Bình Dương là một trong những địa phương có mức độ công nghiệp hóa cao của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Năm 2018, khu vực công nghiệp chiếm 63% GRDP của tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá, nguy cơ phát sinh tác động xấu từ phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn hiện diện do hiện trạng phát triển của các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu - cụm công nghiệp tập trung. Chính vì vậy, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp vào các khu - cụm công nghiệp quy mô lớn được đánh giá sẽ có những tác động tích cực, lâu dài tới quy hoạch đô thị, công nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Tác động tích cực đến phát triển công nghiệp, đô thị
Hiện nay, chủ trương của tỉnh là không khuyến khích, tiến tới hạn chế việc xem xét đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp, nhất là ở khu vực phía Nam của tỉnh. Hiện vẫn còn khoảng trên 1.000 DN sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu - cụm công nghiệp, phân bố rải rác ở các địa phương phía Nam của tỉnh, chưa phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp. Tỉnh đang triển khai kế hoạch di dời các DN nằm ngoài khu-cụm công nghiệp nhằm phục vụ chỉnh trang đô thị, kiểm soát các nguồn phát thải ô nhiễm trên địa bàn.
Theo đánh giá, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các DN sản xuất công nghiệp vào các khu - cụm công nghiệp quy mô lớn sẽ góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị tại 5 khu vực phát triển đô thị quan trọng nhất của tỉnh, gồm TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên và Bến Cát theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại. Bên cạnh đó, chương trình góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tập trung theo hướng tái cơ cấu và tái cấu trúc các ngành công nghiệp, phát huy tối đa hiệu quả của các khu - cụm công nghiệp cũng như của các DN sản xuất công nghiệp nằm trong các khu - cụm công nghiệp, bảo đảm khả năng thích ứng cao với thị trường và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các khu - cụm công nghiệp, DN sản xuất công nghiệp. Chương trình cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dài hạn như tăng trưởng kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, gắn kết với cải thiện chất lượng đời sống văn hóa - xã hội, lao động, dân sinh, xóa đói giảm nghèo và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Việc di dời các DN sản xuất công nghiệp ngoài khu - cụm công nghiệp được đánh giá góp phần phát triển công nghiệp, đô thị Bình Dương đúng hướng. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của một DN hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp ở TX.Thuận An. Ảnh: VĂN TIẾN
Tuy vậy, ghi nhận cho thấy, các DN chuyển đổi công năng, di dời vào khu - cụm công nghiệp đang gặp khó khăn về vốn đầu tư cho việc di dời và tái đầu tư sản xuất, việc thay thế, chuyển đổi công nghệ trong chuyển đổi công năng tại chỗ… Chính vì thế, hiện nhiều các chủ DN sản xuất công nghiệp chưa thực hiện theo chủ trương của tỉnh. Bên cạnh đó, các DN nằm rải rác, xen lẫn trong khu đô thị sẽ bị hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, gồm cả các dịch vụ điện tử hành chính công, bưu chính, viễn thông, gây khó khăn, lãng phí khi các nhà mạng viễn thông cung cấp dịch vụ cho các DN này. Do vậy, nhiều chủ DN cho rằng họ cần được di dời vào các khu - cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả, có hệ thống mạng viễn thông hoàn chỉnh, thuận lợi cho tiếp cận và sử dụng dịch vụ.
Bảo đảm hiệu quả thu hút đầu tư
Trong những năm qua, Bình Dương chú trọng xây dựng và phát triển mô hình dịch vụ thu hút đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp, với hệ thống các cơ chế, chính sách ngày càng hoàn chỉnh, đầy đủ, mang tính chất rất cởi mở, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, Bình Dương được đánh giá là địa phương thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang nỗ lực cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn kịp thời trong giải quyết các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, xây dựng, cấp phép môi trường… phát triển nhanh chóng thị trường cung cấp tài chính, vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm… từ đó bảo đảm hiệu quả và chất lượng công tác đầu tư cũng như hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các DN đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Bình Dương có sự nỗ lực lớn trong phát triển hệ thống dịch vụ DN và các khu - cụm công nghiệp tập trung...
Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ các DN sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu - cụm công nghiệp nhằm chuyển đổi công năng và di dời vào các khu - cụm công nghiệp trong giai đoạn 2019-2030, gắn kết với thực hiện vận động các DN này theo Quyết định số 1084/2017/ QĐ-UBND của UBND tỉnh về đổi mới thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các DN nằm ngoài khu - cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu - cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương” đề xuất: Đối với nhóm các DN sản xuất công nghiệp phải di dời vào các khu - cụm công nghiệp (ước tính sơ bộ tổng số nhóm 1 là 1.305/2.525 DN) có thể xác định các biện pháp cụ thể hóa cơ chế và chính sách cần thiết phải áp dụng trên cở sở xây dựng, phân tích và lựa chọn phương án hỗ trợ, đổi mới thu hút đầu tư tốt nhất. Đối với các DN chuyển đổi công năng tại chỗ (chuyển đổi ngành nghề, thay đổi công nghệ - nhóm 2) ước tính sơ bộ có tổng số 1.220/2.525 DN sẽ áp dụng cơ chế và chính sách hỗ trợ chuyển đổi công năng chung xác định theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đồng thời có thể áp dụng bổ sung chính sách đổi mới thu hút đầu tư nếu như DN loại này cũng có nhu cầu tự nguyện di dời vào khu - cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, các DN sản xuất công nghiệp chuyển đổi công năng, di dời, phải xác định rõ trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chương trình hỗ trợ chuyển đổi công năng, di dời, đồng thời chủ động tìm kiếm khả năng khả thi cho tái đầu tư phát triển sản xuất và tổ chức thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi công năng, di dời vào các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các DN sản xuất công nghiệp chuyển đổi công năng, di dời phải xác định rõ trách nhiệm tham gia nghiêm túc hoạt động quản lý, điều phối, tổ chức hợp tác thực hiện chính sách hỗ trợ, tìm kiếm và thống nhất nhu cầu tiếp nhận, kết nối nhu cầu di dời, đổi mới và nâng cấp công nghệ, tái đầu tư sản xuất mới của các cơ quan quản lý chức năng…
Hiện nay, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn, chiếm trên 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp (không tính hộ cá thể) trên địa bàn tỉnh; phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Đa phần các cơ sở này đều được xây dựng và đi vào hoạt động từ trước khi có các khu - cụm công nghiệp tập trung, do đó phân bố không theo quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp, nằm xen lẫn trong các khu dân cư, khu đô thị. Phần lớn các cơ sở này thiếu hụt các nguồn lực cần thiết để xử lý chất thải, bảo đảm chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người dân... và gây khó khăn trong việc quy hoạch phát triển các đô thị lớn của tỉnh. |
PHƯƠNG LÊ