Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hướng phát triển tất yếu

Cập nhật: 06-02-2016 | 20:05:38

Những năm qua, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Bình Dương diễn ra rất nhanh chóng, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bản thân ngành nông nghiệp cũng đã có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu; trong đó nông nghiệp đô thị (NNĐT), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) được ưu tiên phát triển.

 Phát triển NNĐT, NNƯDCNC là định hướng phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương. Trong ảnh: Vườn cam tiền tỷ của ông Trần Thành Có, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Nhiều đột phá

Qua thời gian thực hiện Quyết định số 46 của UBND tỉnh về “Những giải pháp chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT, NNƯDCNC gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt từ 80 - 100%. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha và hơn 860 ha ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện những mô hình sản xuất rau trong nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương tự động theo công nghệ tự động hóa chuyển giao từ Israel… Nhờ vậy, mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm trong cơ cấu kinh tế nhưng giá trị tuyệt đối ngày càng tăng. Cụ thể, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp hiện nay đạt 90 triệu đồng, tăng 54% so với năm 2010.

Ông Trần Thành Có, được mệnh danh là “vua cam” ở vùng đất Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ: “Hiếu Liêm được trời ban cho đất đồi dốc không cao lắm nhưng chất dinh dưỡng rất dồi dào, cây cam lại cần nước. Vì thế, tôi đưa hẳn nước tưới về từng cây nên muốn xử lý cho cây ra trái bất kỳ tháng nào trong năm theo ý mình đều được. Cùng với đó, tôi hướng đến phát triển vườn cây cơ giới hóa 100%, không sử dụng nhân công phục vụ cho việc phun xịt, tưới phân cho cây, đồng thời giảm 50% công vận chuyển sản phẩm thu hoạch và lao động, xây dựng nên sản phẩm trái cây sạch, an toàn theo hướng VietGAP. Chính vì thế, nghề trồng cam sành giúp nông dân chúng tôi thu lãi vài trăm triệu đồng/ha là chuyện thường. Khoảng 3 năm trở lại đây, với mỗi ha đất trồng cam nghịch vụ, chúng tôi đã thu lời bạc tỷ”.

Bên cạnh đó, những năm qua tỉnh Bình Dương đã tập trung phát triển kinh tế trang trại. Hiện toàn tỉnh có 1.068 trang trại với tổng diện tích trên 10.698 ha. Đối với chăn nuôi, hầu hết trang trại đều đầu tư sử dụng giống mới; hệ thống chuồng lạnh, sử dụng thiết bị chăn nuôi tự động đãhạn chế dịch bệnh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi vàtạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Lợi nhuận trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt trung bình từ 100 - 120 triệu đồng/lứa.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các mô hình sản xuất NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả khả quan nói trên là nhờ trong thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều đột phá trong việc đổi mới sản xuất nông nghiệp, đem lại nguồn lợi cho người nông dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.500 mô hình ứng dụng sản xuất công nghệ cao, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi cá cảnh, trồng rau an toàn, trồng hoa lan…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Chính sách phát triển NNƯDCNC tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 đã được HĐND tỉnh thông qua ngày 11- 12-2015 chính là động lực để nền nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục phát triển bền vững. Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách này bao gồm các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân; các trung tâm, viện, trường, trạm, trại nghiên cứu khoa học… Thực hiện chính sách này, các đối tượng được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ bằng 70% lãi suất vay tối thiểu. Theo đó, quy mô đầu tư của phương án dưới 1 tỷ đồng được vay tối đa bằng 90% giá trị đầu tư dự án; quy mô đầu tư của phương án trên 1 tỷ đồng được vay tối đa bằng 80% giá trị đầu tư dự án.

Ông Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương phấn đấu tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản bình quân 2,5%/năm. Theo đó, ngành phấn đấu giá trị sản lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đạt 80 - 100 triệu đồng; riêng NNƯDCNC bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ ha/năm.

Phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT, NNƯDCNC là một quá trình dài hơi. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp tỉnh nhà phải thực hiện đồng bộ tất cả giải pháp, trên cơ sở từng giai đoạn sẽ có những giải pháp mới, phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, nông dân và chủ trang trại phải phát huy hết năng lực lao động sáng tạo, không ngừng đổi mới để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn xác định quá trình tất yếu của việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển NNĐT, NNƯDCNC gắn với công nghiệp chế biến. Vìvậy, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ trang trại và nông dân đầu tư ứng dụng các công nghệ, quy trình canh tác mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hy vọng, ngành nông nghiệp tỉnh nhà sẽ tạo nên nhiều bước đột phá hơn nữa trong thời gian tới.

             QUỲNH NHIÊN 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=545
Quay lên trên