Năm 1999, huyện Dầu Tiếng được tái lập. Từ một huyện nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đến nay công nghiệp của huyện đã phát triển mạnh mẽ, trở thành đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tăng trưởng cao trong nhiều năm
Những năm qua, huyện Dầu Tiếng luôn quan tâm quy hoạch, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó đến nay, huyện đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động trong và ngoài địa phương.
Để tạo đà bứt phá lĩnh vực công nghiệp, trong năm 2019 - năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị. Kết quả cho thấy, trong 7 tháng năm 2019 kinh tế của huyện tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt gần 3.354 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ đạt trên 3.053 tỷ đồng.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH nội thất gỗ Phú Đỉnh. Ảnh: HỒNG NGA
Cùng với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, huyện Dầu Tiếng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai dự án Cụm công nghiệp An Lập, dự án quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân với diện tích 969 ha và dự án mở rộng Khu công nghiệp An Điền giai đoạn 3 với diện tích 381,21 ha. Đến nay, toàn huyện có 364 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã, 6 hệ thống siêu thị, 6 chi nhánh tổ chức tín dụng.
Khai thác tốt lợi thế địa phương
Trên địa bàn huyện hiện có nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, sản phẩm chủ yếu là sản xuất, chế biến gỗ cao su, mủ cao su. Thời gian qua, huyện còn đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế ổn định… Những giải pháp này đã góp phần quan trọng để giá trị sản xuất công nghiệp huyện nhà tăng bình quân trên 20%/năm, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh đến nay còn 1,06%.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết xác định thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, những năm qua huyện đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó, huyện chú trọng thu hút dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và người dân…
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên; tạo điều kiện lợi thuận để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư làm ăn lâu dài. Từ đó để địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, gắn phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, điểm du lịch với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường bền vững.
Cụ thể, huyện sẽ sớm đưa vào khai thác Khu du lịch sinh thái Núi Cậu; phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; thu hút các dự án có công nghệ cao, các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; phát triển các ngành, sản phẩm phù hợp với nguồn lực và lợi thế của huyện trong từng giai đoạn. Huyện cũng khuyến khích các hộ gia đình sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; thành lập hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp để tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Huyện Dầu Tiếng phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế đạt 36%, thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng. |
HỒNG NGA