Để tạo ra nguồn nông sản chất lượng, nâng cao giá trị và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, huyện Dầu Tiếng đã và đang tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Trang trại lan Mai Quốc Ảnh: XUÂN THI
Nhiều mô hình hiệu quả
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, chất lượng cao trên thị trường đang rất lớn, chị Nguyễn Như Ngọc ở ấp Đất Đỏ, xã An Lập đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới Đài Loan trên diện tích 4.480m2. Chị Ngọc cho biết, khác với phương pháp canh tác truyền thống, trồng dưa lưới trong nhà màng có thể hạn chế được sâu bệnh xâm nhập, giúp cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Với mô hình này, chị có thể trồng được 2 - 3 vụ mỗi năm mà không phụ thuộc vào tác động của môi trường và biến đổi thời tiết.
Sau khi trừ chi phí, mỗi năm 1 nhà màng chị Ngọc có lãi 35 - 40 triệu đồng/vụ; tính tổng số vụ gieo trồng trong năm chị có lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Đây là mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện Dầu Tiếng.
Trang trại trồng lan Mai Quốc ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa cũng là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại huyện. Trang trại đã mạnh dạn đưa giống lan dendro về trồng với diện tích lớn (6 ha), mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Tấn Phước Vinh, chủ trang trại, chia sẻ ở Việt Nam hiện nay ít người trồng loại lan này, vì nó khó trồng hơn so với lan mokara. Khác với những loại lan trồng dưới đất hoặc trồng bằng xơ dừa, vườn lan của ông chủ yếu trồng bằng than và trồng trên giàn, do vậy phải đầu tư khá kỹ để xây dựng hệ thống vỉ đựng, chậu, mái che và cả hệ thống tưới nước tự động.
Trang trại của ông Vinh cung cấp cả hoa và chậu lan trưởng thành cho các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh. Đây là giống cây chịu thời tiết tốt, lại ra hoa quanh năm, thị trường tiêu thụ lớn nên đầu ra ổn định. Dẫu vậy, trang trại đang nỗ lực ký hợp đồng lâu dài với các công ty, tìm đường xuất khẩu sản phẩm sang các nước. Trang trại đang giải quyết việc làm cho 30 công nhân, chủ yếu là người dân địa phương; thu nhập bình quân mỗi công nhân 190.000 đồng/ngày; ngày làm việc 7 giờ. Thu nhập mỗi năm của trang trại hơn 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thực hiện Chương trình số 18 của Huyện ủy về kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn, UBND huyện đã cụ thể hóa, triển khai lồng ghép và kịp thời quy hoạch chi tiết ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thời gian qua, huyện đã giữ vững diện tích cây trồng, tăng chất lượng và thay thế bằng giống mới.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Tuy vậy, theo ghi nhận, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Khó khăn trước hết là chi phí đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao cao gấp 3 - 4 lần so với phương pháp truyền thống. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định 68 nhằm tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nhưng trên thực tế người dân vẫn gặp khó để tiếp cận được nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn nhân lực am hiểu về khoa học - kỹ thuật, tuy nhiên nguồn nhân lực có chuyên môn, được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện vẫn đang còn thiếu.
Vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh, lãnh đạo huyện đã báo cáo một số khó khăn về việc giải ngân nguồn vốn vay và một số vấn đề liên quan khác. Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh đã ghi nhận, cam kết sẽ giúp huyện tháo gỡ những khó khăn trong thời gian tới.
Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ giúp địa phương tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh trên thị trường.
HỒNG NGA