Để cây có múi phát triển bền vững

Cập nhật: 27-12-2017 | 08:42:10

 Nắm bắt thời cơ và yêu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng triệu USD đưa công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Bắc Tân Uyên, cây có múi đang tạo nên giá trị gia tăng lớn cho nông sản. Các nhà chuyên môn cho biết, để cây có múi nói riêng và hàng hóa nông sản nói chung đứng vững trên thị trường rất cần một hành lang pháp lý đủ mạnh để nhà nông an tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

 Mạnh dạn áp dụng công nghệ cao

Nhà nông chuyên nghiệp hầu như ai cũng rành câu nói “Nhất sớm, Nhì muộn”, với hàm ý: Trái cây, nông sản muốn bán được giá thì phải lệch mùa, có thể sớm thật sớm hoặc muộn thật muộn. Còn để vào chính vụ, nhà nhà đều có thì khó tránh khỏi điệp khúc “trúng mùa - mất giá”. Từ bài học này, ông Lâm Thành Thương, chủ trang trại cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP mang tên ông, ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên đã lặn lội ra tận xứ Nghệ tìm hiểu và đưa cây cam Vinh về trồng trên đất đồi vốn trước đây chỉ được trồng cao su, mì, chuối.

Thu hoạch, đóng gói cam Vinh đặc sản xuất khẩu tại huyện Bắc Tân Uyên.
Ảnh: DUY CHÍ

Đưa giống cam đặc sản từ miền Trung về miền Nam trồng sống đã là một kỳ công, ông Thương còn nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để cho cây cam ra hoa, kết trái nghịch vụ là vấn đề hoàn toàn khoa học, kết hợp với kỹ thuật và kinh nghiệm trồng trọt.

Ông Thương chia sẻ, cam Vinh là giống cam đặc sản được thị trường miền Bắc ưa chuộng từ lâu. Nhưng nhược điểm của vùng đặc sản loài cam này là thời tiết khắc nghiệt, cam chỉ cho trái một mùa trong năm. Đưa cây cam từ miền Trung vào Bắc Tân Uyên trồng, phát triển tốt như hiện nay là nhờ khí hậu thích hợp, kết hợp với ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại như tưới tiêu, phân bón và kỹ thuật cho cây ra trái nghịch vụ, vườn cây của trang trại cho trái quanh năm. Do có khách hàng đặt trước nên ông lên kế hoạch cho trái theo từng tháng, đúng với sản lượng đã được ký kết, nhờ đó trái cây lúc nào cũng tươi ngon, hấp dẫn. Toàn bộ trái cây của trang trại Lâm Thành Thương được tiêu thụ ở thị trường miền Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đơn đặt hàng của khách trước đó.

Giải thích về đầu ra ổn định của trái cam Vinh trồng tại trang trại Lâm Thành Thương, ông Thương cho biết, hiện tại ông chỉ dựa trên lòng tin và chất lượng của sản phẩm đối với khách hàng. Điểm khác biệt cơ bản giữa trái cam của trang trại với sản phẩm cùng loại là thời gian bảo quản tự nhiên trên 1 tháng. Do trong suốt quá trình sản xuất, trang trại không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng chất kích thích nên trái cây để được lâu hơn.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trái cây bị rỗng ruột, thối đít là do thiếu canxi. Để giải quyết vấn đề này, nhà nông thường dùng phân hóa học, phân bón lá, dẫn đến trái cây phát triển nhanh, nhưng kết quả là trái cây không để được lâu do còn tồn dư phân thuốc. Ngược lại, với nền nông nghiệp hữu cơ, nhà nông có điều kiện hiểu về cây trồng và đất đai để có kế hoạch bồi bổ cho đất thay vì cho cây như cách làm thông thường, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng của sản phẩm.

Đưa công nghệ cao vào trong sản xuất cây có múi, ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại Đoàn Minh Chiến, huyện Bắc Tân Uyên đã dùng vòi nước áp lực cao để rửa sạch gốc cây không cho côn trùng đeo bám gây tổn thương, tạo điều kiện cho các loại nấm mốc, mầm bệnh xâm nhập. Cùng với đó, đặt các bẫy thiên địch xung quanh hàng rào để bắt con đực ngăn ngừa phát tán sâu bệnh trong vườn cây.

Cần sớm có hành lang pháp lý

Ông Chiến cũng tỏ ra băn khoăn, hiện trái cây tiêu chuẩn VietGAP và trái cây bình thường giá bán vẫn như nhau và không có gì để phân biệt ngoài bao bì và nhãn “VietGAP”. Trong khi đó, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi công phu, tốn kém; còn với sản xuất đại trà người ta chỉ cần dán nhãn VietGAP là bán. Chính vì vậy, đang rất cần có hàng rào pháp lý để khuyến khích, bảo vệ nền sản xuất hiện đại để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Qua khảo sát thực tế vừa qua tại huyện Bắc Tân Uyên, đoàn khảo sát do ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn đầu đã nhận định: Đầu tư trang trại ứng dụng công nghệ cao cần số vốn, kỹ thuật rất lớn, không thua kém một dự án đầu tư thương mại hoặc công nghiệp. Trong khi đó, để có được một dự án đầu tư sạch, Nhà nước phải bỏ công mời gọi, xây dựng hạ tầng, dạy nghề, thu hút lao động… Còn tại đây, người nông dân tự bỏ vốn, tự tìm kiếm, áp dụng công nghệ, giải quyết lao động, tạo ra giá trị gia tăng mới, đặc biệt là rất thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, cần tạo ra hành lang pháp lý để vừa bảo vệ vừa khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cây có múi là trái cây giàu năng lượng, rất tốt cho sức khỏe, chỉ có ở vùng nhiệt đới. Thị trường còn rất lớn nhưng để xuất khẩu được, chúng ta cần đầu tư mạnh hơn nữa để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm. Do vậy về phía địa phương, cần làm tốt công tác quy hoạch để quản lý và phát triển; đồng thời phải kết hợp đồng bộ và đa dạng hóa sản phẩm theo hướng kết hợp với du lịch giúp sản phẩm có điều kiện vươn xa hơn nữa.

Cùng với việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm phòng tránh có hiệu quả điệp khúc “trúng mùa mất giá” của thị trường nông sản nhiều năm qua, ngành công thương đang xây dựng đề án xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh, sản phẩm trái cây có múi của Bắc Tân Uyên ra thị trường trong và ngoài nước.

DUY CHÍ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=726
Quay lên trên