Để doanh nghiệp dược vượt khó

Cập nhật: 23-07-2015 | 08:42:32

Kỳ 1: Thử thách từ hội nhập

Bộ Y tế vừa tổ hội nghị triển khai công tác quản lý thuốc và dược tại tỉnh Bình Dương. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp (DN) đến từ các tỉnh, thành phía Nam. Theo đánh giá chung của các đại biểu tại hội nghị, thị trường thuốc và mỹ phẩm hiện đang rất sôi động, thời cơ rất nhiều nhưng trở ngại cũng không ít.

 

Một công ty mỹ phẩm tham gia hội chợ triển lãm tại Bình Dương

 

 

Cạnh tranh quyết liệt

Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho biết, hiện nay kem dưỡng da chiếm 70% mặt hàng mỹ phẩm trên thị trường Việt Nam. Tổng giá trị ngành mỹ phẩm ước tính trên 15.000 tỷ đồng mỗi năm; tốc độ tăng trưởng trên 15%/năm. Trong khi đó, theo tính toán, chi tiêu cho mỹ phẩm của Việt Nam hiện đang ở mức khiêm tốn là 4 đô la Mỹ/người/năm (Thái Lan 20 đô la Mỹ/người/năm). Do vậy, tiềm năng thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam còn rất lớn, vì nhu cầu làm đẹp của người dân ngày một tăng. Đây là cơ hội lớn cho các DN trong và ngoài nước.

Các chuyên gia nhận định, thị trường mỹ phẩm trong nước hiện đang nằm trong tay các thương hiệu lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…; trong khi đó Mỹ là quốc gia đang mong muốn tăng thị phần của mình tại Việt Nam. Điều này đặt ra cho các thương hiệu mỹ phẩm Việt nhiều thách thức hơn nữa, bởi hiện tại sản phẩm của các DN nội mới chiếm khoảng 10% thị trường.

Lãnh đạo một DN mỹ phẩm có nhà máy sản xuất tại tỉnh Bình Dương đánh giá, các sản phẩm mỹ phẩm có mặt tại thị trường Việt Nam xuất phát nhiều nguồn: sản xuất tại chỗ, nhập khẩu, hàng xách tay từ nước ngoài… đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt từng dòng sản phẩm và phân khúc thị trường.

Theo nhiều DN mỹ phẩm, cánh cửa hội nhập ngày càng rộng mở, thị trường mỹ phẩm không chỉ đặt ra những thách thức cho việc quản lý từ Nhà nước mà còn tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các DN. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, buộc các DN điều chỉnh chiến lược sản xuất cũng như phân khúc thị trường đặc thù của mình. Nhất là khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mỹ phẩm là 0% thì dòng mỹ phẩm sẽ ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, ban đầu DN mỹ phẩm nước ngoài có 3 hình thức thâm nhập vào thị trường Việt Nam: đầu tư, sản xuất phân phối tại chỗ như DeBon đã làm; chuyển nhượng quyền kinh doanh như thương hiệu Shiseido đã thực hiện và mua lại thương hiệu Việt để bản địa hóa sản phẩm (như cách nhãn hàng P/S bị DN nước ngoài thâu tóm). Nhưng khi mặt hàng mỹ phẩm được áp thuế 0% thì các DN sẽ thay đổi chiến lược. Mỹ phẩm ngoại nhập sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam vì các DN sẽ tiết kiệm nhiều chi phí hơn khi không phải đầu tư vốn vào việc xây dựng nhà máy, công xưởng, tiền lương nhân công…; các DN chỉ nhập sản phẩm về Việt Nam và phân phối lại.

Ngành dược còn non yếu

Ngành dược Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức hơn, bởi đây là ngành công nghiệp khá mới mẻ (phát triển trên dưới 20 năm) tại Việt Nam. Đại diện Công ty Dược phẩm OP (Bình Dương) cho biết, hiện nay thị trường thuốc dùng cho khám chữa bệnh rộng mở cho tất cả DN trong và ngoài nước bởi những cam kết ràng buộc khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Nguồn thuốc nội địa phục vụ cho việc khám chữa bệnh hiện chỉ mới đáp ứng 50% nhu cầu, trong khi ngành dược còn phải nhập số lượng lớn hoạt chất để sản xuất tân dược.

Theo các nhà chuyên môn, tổng giá trị nhập khẩu thuốc năm 2013 là trên 1,8 tỷ đô la Mỹ, trong khi năm 2008 con số này chỉ mới là 864 triệu đô la Mỹ, tăng hàng năm trong giai đoạn 2008-2013 là 18%. Thuốc nhập vào Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc…; còn nguyên liệu để sản xuất thuốc đa số nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, lần lượt là 52% và 16% tổng giá trị nhập khẩu. Về nguyên liệu đông dược, 90% nhập từ Trung Quốc, còn lại là thảo dược trồng ở Việt Nam, phổ biến như atisô, đinh lăng, cam thảo, cao ích mẫu, diệp hạ châu…

Các DN dược phẩm Việt Nam mới phát triển sau năm 1990. Hiện cả nước có 178 DN sản xuất thuốc; trong đó có 98 DN sản xuất tân dược, 80 DN sản xuất đông dược và 30 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền. Hệ thống phân phối thuốc rộng khắp cả nước với trên 2.200 đơn vị và 43.000 cơ sở bán lẻ. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có một nền công nghiệp dược hiện đại để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và chưa có công nghiệp sản xuất nguyên liệu dược. Các DN dược Việt Nam đa số sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu nhập; hiện mới có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh tổng hợp của Mekophar, sản lượng thiết kế khoảng 200 tấn amoxicillin và 100 tấn ampicillin mỗi năm, chỉ đủ cho nhu cầu của bản thân DN.

Ông Ngô Tùng Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện gần 100 DN đang hoạt động kinh doanh sản xuất thuốc và mỹ phẩm tại tỉnh, vừa đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh và làm đẹp tại địa bàn vừa phân phối sản phẩm cho thị trường phía Nam. Hiện Bình Dương đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực thuốc và dược phẩm. Để khuyến khích các DN tham gia thị trường tiềm năng này, tỉnh đã triển khai hợp tác với một số ngân hàng cho vay ưu đãi lãi suất từ 6 - 7%/năm cho các DN đầu tư tại Việt Nam, mức vay lên đến 70% giá trị dự án.

Theo Quyết định số 68/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: Đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị tiêu thụ, dược liệu chiếm 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.

Kỳ 2: Bình Dương: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành dược

PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1231
Quay lên trên