Năm 2003, David Crane chính thức buộc tội Charles Taylor - cựu Tổng thống Liberia chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 100.000 người - ở Freetown (Sierra Leone). Năm 2012, Taylor bị tuyên án 50 năm tù giam.
Hiện nay, Crane chuyển hướng sang Syria và đang xem xét một dự án xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ về tội ác chiến tranh. Crane và nhóm sinh viên của ông cũng hy vọng rằng một ngày nào đó Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague (Hà Lan) hay Syria sau chiến tranh sẽ thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố những tội phạm chiến tranh trong cuộc xung đột đẫm máu ở nước này.
Crane từng là trưởng công tố cho Tòa án Đặc biệt của LHQ ở Sierra Leone trong vụ xét xử “kim cương máu” liên quan đến Charles Taylor và sau đó là giáo sư Trường Luật Đại học Syracuse ở thành phố New York (Mỹ).
David Crane (đứng) tại buổi khai mạc phiên tòa xét xử Charles Taylor ở Sierra Leone.
David Crane và các sinh viên đang thu thập bằng chứng, so sánh các nguồn trên thế giới, kiểm tra báo cáo từ mọi nhân chứng và tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền. Họ cũng cố gắng lùng sục các báo cáo của chính quyền cũng như những bài viết của giới truyền thông. Hiện nay, cơ sở dữ liệu của Crane chứa khoảng 17.000 trang tài liệu.
Trong cơ sở dữ liệu của Crane còn chứa đựng thông tin về chỉ huy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thành viên Quân đội Syria Tự do (FSA) cùng với những tội phạm chiến tranh khác. Trong hồ sơ chứng cứ của Crane, nhóm sinh viên nêu chi tiết vụ việc ngày 15-3-2011, lúc đó Suheil Salman Hassan - chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Syria – ra lệnh nổ súng vào những người biểu tình hoàn toàn không vũ trang như thế nào.
Hồ sơ Crane còn dành ra trọn 1 chương ghi chép về ít nhất 130.000 người mất tích trong chiến tranh. Trước khi được biệt phái đến Siera Leone nhận trách nhiệm trưởng công tố trong phiên tòa xét xử Charles Taylor, David Crane làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) trong suốt 30 năm trong vai trò luật sư cố vấn pháp lý.
Vị trí cuối cùng của Crane ở Lầu Năm Góc là giám đốc Văn phòng Đánh giá và Chính sách Tình báo – cơ quan cố vấn cho cộng đồng tình báo Mỹ về những vấn đề liên quan đến pháp lý.
Vào tháng 3-2016, Hạ viện Mỹ quyết định gây sức ép đến LHQ để lập ra tòa án đặc biệt này. Thậm chí, Nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Chris Smith còn đề nghị sử dụng cơ sở dữ liệu của David Crane làm cơ sở điều tra xét xử và nhóm sinh viên của Crane đã cùng với giáo sư hoàn thành 5 bản cáo trạng chi tiết chuẩn bị cho tòa án đặc biệt.
Ngoài ra, họ còn muốn soạn thảo các cáo trạng khác chống lại giới thủ lĩnh IS, nhóm khủng bố Al-Nusra Front và FSA. Tuy nhiên, dù có bản cáo trạng hẳn hoi thì những tội phạm chiến tranh có quyền lực trong tay cũng khó bị trừng phạt. Hiện thời, David Crane đang về hưu và sống bình yên ở Bắc Carolina (Mỹ). Nhưng một lần trong tuần, Crane đều bay đến thành phố Syracuse và lưu lại đó khoảng 2 ngày.
Cách đây 40 năm, Crane từng nghiên cứu ở đây và truyền đạt cho các công tố viên tương lai về cách thức săn lùng những tội phạm chiến tranh một cách hiệu quả. Là con trai của sĩ quan quân đội Mỹ, Crane có một thời gian sống ở Đức. Năm 1962, lúc 12 tuổi, Crane cùng với gia đình tham quan trại tập trung Dachau nổi tiếng của phát xít Đức. Chính trải nghiệm khủng khiếp ở Dachau là động cơ thôi thúc Crane học khoa luật.
Crane rời khỏi Lầu Năm Góc khi nước Mỹ chuẩn bị gây chiến tranh xâm lược Iraq vào năm 2002 và lý do duy nhất – theo ông - chỉ là vì “dầu mỏ”. Sau đó đến vụ án Charles Taylor. Là trưởng công tố, lúc đó Crane tự hỏi tại sao ông không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào từ cộng đồng tình báo Mỹ cho dù ông từng làm việc cho Cơ quan tình báo quân đội Mỹ DIA và cả Cục Tình báo trung ương (CIA)?
Theo CAND