Ngày 3-6, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1481/QĐ-UBND về việc phê duyệt mức hỗ trợ công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, sẽ hỗ trợ kịp thời một phần những khó khăn của người chăn nuôi trong tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi đang có diễn biến phức tạp và người trực tiếp tham gia tiêu hủy heo bệnh, tạo điều kiện để công tác chống bệnh dịch đạt hiệu quả. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đội kiểm tra liên ngành tỉnh tăng cường kiểm tra heo nhập vào địa bàn tỉnh Ảnh: TIỂU MY
- Thưa ông, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt mức hỗ trợ công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Xin ông cho biết vài nét về quyết định này?
- Ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1481/QĐ- UBND ngày 3-6-2019 về việc phê duyệt mức hỗ trợ công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Quyết định này quy định về việc hỗ trợ trực tiếp cho chủ vật nuôi có heo mắc bệnh, heo chết do bệnh, heo nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống bệnh dịch động vật.
Việc hỗ trợ này sẽ hỗ trợ kịp thời những khó khăn của người chăn nuôi trong tình hình bệnh dịch đang có diễn biến phức tạp và người trực tiếp tham gia tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh.
- Cụ thể, mức hỗ trợ được quy định như thế nào đối với người chăn nuôi và người làm công tác tiêu hủy khi có dịch bệnh, thưa ông?
- Quyết định này dành cho 2 đối tượng với từng mức, cụ thể: Thứ nhất, với chủ vật nuôi có heo mắc bệnh, heo chết do bệnh, heo nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống bệnh dịch động vật thì sẽ có 7 mức: Đối với heo con theo mẹ (dưới 7kg) hỗ trợ 300.000 đồng/con; đối với heo con cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi (từ 8 - 20kg) hỗ trợ 500.000 đồng/con; đối với heo thịt từ 2 đến dưới 3 tháng tuổi (từ 21 - 35kg) hỗ trợ 1.000.000 đồng/con; đối với heo thịt từ 2 đến dưới 3 tháng tuổi (từ 36 - 50kg) hỗ trợ 1.400.000 đồng/ con; đối với heo thịt từ 3 đến dưới 4 tháng tuổi (từ 51 - 79kg) hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; đối với heo thịt, heo giống hậu bị từ 4 tháng tuổi (từ 80kg trở lên) hỗ trợ 3.000.000 đồng/con; đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác hỗ trợ 4.500.000 đồng/con
Thứ hai, theo quyết định này, tỉnh sẽ hỗ trợ cho những người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy heo 380.000 đồng/người/ngày (190.000 người/buổi); những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hưởng lương làm thêm giờ theo quy định hiện hành. Ngoài ra, các chi phí phòng chống dịch khác thực hiện theo văn bản hiện hành.
- Xin ông cho biết, cơ sở để tính toán mức hỗ trợ này là gì? Và tại sao Bình Dương không hỗ trợ theo giá chung là 38.000 đồng/kg như từ đầu đối với heo bị bệnh phải tiêu hủy?
- Theo Nghị quyết số 16/ NQ-CP của Chính phủ quy định thì giá hỗ trợ sẽ bằng 80% giá của thị trường; giá thị trường hiện nay dao động từ 33.000 - 35.000 đồng/kg. Nếu chúng ta áp dụng theo nghị quyết này thì mức giá hỗ trợ sẽ thấp.
Trong khi đó, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức giá hỗ trợ là 38.000 đồng/kg hiện nay sẽ cao hơn giá thị trường. Điều này sẽ có thể dẫn đến hiện tượng hộ chăn nuôi heo cho rằng đã có Nhà nước hỗ trợ nên lơ là trong công tác phòng chống dịch; chưa kể những hộ trong vùng dịch bệnh sẽ khai báo heo bị bệnh để được tiêu hủy và hỗ trợ. Như vậy sẽ gây khó khăn trong công tác chống bệnh dịch và nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc cân heo theo kg mất rất nhiều nhân lực trong quá trình xử lý tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi, nên chúng tôi tham mưu hỗ trợ theo con với 7 mức như trên.
Trên cơ sở tính toán chi phí con giống, chi phí chăn nuôi và tham khảo chính sách từ các tỉnh lân cận, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh mức giá hỗ trợ này. Với mức giá này vẫn bảo đảm cho người chăn nuôi tái đầu tư sau dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khống chế dịch.
- Thưa ông, với mức hỗ trợ này, ngành nông nghiệp có dự lường được việc nhiều hộ có heo bị nhiễm bệnh nhưng không khai báo và đem bán ra thị trường tiêu thụ, nhất là trong điều kiện giá thịt heo đang tăng. Hiện nay, đây là điều mà người tiêu dùng đang lo sợ?
- Tôi cho rằng, việc hỗ trợ trong điều kiện có bệnh dịch là việc Nhà nước quan tâm kịp thời đến người chăn nuôi. Và hơn ai hết, người chăn nuôi phải hiểu và ý thức rất rõ để cùng với các ngành chức năng chung tay phòng chống bệnh dịch lây nhiễm rộng. Hơn thế nữa, như tôi đã nói từ đầu, khi nghiên cứu mức giá hỗ trợ, bộ phận chuyên môn đã tính toán rất kỹ giá cả vừa bảo đảm không lãng phí nguồn ngân sách, vừa hỗ trợ sát với thiệt hại của người chăn nuôi. Nhân đây tôi cũng xin gửi gắm đến người chăn nuôi rằng việc khó khăn khi xảy ra dịch bệnh là điều không ai muốn. Người chăn nuôi cần ý thức cao trong việc phòng chống bệnh dịch, đồng hành cùng ngành chức năng, địa phương trong việc chống bệnh dịch, dập bệnh dịch vì một ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Việc lo sợ heo bị bệnh dịch được đem ra thị trường tiêu thụ hiện nay là rất khó xảy ra, bởi toàn hệ thống chính trị, ngành chức năng đã và đang vào cuộc quyết liệt trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường. Hiện nay, tại các địa phương, lực lượng công an, quản lý thị trường, chăn nuôi vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động giết mổ, tiêu thụ heo chết, heo bệnh. Đây là điều mà người tiêu dùng an tâm trong việc sử dụng thịt heo tại các cơ sở mua bán uy tín, có kiểm tra, kiểm soát; không nên quay lưng với thịt heo.
- Hiện tình hình giải ngân để hỗ trợ tại các địa phương được thực hiện như thế nào để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi? Ngoài ra, ngành nông nghiệp có thêm chính sách gì để hỗ trợ người chăn nuôi, thưa ông?
- Lực lượng thú y địa phương đã và đang sát cánh cùng người chăn nuôi trong công tác chống, dập bệnh dịch. Ngành thú y hướng dẫn bà con phương án chống bệnh dịch và các mầm bệnh, cách xử lý khi heo có dấu hiệu nhiễm bệnh. Hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, ngành thú y hỗ trợ bà con vùng có bệnh dịch xét nghiệm đàn heo không nhiễm bệnh và cho xuất đàn. Mẫu xét nghiệm được gửi tại Cục Thú y vùng 6 trong vòng 6 giờ đồng hồ. Đây là phương án nhằm hỗ trợ hài hòa lợi ích của người chăn nuôi và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Về vấn đề giải ngân, các địa phương đã chủ động dự trù kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi. Trong trường hợp khẩn cấp thì địa phương sẽ báo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sở trình UBND tỉnh cho ý kiến. Hiện nay, huyện Phú Giáo đã và đang giải ngân đợt 1 hỗ trợ cho người chăn nuôi.
- Xin cảm ơn ông!
TIỂU MY (thực hiện)