Để rau an toàn đến tay người tiêu dùng: Cần một “chiếc cầu”

Cập nhật: 13-10-2012 | 00:00:00

Nhiều sản phẩm rau nhập khẩu từ Trung Quốc chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá lớn như khoai tây, cà rốt… và gần đây nhất là thông tin đậu cô ve và xà lách Trung Quốc nhiễm E.coli (gấp 2,4 lần và 110 lần cho phép) khiến người tiêu dùng (NTD) ngày càng trở nên dè dặt hơn trong lựa chọn thực phẩm. Điều nghịch lý là những sản phẩm nông nghiệp của địa phương tuy bảo đảm chất lượng nhưng lại chưa tiếp cận được với NTD. Nhiều diện tích rau an toàn (RAT) của nông dân địa phương vẫn loay hoay chưa tìm được đầu ra ổn định…

 50 tấn trong tổng số 900 tấn RAT được tiêu thụ tại siêu thị là con số khá khiêm tốn Chưa đến được với NTD

Tại Bình Dương, theo số liệu thống kê, diện tích RAT có khoảng 48 ha (2011). Triển khai dự án “Xây dựng vùng sản xuất RAT tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2010-2012”, Chi cục BVTV tỉnh đã xây dựng mô hình trồng RAT ở xã Tân Định (Bến Cát) và thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) trên tổng diện tích 21 ha với 68 hộ. Tổng kết năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, hai điểm trồng RAT này đã cung cấp cho NTD trên 900 tấn rau các loại nhưng chỉ có 50 tấn rau là được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, một số lượng tiêu thụ còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Phú Giáo) với diện tích RAT là 20 ha được trồng theo công nghệ tưới và bón phân tự động với các loại rau sạch và cao cấp như dưa lưới, ớt chuông, bí Nhật, đậu bắp Nhật… đạt chất lượng thực hành tốt về nông nghiệp toàn cầu (Global Gap) và đã có những sản phẩm được “xuất xưởng”, có mặt tại các siêu thị lớn như Metro, Big C, CoopMart. Đơn vị này đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đến các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng đây là điều không phải người nông dân nào cũng làm được vì vốn đầu tư phải lớn và trình độ kỹ thuật phải cao.

Là Tổ trưởng tổ sản xuất RAT của thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên), anh Nguyễn Hữu Hiền luôn trăn trở: “5 ha rau ở Uyên Hưng trung bình mỗi ngày sản xuất được 1 tấn rau. Sau khi trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc BVTV, chất lượng, kích thước… rau được đưa vào siêu thị nhưng với số lượng khoảng 100kg/ngày, một con số quá ít”. Còn với ông N.V.B, nông dân phường Bình Chuẩn (TX.Thuận An) thì: “Mặc dù tôi tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của địa phương nhưng để trồng RAT còn băn khoăn lắm. Vì xét thấy, đưa hàng vào siêu thị sẽ an tâm hơn bởi sự ổn định, nhưng để làm ăn lâu dài là không dễ. Điều kiện mua bán của siêu thị khá gắt gao, đòi hỏi chất lượng cao, thanh toán sòng phẳng nhưng chậm hơn so với thương lái. Mình vốn làm ăn nhỏ lẻ trong khi lượng hàng siêu thị đòi hỏi phải luôn ổn định. Mang hàng ra chợ không đòi hỏi gì cả, tiền trao tay.”

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng RAT của NTD ngày càng tăng. “Báo chí cứ hô hào NTD phải thông thái nhưng thông thái thế nào được khi hàng ngày từng bữa ăn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, không phát hiện độc tố này thì phát hiện nguy cơ khác… Tôi thi thoảng có ra siêu thị nhưng thường mua đủ dùng cho 1 - 2 ngày thôi” - bà Mai Thị Đào (P.Đông Hòa, TX.Dĩ An) cho biết. Chị Lê Thị Thu (nhân viên kế toán, TP.TDM) chia sẻ: “Ra chợ, nhìn những mớ rau xanh mướt, mập mạp tôi cũng nghi ngờ chứ. Nhưng cả chợ bán một loại như vậy, không mua không được. Tôi sẵn sàng mua RAT với giá cao hơn loại rau kia. Nhưng rau phải có thương hiệu, chất lượng bảo đảm, nhãn mác bao bì đầy đủ và tốt nhất là nên tiêu thụ tại các chợ, chúng tôi có thói quen đi chợ nhiều hơn đi siêu thị”.

Tiêu thụ ngay tại địa bàn

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề rau không an toàn, ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Rau bị nhiễm khuẩn chủ yếu do nguồn nước tưới bị nhiễm khuẩn cao và sử dụng phân hữu cơ chưa ủ hoai mục, phân bón lá sử dụng các hóa chất kích thích và điều hòa sinh trưởng cây trồng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Vấn đề rau nhập khẩu từ các nước (trong đó có Trung Quốc) cần phải được kiểm tra nghiêm ngặt tại cửa khẩu về chất lượng trước khi cho đi vào thị trường tiêu thụ’’.

 RAT chỉ thực sự thành công khi áp dụng tiến bộ KHKT và tìm được đầu ra. (Trong ảnh: Mô hình rau thủy canh ở Thạnh Phước, Tân Uyên)

Mô hình RAT thành công và gần gũi với NTD ngay trên địa bàn phải kể đến vườn rau thủy canh theo hướng VietGAP tại Trang trại sản xuất rau Hồ Hải (Thạnh Phước, Tân Uyên). Nhờ được sự hỗ trợ về kỹ thuật mà trang trại sản xuất rau Hồ Hải đã mạnh dạn đầu tư và tự tìm kiếm đầu ra với nguồn thu từ mô hình này ước đạt 7 triệu đồng/tháng. Hay như thành công từ việc xây dựng thương hiệu của DNTN bưởi Thanh Thủy (Long Nguyên, Bến Cát) đã đưa sản phẩm không chỉ có thương hiệu trong nước và còn vươn ra xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Lê Hiếu Nhân, Chủ tịch Hội ND xã Thạnh Phước cho rằng để làm được những điều đó không phải dễ: “Người nông dân rất “ngán” đầu tư vào các mô hình sản xuất RAT do vốn nhiều mà đầu ra lại khó, với người thu nhập bình thường chưa thể đầu tư nổi’’. Hơn nữa, để rau vào được siêu thị phải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc BVTV, chất lượng, kích thước, bao bì, nhãn mác, giấy phép kinh doanh... mà nếu không có những người có trình độ hỗ trợ thì người nông dân cũng dễ dàng bỏ cuộc vì... nản chí.

Để hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho RAT, ông Bông cũng cho biết: ‘‘Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương và các tổ rau hướng dẫn đưa RAT ra siêu thị bằng cách đăng ký nhãn thương hiệu, bao bì, địa chỉ... để nông dân biết và làm quen đặt hàng, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, RAT cũng đưa vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối và bếp ăn tập thể nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong từng bữa ăn. Nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ và khuyến khích nông dân trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao’’. Phải khẳng định, tìm được đầu ra bảo đảm cho RAT của địa phương là một bài toán khó. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là sự chủ động của người nông dân khi tạo dựng thương hiệu bằng cách thực hiện bao bì, nhãn hiệu đầy đủ, vừa tránh nhiễm khuẩn trong quá trình di chuyển, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp, trách nhiệm và uy tín để tạo niềm tin cho NTD.

Hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm

Để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, ngày 25-8-2008 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg về việc Tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản qua hợp đồng. Theo đó, bổ sung và ban hành các chính sách mới có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; tích cực dồn điền đổi thửa, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ xây dựng hạ tầng, vốn, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu tập trung.

L.THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=311
Quay lên trên