Về thăm các xã nông thôn mới (NTM) của tỉnh Bình Dương những ngày đầu năm này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe câu chuyện về sự đổi thay của những vùng quê nông thôn trong tỉnh. Đó là chuyện thu nhập bình quân đầu người lên đến vài chục triệu đồng/năm, là chuyện đường làng giờ xe bốn bánh chạy bon bon, chuyện ngõ xóm nào cũng có cây xanh rợp bóng…
Thời gian qua, Bình Dương đã huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng NTM. Trong ảnh: Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng được xây dựng từ nguồn vốn của chính quyền và nhân dân địa phương đóng góp, góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM. Ảnh : QUỲNH NHIÊN
Nông thôn chuyển mình
Trò chuyện với người dân ở các xã NTM trong tỉnh, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của họ khi quê hương mình đổi mới nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Quả thực, thực hiện xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn trong tỉnh tiếp tục được đầu tư; cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ; an ninh trật tự được ổn định; đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân ở các xã xây dựng NTM trong tỉnh theo chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 52,5 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng/ha/năm, tương đương trên 70.000 tỷ đồng/ năm, tăng 15,6% so với năm 2010.
Bên cạnh đó, tại các xã NTM, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được quan tâm đầu tư. Đến nay, có 34/48 xã xây dựng NTM của tỉnh có nhà văn hóa và khu thể thao xã, nhà văn hóa và khu thể thao ấp đạt chuẩn. Cùng với đó, cảnh quan môi trường dọc theo các trục giao thông chính trên địa bàn các xã xây dựng NTM đều được chỉnh trang sạch đẹp, thông thoáng.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Loan ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên chỉ tay vào tuyến đường giao thông nông thôn vừa được nâng cấp rồi phấn khởi cho biết: “Trước đây con đường này là đường đất, những ngày mưa bùn lầy dính hết bánh xe khiến việc đi lại của bà con rất khó khăn. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là từ khi xã xây dựng NTM, bà con chúng tôi góp đất, góp tiền cùng Nhà nước nâng cấp con đường này. Giờ đây, ngay cả đường giao thông nội đồng cũng được đổ bê tông sạch đẹp, việc đi lại rất thuận tiện”.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, số xã đã phê duyệt đề án xây dựng NTM là 49/49 xã, đạt tỷ lệ 100% (trong đó có 1 xã chuyển lên phường). Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã công nhận 32 xã đạt chuẩn NTM. Các xã xây dựng NTM còn lại đều đạt từ 12 tiêu chí NTM trở lên.
Về đích sớm
Tỉnh Bình Dương đã thực hiện thí điểm xã NTM từ năm 2000. Đến nay, những xã thí điểm đã đạt chuẩn NTM. Sau khi chương trình NTM được Chính phủ ban hành, tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai đồng bộ cho tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 50% xã trên tổng số xã đăng ký xây dựng NTM đạt chuẩn NTM. Đến nay tỉnh Bình Dương đã công nhận 32 xã đạt chuẩn NTM, đạt 65% so với kế hoạch giai đoạn 2011- 2020; cao hơn kế hoạch bình quân của cả nước là 45%.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông cũng nhấn mạnh, định hướng trước năm 2020, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành đô thị loại I - thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, nhiệm vụ xây dựng NTM trong thời gian tới ngoài việc bảo đảm tiêu chí xây dựng NTM, phải chú trọng tiêu chí xây dựng đô thị, góp phần xây dựng chính quyền đô thị và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh lên cao hơn nữa.
Một mùa xuân nữa lại về hứa hẹn nhiều đổi thay cho các địa phương trong tỉnh đang trên bước đường xây dựng NTM
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy đã nêu rõ tầm quan trọng của 3 yếu tố trong quá trình xây dựng NTM tại tỉnh Bình Dương. Trước hết, cần nhận thức sâu sắc quá trình xây dựng NTM gắn với sự phát triển công nghiệp là một con đường tất yếu. Bên cạnh đó, đối với các chỉ tiêu xây dựng NTM tại Bình Dương luôn mang tính chất linh hoạt, phù hợp với nét đặc trưng của địa phương và tạo điều kiện sử dụng hợp lý các công trình để thiết lập nên cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, liên hoàn. Đồng thời, cần thiết lập nguồn lực hỗ trợ xây dựng NTM hiệu quả từ người dân, doanh nghiệp và Nhà nước để chương trình xây dựng NTM thành công bền vững.
QUỲNH NHIÊN