Dường như ngày càng nhiều vụ học sinh đánh nhau, lột đồ, xé áo, cắt tóc bạn rồi quay video tung lên mạng một cách hả hê. Có người còn tận dụng cơ hội để hôi của, kiếm chác đủ đường trên hoạn nạn của người khác… Trước khi trách sự vô tâm ấy, cần nghiêm túc nhìn nhận lại cách định hướng giáo dục nhân cách một con người từ khi còn là đứa trẻ.
Chương trình “Bố ơi! mình đi đâu thế?” phiên bản Việt thu hút người xem ngay từ những tập đầu phát sóng, không chỉ bởi sự ngộ nghĩnh trẻ thơ mà còn nhờ cách dạy con nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy sâu sắc của các ông bố trẻ. Ở tập đầu, khi các cặp bố-con dọn về sống trong ngôi nhà vừa bốc thăm được, lúc đi ra vườn tìm thực phẩm, bé Tê Giác nhìn thấy đàn vịt và gợi ý ông bố Hoàng Bách giết thịt chúng. Ông bố hỏi: “Con có thấy tội nghiệp chúng không? Nhìn chúng đáng yêu không?”.
Cậu con trai ngộ nghĩnh lưỡng lự một lúc thì quyết định không giết vịt mà chuyển sang giết con gà mái. Lúc này ông bố lại tiếp tục hỏi: “Giết con gà mái thì làm sao chúng nuôi con được? Nhỡ mình giết nó rồi con nó cũng chết luôn thì sao?”. Cậu bé Tê Giác thấy bố nói rất đúng đã băn khoăn suy nghĩ rồi cũng tìm ra được giải pháp cực dễ thương: “Đúng rồi. Mình nuôi con gà mái, nó đẻ trứng cho mình ăn”. Người bố vui vẻ đồng ý: “Đúng rồi, chỉ ăn trứng gà thôi”.
Đó chỉ là một trong nhiều bài học nhỏ mà các bé học được trong show truyền hình thực tế. Thay vì bỏ mặc con chơi game, đọc truyện bạo lực hoặc xem phim hành động với các cảnh đâm chém máu me, gia đình nên để trẻ giao tiếp với xã hội và tìm hiểu cuộc sống xung quanh. Sự rung cảm đầu đời bắt nguồn từ việc trẻ biết thương yêu con vật, hiểu được những đau đớn, mất mát mà mình có thể vô tình hay cố ý gây ra cho chúng.
Gần đây chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác” với dự án “Sân khấu học đường về tê giác” đã thí điểm tại các trường tiểu học, trung học tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Chương trình dàn dựng các vở kịch lột tả chân thực sự đe dọa của con người đối với các loài vật quý hiếm, trong đó có tê giác.
Sau vở kịch luôn là phần tương tác của học sinh khi tham gia tranh luận, các em có thể viết tiếp câu chuyện, thay đổi đoạn kết và thậm chí còn nói lên nỗi đau thống thiết của các loài vật. Giáo dục, khơi gợi trẻ biết rung cảm ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ điều chỉnh hành vi, lối suy nghĩ, biết sống, yêu thương và quan tâm đến người khác. Tương tự những cảm xúc tích cực khác, sự rung cảm cũng cần được nuôi dưỡng và định hướng.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến đứa em họ bé nhỏ mười năm trước. Tôi chở em đi học qua đoạn chợ cóc ngay đầu phố, em ngồi sau xe lặng im quan sát. Bỗng em níu áo tôi dừng lại, moi từ trong cặp tiền ăn sáng chạy lại đưa hai tay biếu bà cụ ăn xin ngồi góc chợ. Đi một đoạn xa mà hình ảnh cụ bà vẫn chưa thôi ám ảnh em. Em dựa vào lưng tôi hỏi nhỏ: “Chị ơi, con cháu cụ bà đi đâu hết mà để cụ sống một mình như vậy? Như thế là hư phải không chị?”. Cô bé mười tuổi năm nào giờ đã là thiếu nữ đôi mươi. Những rung cảm tốt đẹp đầu đời đã giúp tâm hồn em tràn đầy tình yêu thương, lòng nhân hậu.
Sự rung cảm là khởi nguồn của lòng trắc ẩn, bác ái, đồng thời cũng là nền tảng hình thành ý thức sống trách nhiệm trong mỗi con người. Dạy trẻ biết rung cảm không chỉ là trách nhiệm của gia đình. Hãy lắng nghe để thấu hiểu và giúp trẻ bày tỏ thái độ. Hãy tạo cho trẻ môi trường sống yêu thương, thân thiện; tổ chức các hoạt động ngoại khóa để trẻ có cơ hội trải nghiệm những cảm xúc tích cực. Hãy dẫn dắt trẻ đi trên con đường tràn ngập yêu thương của tình thân, bè bạn. Người lớn cần dạy trẻ biết nhìn nhận, cảm thông và bao dung trước lỗi lầm của người khác.
Theo PNO