20 năm qua, kinh tế huyện Dầu Tiếng đã có bước phát triển vượt bậc. Hiện địa phương đang tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM) phù hợp với tình hình mới; cùng với đó định hướng phát triển dịch vụ logistics...
Tuyến đường giao thông nông thôn ở xã NTM Thanh An được xây dựng khang trang. Ảnh: HỒNG NGA
Thành quả từ xây dựng nông thôn mới
Với 11/11 xã đạt chuẩn NTM, năm 2015 Dầu Tiếng được công nhận đạt chuẩn huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, 11 xã của huyện đang đầu tư nâng chất các tiêu chí NTM để được tái công nhận và đạt chuẩn NTM nâng cao.
Những năm qua, kinh tế của huyện duy trì tăng trưởng khá; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng bình quân 12,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 50,6 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ - nông, lâm, ngư nghiệp.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết trong giai đoạn mới địa phương quán triệt việc xây dựng NTM phải gắn liền với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo cơ sở hạ tầng khang trang và môi trường sống nông thôn tốt hơn. Bên cạnh đó, huyện dành quỹ đất và tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng như đường giao thông, trường học, chợ, cơ sở vật chất văn hóa, y tế… nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho người dân.
Đến nay, các thiết chế văn hóa như Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng các xã, văn phòng ấp, khu phố… đã được địa phương đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, thể thao và giải trí của nhân dân. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết về công tác phối hợp giữa các ban, ngành của huyện với các phòng, ban trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trong xây dựng và huy động các nguồn lực tham gia xây dựng NTM.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã được đầu tư trên 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Gần đây, huyện đã hoàn thành phê duyệt 4 đồ án quy hoạch chung xây dựng các đô thị Long Hòa, Minh Hòa, Bến Súc, điều chỉnh quy hoạch thị trấn Dầu Tiếng; phê duyệt 8 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm các xã. Đồng thời, huyện đã thông qua quy hoạch khu Trung tâm Thương mại - Khu dân cư huyện Dầu Tiếng...
Khai thác thế mạnh phát triển logistics
Theo ông Linh, huyện vẫn xác định thế mạnh là sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, địa phương đã và đang quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh và chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Huyện phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất...
Huyện cũng đang có kế hoạch khai thác triệt để lợi thế địa phương phát triển dịch vụ logistics trên sông, cảng hàng hóa tại xã Thanh Tuyền. Lãnh đạo huyện cho biết, địa phương đã huy động các nguồn lực cơ bản, đề ra các giải pháp mang tính đột phá để phát triển dịch vụ logistics.
Huyện đã chỉ đạo các ngành, các cấp nghiên cứu những hướng đi phù hợp trên thực tiễn, tham khảo ý kiến các chuyên gia để tìm ra giải pháp sớm xây dựng cảng hàng hóa tại xã Thanh Tuyền. Cùng với đó, huyện điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu trung tâm đô thị Bến Súc.
“Với việc tập trung hàng hóa các vùng lân cận về cảng Thanh Tuyền, tuyến đường sông này sẽ chia sẻ gánh nặng vận tải đường bộ đi qua địa bàn đã và đang quá tải hiện nay. Hiện địa phương đang xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ logistics để trình tỉnh xem xét, quyết định”, ông Linh nói.
Theo lãnh đạo huyện, khó khăn lớn nhất khi địa phương phát triển dịch vụ logistics là trục giao thông chính nối liền huyện với trung tâm tỉnh, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chưa được mở rộng hoàn chỉnh, như các tuyến đường ĐT748, ĐT749 A. Bên cạnh đó, để phát triển loại hình dịch vụ này, tới đây địa phương tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn; đồng thời nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động...
TIỂU MY