Trong thời gian qua, triển khai thực hiện kế hoạch điều chỉnh đầu tư công trung hạn 2016- 2020, Bình Dương đã kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư công. Qua đó, nhiều công trình đã được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giải ngân gần 13,5 ngàn tỷ đồng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn từ đầu 2016 đến giữa tháng 5-2018, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công của tỉnh đạt gần 13,5 ngàn tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Bình Dương đã cân đối, bố trí cho 52 danh mục dự án công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu từng bước đi vào nề nếp, các chủ đầu tư thực hiện đấu thầu đúng định mức gói thầu, trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư ngày càng được nâng cao; qua giám sát đã chỉ đạo khắc phục, sửa chữa những mặt tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong ảnh: Dự án đường Mười Muộn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: P.LÊ
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết riêng năm 2016 và 2017 là những năm có nhiều khó khăn trong công tác đầu tư công của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Dẫu vậy, được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tích cực điều hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; chủ động, kịp thời điều chuyển kế hoạch đầu tư công hàng năm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ.
Qua rà soát các nguồn vốn được giao, dự kiến tổng nguồn vốn kế hoạch điều chỉnh đầu tư công trung hạn 2016-2020 của tỉnh là 33.000 tỷ đồng. Căn cứ nhu cầu điều chỉnh vốn và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 dự kiến được điều chỉnh phù hợp hơn. Cụ thể, tỉnh sẽ ngưng bố trí 24 dự án với tổng vốn khoảng 106 tỷ đồng; giảm vốn 165 dự án, đồng thời tăng vốn 220 dự án và bổ sung danh mục 104 dự án. |
Nhìn chung, qua 2 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, các công trình đầu tư đáp ứng nhiệm vụ nâng cấp, chỉnh trang đô thị được quan tâm. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất ngày càng tốt hơn. Cơ sở vật chất ngành y tế và giáo dục được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy, học và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thiết chế văn hóa, thể thao, mạng lưới thông tin truyền thông đáp ứng nhu cầu giải trí, tập luyện và thi đấu. Hạ tầng và trang thiết bị quốc phòng, an ninh, phòng cháy chữa cháy bảo đảm phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Đẩy mạnh đầu tư công
Bên cạnh những mặt làm được, Bình Dương vẫn gặp một số tồn tại, hạn chế. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nguồn vốn đầu tư công của tỉnh còn rất hạn chế so với nhu cầu đầu tư của tỉnh. Vốn đầu tư chủ yếu dựa vào vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh rất ít (chủ yếu là vốn vay từ nhà tài trợ nước ngoài ODA). Mặt khác, việc thực hiện và giải ngân các danh mục công trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn chậm (giai đoạn 2016-2017 đạt 37,4% kế hoạch trung hạn). Một số dự án trọng điểm của tỉnh và dự án mang tính liên kết vùng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông còn triển khai chậm.
Cũng theo ông Trúc, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do các quy định về đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thanh quyết toán công trình trong thời gian qua chưa đầy đủ và đồng bộ. Một số quy định thủ tục còn chồng chéo, phức tạp và mất nhiều thời gian. Ngoài ra, công tác lập chủ trương đầu tư, lập dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, đấu thầu thực hiện chậm, kéo dài. Một số đơn vị tư vấn hạn chế về năng lực và kinh nghiệm, dẫn đến lập dự án, thiết kế chưa hợp lý, phải điều chỉnh làm mất thời gian. Các chủ đầu tư chưa chủ động rà soát nắm chắc tiến độ thực hiện từng dự án, từ đó xác định nhu cầu sử dụng vốn không sát với tiến độ triển khai thực tế.
Cùng với đó, khả năng điều hành, thực hiện kế hoạch vốn của một số chủ đầu tư chưa cao, gây khó khăn trong quản lý, điều hành kế hoạch vốn chung của tỉnh. Năng lực một số nhà thầu thi công còn hạn chế, thời gian kéo dài phải gia hạn thời gian thực hiện dự án, chất lượng công trình chưa bảo đảm. Quy trình, thủ tục thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn mất nhiều thời gian; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn và địa phương chưa kịp thời, chặt chẽ nên việc giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, giải tỏa, bàn giao mặt bằng thi công còn nhiều khó khăn… Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đặc biệt là các công trình trọng điểm của tỉnh.
Để thực hiện phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp tập trung triển khai thực hiện, như: Nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm; tăng cường công tác quản lý đầu tư công, không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát, bảo đảm các dự án bố trí trọng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định.
Tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện phương án thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết giai đoạn 2016-2020 nhằm bảo đảm nguồn thu theo kế hoạch đã phân bổ. Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tăng cường công tác giám sát đầu tư, kiểm tra, thanh tra các dự án giải ngân thấp, chậm tiến độ, chất lượng kém; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh các hình thức đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao… nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư công của tỉnh.
PHƯƠNG LÊ