Di dời doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp lên phía Bắc: Cuộc cách mạng trên đường phát triển- Kỳ 2

Cập nhật: 02-03-2023 | 08:57:58

Kỳ 2: Lấy sự hài hòa, bền vững làm trọng tâm

Bình Dương đã và đang triển khai cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất công nghiệp dồi dào cùng những chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Các địa phương phía nam cũng gấp rút đưa vào quy hoạch các khu vực di dời, tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi, phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường.

Cơ hội mới

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết chủ trương di dời công nghiệp về phía bắc của tỉnh cũng là cơ hội để DN phát triển bền vững trong tương lai. Sở Kế hoạch và Đầu tư mong DN đồng tình với chủ trương của tỉnh. Thời gian tới, các ngành cần tổ chức thêm nhiều buổi gặp gỡ để lấy ý kiến, thông tin rộng rãi các chính sách của tỉnh đối với những DN bị ảnh hưởng để họ an tâm.

Ông Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh, quy hoạch của tỉnh đang tích hợp với quy hoạch của các huyện, thị, thành phố để định hướng Bình Dương phát triển bền vững, hài hòa trong khu vực và cả nước. Hiện tại, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng đang được triển khai xây dựng, đặc biệt là đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp/ cụm công nghiệp (KCN/CCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu thuê đất của DN.

Các địa phương phía nam quy hoạch phát triển các ngành nghề thương mại - dịch vụ chất lượng cao, trong đó có logistics. Trong ảnh: Kho hàng của DN logistics trên địa bàn TP.Dĩ An

Các địa phương phía bắc như Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên đang đặt mục tiêu trở thành thủ phủ công nghiệp mới của tỉnh. Thời gian qua, huyện Bàu Bàng đã tập trung đầu tư cho hệ thống giao thông, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các vùng, khu vực để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết địa phương rất quan tâm đến việc thỏa mãn các điều kiện phát triển sản xuất của nhà đầu tư, cũng như đời sống người lao động.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, huyện Bàu Bàng đã nhanh chóng hình thành các KCN có quy mô lớn như KCN - Đô thị Bàu Bàng có diện tích hơn 2.000 ha, Tân Bình 352 ha (với phần diện tích thuộc huyện Bàu Bàng hơn 95 ha). Ngoài các tuyến giao thông huyết mạch như QL.13, Mỹ Phước - Bàu Bàng, ĐT750, ĐT749A, ĐT749C, Đ741B, các tuyến đường huyện đều được bê tông, nhựa hóa 100%. Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục, y tế được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo chuẩn quốc gia. Bàu Bàng cũng đang đầu tư xây dựng các KCN Cây Trường rộng 700 ha, Lai Hưng 600 ha. Tân Bình đang định hướng mở rộng thêm 1.055 ha, về hướng huyện Bàu Bàng.

Các địa phương như Thuận An, Dĩ An đã có bước chuẩn bị khá rõ ràng cho lộ trình phía trước. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết trên tinh thần sẽ hỗ trợ hết mình, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thay đổi công năng, phát huy giá trị của tài sản đất đai mà DN sở hữu. Với định hướng phát triển Thuận An trở thành thành phố thương mại - dịch vụ chất lượng cao, trong quy hoạch giai đoạn mới, địa phương chú trọng đưa vào quy hoạch các khu sản xuất hiện hữu của DN theo đúng tầm nhìn và định hướng phát triển, bảo đảm lợi ích, nâng cao giá trị tài sản mà DN hiện có”.

Thí điểm thực hiện

Hiện nay, TP.Thuận An đã tiên phong trong công tác thí điểm di dời các DN lên KCN/ CCN phía bắc. Ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết từ tháng 9-2022, UBND thành phố đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN nằm ngoài KCN/CCN ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN/CCN tỉnh Bình Dương”.

“Đến nay, UBND thành phố đã rà soát, tổng hợp danh sách 1.051 DN hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, gia công, in ấn... nằm ngoài các KCN/CCN trên địa bàn. UBND thành phố đã và đang từng bước phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ. Dự kiến năm 2023 sẽ di dời thí điểm một số DN lên các KCN/ CCN phía bắc của tỉnh”, ông Nguyễn Thành Úy chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cũng cho biết địa phương đang gấp rút chuẩn bị cho lộ trình di dời. Theo đó, trên địa bàn Dĩ An có 350 DN thuộc diện phải di dời. Thông qua tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng cho thấy DN rất thấu hiểu chủ trương của tỉnh, thấy được sự cấp bách của việc di dời để phát triển không gian đô thị Dĩ An trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, các DN đang mong chờ các tiêu chí, chính sách cụ thể để thực hiện theo đúng lộ trình.

“Trong việc xây dựng quy hoạch TP.Dĩ An giai đoạn mới, địa phương hết sức chú trọng đến việc tạo điều kiện cho các DN thuộc diện di dời chuyển đổi công năng theo định hướng phát triển địa phương, cụ thể là phát triển các loại hình thương mại chất lượng cao. Mới đây, TP.Dĩ An cũng đã họp với Sở Công thương để thống nhất một số địa điểm phát triển ngành nghề logistics trong giai đoạn mới, phát huy lợi thế vị trí địa lý của địa phương”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm. 

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh: “Để bảo đảm tính bền vững và khả thi trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang thực hiện di dời và tái bố trí các DN sản xuất vào các khu vực quy hoạch để mở rộng không gian phát triển; thiết lập hệ sinh thái các khu, cụm chuyên ngành, tránh các vùng đô thị tập trung và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường”.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1004
Quay lên trên