Niềm vui của mẹ
Ngày chúng tôi đến thăm, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hít rơm rớm nước mắt nói: “Sắp đến ngày 27-7 rồi hả? Các con mẹ lại thêm 1 “tuổi” mới rồi sao. Để kêu con ba, thằng tư dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón mấy anh nó về”. “Mẹ Nguyễn Thị Hít có 2 người con là liệt sĩ. Thời gian gần đây, sức khỏe mẹ yếu nhiều. Tai mẹ bị điếc nặng, mẹ cũng không còn ngồi xe lăn được nữa… Nhưng những ký ức về 2 người con đã hy sinh mẹ nhớ rất rõ. Cứ mỗi lần có đoàn đến thăm là y như rằng mẹ lại khóc, mẹ lại nhớ con… và giọt nước mắt cứ lăn dài, lăn dài cho đến khi đoàn người đến thăm mẹ xa dần”, bà Nguyễn Thị Chính, con gái của mẹ Hít cho biết.
Mẹ Nguyễn Thị Năm có con là liệt sĩ mất ở chiến trường biên giới Campuchia ngậm ngùi khi tâm sự với chúng tôi: “Nó chết hồi chiến tranh biên giới năm 1979. Tôi cũng biết con hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng với người làm cha, làm mẹ thì làm sao quên được. Mỗi năm vào dịp này, tôi lại nghĩ đến nó, thương nó. Bù đắp cho sự mất mát đó, tôi cũng nhận được sự quan tâm rất nhiều của chính quyền địa phương. Cứ mỗi dịp lễ tết họ lại đến thăm, an ủi, động viên tôi cố gắng sống vui, sống khỏe để dạy dỗ con cháu, làm gương cho con cháu”.
Chung tay chăm lo gia đình chính sách
Theo lời kể của người dân địa phương, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Tương Bình Hiệp là một địa bàn bị địch càn quét vô cùng ác liệt. Địch càn quét để tiêu diệt lực lượng cách mạng bởi đây chính là khu đệm để chúng tiến đánh vùng “Tam giác sắt”- nơi mà lực lượng kháng chiến của miền Nam xây dựng thành một trong những cứ địa anh hùng. Thêm vào đó, Tương Bình Hiệp đất không rộng, địa hình lại trống trải và không liên hoàn nên phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Tương Bình Hiệp được xem là nơi thử thách của cách mạng. Trước sức ép đó, hàng ngày, hàng giờ, du kích và quần chúng nhân dân đã kiên cường bám trụ, biến từng vàm sông, khe suối, gốc cây, ụ đất thành chiến hào chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Vì vậy sau giải phóng, Tương Bình Hiệp có rất nhiều gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng.
Trong 2 cuộc kháng chiến, Tương Bình Hiệp có 1.224 người con tham gia kháng chiến; trong đó có 323 liệt sĩ. Toàn xã có 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 304 gia đình liệt sĩ, 66 gia đình có công với cách mạng, 19 thương bình và 6 bệnh binh. Hiện tại, xã chỉ còn 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 64 gia đình chính sách, có công cách mạng. Trong đó có 15 hộ khó khăn cần hỗ trợ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tương Bình Hiệp, cho biết: “Ý thức được ý nghĩa của công tác đền ơn đáp nghĩa nên thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã luôn quan tâm chăm lo đối tượng, gia đình chính sách. Với mục tiêu bảo đảm gia đình chính sách, người có công với nước có mức sống trung bình bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở cùng địa phương nơi cư trú, xã luôn tạo mọi nguồn lực hỗ trợ cho họ. Đối với những hộ gia đình chính sách khó khăn, xã xét hỗ trợ vốn khi họ cần vốn để sản xuất, kinh doanh; giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp và cấp trang thiết bị nội thất cần thiết”.
Điều đáng mừng là đến nay, toàn xã đã cơ bản hoàn thành việc xây nhà tình nghĩa, hiện chỉ có nhu cầu sửa chữa do lâu ngày bị xuống cấp. Song song đó, mỗi dịp lễ tết, xã đều vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để thăm, tặng quà cho gia đình chính sách. Điều này thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ đến những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống ấm no hôm nay.
THU THẢO