Trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa. Thực hiện giải pháp này đã góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển đô thị, qua đó thúc đẩy kinh tế Bình Dương phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Đầu tư hạ tầng tạo đòn bẩy phát triển công nghiệp và đô thị. Trong ảnh: KCN Việt Nam – Singapore. Ảnh: P.AN
Phát triển đồng bộ hạ tầng công nghiệp
Nếu như năm 1997 Bình Dương mới có 6 KCN, tập trung hầu hết ở phía Nam với diện tích quy hoạch 800 ha thì đến nay đã phát triển lên 29 KCN và 8 cụm công nghiệp tập trung, tổng diện tích trên 10.000 ha và được phân bố trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Bùi Minh Trí, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, ban được giao quản lý 25 KCN. Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện trong các KCN do ban quản lý là 1.123,3 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 75,25 tỷ đồng. Vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật tập trung chủ yếu vào các hạng mục như giao thông, xử lý nước thải, thoát nước mưa và trồng cây xanh, nâng tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong các KCN do ban quản lý đến nay lên 9.316,25 tỷ đồng, đạt 72,34% tổng số vốn được duyệt.
Ông Trí cho biết thêm, Bình Dương đã quy hoạch KCN Bàu Bàng với diện tích 300 ha để tập trung thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, KCN này đã hoàn tất 99,39% công tác giải tỏa, đền bù, bảo đảm quỹ đất sạch để triển khai các dự án đầu tư. Hệ thống giao thông KCN cũng đã được đầu tư hoàn tất 19 tuyến đường trên tổng số 33 tuyến đường. Bên cạnh đó, KCN đã được đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 4.000m3/ngày đêm. Hiện nay, KCN Bàu Bàng đã cho thuê khoảng 46,18% diện tích đất công nghiệp được cho phép thuê.
Theo ông Lý Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý KCN Việt Nam - Singapore, đến nay tổng số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho KCN đã thực hiện trên 139,144 triệu USD, đạt 100% so với tổng vốn đăng ký. Nhà máy xử lý nước thải của KCN đã được nâng công suất lên 24.000m3/ngày đêm, bảo đảm xử lý hoàn thành 100% lượng nước thải của KCN và khu dịch vụ Gucoland.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, những năm qua, Bình Dương tập trung đầu tư hạ tầng các KCN cùng hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đã góp phần thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư.
Chú trọng đầu tư hạ tầng đô thị
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp, phát triển đô thị nhằm phục vụ cho công nghiệp là vấn đề Bình Dương ưu tiên hàng đầu. Bình Dương đã hoàn thiện quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các đô thị, các xã; cùng với đó Chương trình phát triển đô thị được tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đặc biệt, những năm qua, Bình Dương đã huy động hiệu quả nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế tham gia vào quá trình đầu tư hạ tầng đô thị, tạo động lực hình thành đô thị trung tâm của tỉnh trong tương lai.
Với việc chú trọng phát triển công nghiệp - dịch vụ gắn với quá trình đô thị hóa, Bình Dương đã mạnh dạn triển khai thực hiện một loạt dự án quan trọng như: Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị với tổng diện tích 4.196 ha, trong đó có 1.000 ha trung tâm đô thị với Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh là hạt nhân; các trung tâm thương mại - dịch vụ lớn dọc hành lang đại lộ Bình Dương; các dự án khu Gò Cát, khu tổ hợp thương mại Goucoland, trung tâm mua sắm AEON Bình Dương Canary (TX.Thuận An), Siêu thị BigC (TX.Dĩ An), Trung tâm Thương mại Becamex Center (TP.Thủ Dầu Một)... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành một số dự án nhà ở, khu đô thị cao cấp hiện đại như Khu đô thị Tokyu (TP.Thủ Dầu Một), Khu đô thị Royal Town (Bàu Bàng)...
Về hạ tầng xã hội giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch của Bình Dương cũng có bước phát triển tốt. Nhiều công trình có quy mô lớn, hiện đại và mang tầm quốc tế được đầu tư từ nhiều nguồn lực như: Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Việt Đức, Bệnh viện Quốc tế Miền Đông, Bệnh viện Colombia... góp phần cho đô thị Bình Dương hình thành theo hướng văn minh, hiện đại. Bình Dương phấn đấu, trong năm 2015 đô thị trên địa bàn có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đạt nền tảng của đô thị loại I, để đến trước năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mô hình phát triển công nghiệp tạo động lực phát triển đô thị và ngược lại, xây dựng và phát triển đô thị nhằm tạo ổn định xã hội để người dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sống, làm việc, học tập và gắn bó lâu dài với tỉnh nhằm góp phần phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Đây là nền tảng cơ bản và vững chắc để Bình Dương hướng đến trở thành một đô thị xanh, văn minh và hiện đại trong tương lai.
PHƯƠNG LÊ