nay trở nên ồn ào, chật chội. Lính về, tai họa đổ xuống đầu người dân. Đổ tiền, đổ lính vào những tuyến tử thủ, chỉ huy quân ngụy Sài Gòn hy vọng chặn đứng được các mũi tiến công của ta, có thể kéo dài thêm sự tồn tại của chính quyền tay sai Mỹ.
Bà Hai Mỹ và tấm ảnh chụp cách đây 40 năm khi bà ngồi trên xe tăng dẫn đường cho bộ đội về giải phóng Lái Thiêu. Ảnh: CHÍ THANH
Sau khi xem xét các mặt mạnh, yếu của địch, các cấp chỉ huy của bộ đội chủ lực Quân đoàn 1 và lực lượng địa phương Thủ Dầu Một đã đi đến nhận định: Địch tuy đông, phòng thủ có chiều sâu nhưng tổ chức ô hợp. Tàn binh từ các nơi chạy về đã gây tâm lý hoang mang, dao động trong các đơn vị địch. Trận đánh vào Chi khu Lái Thiêu là trận hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định mở cửa cho đại quân ta tiến vào Sài Gòn.
3 giờ sáng ngày 30-4-1975, sau khi các đơn vị của ta đã vào đúng vị trí chiến đấu, 1 phát pháo hiệu màu vàng bay vút lên không trung, mệnh lệnh tấn công được phát đi. Lập tức, các trận địa pháo, cối nhất loạt nổ súng bắn vào chi khu, pháo phòng không 37 ly hạ thấp nòng bắn chế áp các lô cốt vòng ngoài, chi viện cho bộ binh ta mở cửa. Sau 2 giờ chiến đấu liên tục, quân ta đã làm chủ quận lỵ Lái Thiêu. Tuyến tử thủ mà quân ngụy Sài Gòn đặt nhiều hy vọng sẽ chặn được các mũi tiến công của quân ta đã bị đập tan, cánh cửa phía bắc Sài Gòn đã rộng mở. Lúc này, từ ngã tư Búng, đội hình xe tăng, thiết giáp, bộ binh cơ giới thọc sâu của quân ta ào ạt phóng qua Lái Thiêu trong tiếng hò reo của người dân trong quận. Tin Lái Thiêu được giải phóng lan nhanh khắp quận lỵ. Nhân dân ùa ra đường, kéo về dinh quận trưởng, nơi có lá cờ giải phóng đang tung bay trên tháp cao. Bà con mang đến cho bộ đội trái cây, bánh kẹo trong niềm vui mừng chiến thắng. Bất chợt, quân ta nhận được tin một đoàn xe địch từ căn cứ Lai Khê rút chạy về Sài Gòn, đang tiến đến phía sau đội hình quân ta. Bộ đội nhanh chóng hướng dẫn bà con sơ tán và triển khai chiến đấu chặn địch. Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 27, Quân đoàn 1 vừa triển khai đội hình xong thì đoàn
xe địch lao tới. Chúng vẫn chưa hay biết Lái Thiêu bị thất thủ. Toàn bộ tốp xe đi đầu lọt vào trận địa của Đại đội 5, do Đại đội trưởng tên là Vinh chỉ huy. Tốp xe bị tiêu diệt gọn. Những chiếc xe địch phía sau lại xông lên. Quân ta dùng B40 bắn cháy nhiều chiếc, quân địch hoảng loạn, lớp bỏ chạy, lớp ra đầu hàng. Đường phố Lái Thiêu một lần nữa lại mịt mù trong khói đạn. Kết thúc trận đánh, ta đưa hàng binh về một bãi cỏ rộng ở trung tâm quận lỵ, giải thích cho họ biết 10 chính sách của mặt trận rồi tuyên bố: “Cho phép các anh trở về làm ăn sinh sống với gia đình”. Lời tuyên bố vừa dứt, những người lính phía bên kia nhảy lên reo hò: Hoan hô quân giải phóng! Hoan hô quân giải phóng!
Việc chúng ta khoan hồng đối với con em đi lính cho ngụy quyền đã được đồng bào Lái Thiêu rất hoan nghênh. Những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc: “Quân giải phóng trả thù, sẽ có những cuộc tắm máu…” đã sớm tan biến trước chính sách khoan hồng, nhân đạo của ta. Các gia đình đón chồng, con, em trở về với niềm vui đoàn tụ mà lòng biết ơn cách mạng sâu sắc.
Cũng trong sáng ngày 30- 4, phối hợp với bộ đội chủ lực tại khu vực Búng, xã An Thạnh, Đại đội 74 của tỉnh cùng một tổ biệt động và một bộ phận lực lượng của huyện Lái Thiêu đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn khu phố Búng lúc 7 giờ sáng. Cơ sở mật cùng quần chúng vào tiếp quản và chiếm lĩnh toàn bộ công sở địch. Tại xã An Sơn, chi bộ xã chỉ đạo cơ sở nội tuyến và quần chúng vận động, thuyết phục đội phòng vệ dân sự ấp Hòa An nộp súng và cùng du kích xã thu gom 113 khẩu súng, 20 máy điện thoại…
Cho đến bây giờ, đã 40 mùa xuân trôi qua, nhưng bà Hai Mỹ, cô gái giao liên năm xưa dẫn đường đưa bộ đội tiến về giải phóng quê hương vẫn không sao quên được những ký ức sục sôi cách mạng. Bản thân bà cảm thấy rất tự hào vì được vinh dự cắm lá cờ giải phóng lên Chi khu Tân Thới (nay là UBND phường Lái Thiêu). Hai Mỹ là một trong hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, quyết đem cả tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho cách mạng. Sau ngày giải phóng, bà tiếp tục có những cống hiến cho quê hương, rồi về nghỉ hưu sống lặng lẽ một mình, không lập gia đình. Hình như, trong đôi mắt sâu thẳm của bà, một mối tình thời chiến vẫn còn nguyên vẹn, dù cho một nửa của tình yêu đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chiến tranh đã cướp đi tất cả! Sự hy sinh của người phụ nữ thời chiến là vô bờ bến. Tôi rất ấn tượng với câu nói của bà: “Đã làm cách mạng thì không sợ hy sinh”, “Nếu có hy sinh, miệng tôi vẫn mỉm cười…”.
Bài 28: Mùa xuân xuống đường…
KIẾN GIANG