Để cụ thể hóa sự quan tâm của Chính phủ đối với các đối tượng chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bình Dương đang tích cực triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để giúp các đơn vị, địa phương tháo gỡ khó khăn, bất cập, chi tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, không trục lợi chính sách thì rất cần có thêm những giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).
Các đoàn thể phối hợp thăm, tặng quà cho NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tại khu nhà trọ
- Thưa ông, tình hình triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đến nay được thực hiện như thế nào?
- Tính đến ngày 20-5, Bình Dương đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 42/ NQ-CP và Quyết định 15/2020/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể các nhóm đối tượng đã hoàn thành chi trả chế độ là người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và người bán lẻ vé số lưu động với tổng số tiền hơn 15,4 tỷ đồng. Trong đó, có 6,839 người bán lẻ vé số lưu động với tổng số tiền đã chi trả hơn 6,1 tỷ đồng.
Qua rà soát, tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh có 18.738 người nghèo, người cận nghèo, 26.167 đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Các nhóm đối tượng khác, các đơn vị, địa phương đang trong quá trình tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang tiếp nhận hồ sơ của 2 doanh nghiệp với 1.137 người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; UBND cấp xã tiếp nhận, niêm yết công khai 164 hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngưng kinh doanh từ ngày 1-4-2020; có 98 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 3.587 NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm đã gửi hồ sơ đến UBND xã để thẩm định, rà soát mức thu nhập. Hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội và UBND cấp huyện, thị, thành phố chưa nhận được hồ sơ của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ đối với NLĐ trong nhóm người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc. Tới thời điểm này, Bình Dương chưa ghi nhận ý kiến thắc mắc hoặc đơn đề nghị tự nguyện không nhận hỗ trợ từ các đối tượng được hưởng theo chính sách.
- So với kế hoạch của Bộ LĐ-TB&XH, tiến độ hỗ trợ gói an sinh xã hội ở Bình Dương chậm, ông có thể nói rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?
- Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh cho người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã gặp không ít khó khăn do đối tượng được thụ hưởng đa dạng. Một số đối tượng thuộc nhiều nhóm hỗ trợ, vừa là người bán vé số lẻ, vừa là hộ nghèo, vừa là đối tượng bảo trợ xã hội, người có công. Vì vậy các địa phương phải rà soát kỹ càng, tránh trùng lắp...
Với nhóm thụ hưởng NLĐ tự do, lao động bị mất việc làm đang tạm trú trên địa bàn tỉnh, khó khăn lớn nhất là việc thực hiện các thủ tục, xác nhận địa phương nơi cư trú cho nhóm này. Bình Dương có khoảng 300.000 NLĐ tự do và hơn 80% trong số này là người ngoài tỉnh, để được hỗ trợ NLĐ buộc phải có xác nhận địa phương nơi cư trú. Trong khi đó, hộ kinh doanh phải ngừng kinh doanh thì có rất nhiều nhưng phần lớn không có đăng ký kinh doanh hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng không đóng thuế nên không đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định.
Khó khăn của doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19 là có thật, số lượng đơn hàng ít, hàng hóa không xuất khẩu được nên phần lớn các doanh nghiệp thu gọn sản xuất, sắp xếp lại lao động dẫn đến giảm doanh thu, chứ không hoàn toàn mất nguồn doanh thu. Do đó rất khó để chứng minh doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương cho NLĐ để NLĐ hưởng hỗ trợ của Chính phủ. Điều đó dẫn đến việc NLĐ bị ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng trên thực tế không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo quy định.
- Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, Sở LĐ-TB&XH đã đưa ra giải pháp gì bảo đảm gói hỗ trợ của Chính phủ đến đúng người, đúng đối tượng và không bị trục lợi?
- Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, Sở LĐ-TB&XH, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/ NQ-CP và Quyết định 15/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thành phần chủ chốt, không thể thiếu trong 3 đoàn này là đại diện Ban Giám đốc sở, thời gian thực hiện kiểm tra từ ngày 18 đến 22-5. Qua những buổi kiểm tra, đoàn sẽ làm việc, kiểm tra cụ thể tiến độ triển khai gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng của Chính phủ tại các huyện, thị, thành phố để nắm bắt, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở.
Trước đó, Sở LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản gửi Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân các chính sách của Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt tuyên truyền đến các khu, ấp, xã, phường, thị trấn. Nội dung tuyên truyền tập trung vào video nhận biết, hướng dẫn hỗ trợ các đối tượng theo quy định; bộ nhận diện hình ảnh về điều kiện hưởng gói hỗ trợ; bộ tài liệu hỏi đáp chính sách của Bộ LĐ-TB&XH.
- Xin cảm ơn ông!
KIM HÀ (thực hiện)