Đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Cập nhật: 14-06-2011 | 00:00:00

Bài 1: Hành động

Năm nay vừa tròn 50 năm ngày quân đội Mỹ lần đầu tiên rải chất độc da cam (CĐDC) xuống Việt Nam. Hàng triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi loại thuốc diệt cỏ chết người này đang ngày đêm vật lộn với bệnh tật và đau đớn hơn khi công lý cho họ vẫn chưa được thực thi. Trong khi cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu luật luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân da cam thì những người chủ mưu, những kẻ sản xuất loại chất độc này vẫn tiếp tục chối bỏ trách nhiệm và tội ác của mình. Báo Sài Gòn Giải Phóng vừa nhận được bài viết của ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt kêu gọi phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để giành công lý cho nạn nhân CĐDC ở Việt Nam.

Ngày 10-8-1961, ngày bắt đầu một sự kiện kéo dài đến 10 năm, rồi sau đó để lại một tấn thảm kịch chưa có hồi kết. 50 năm trôi qua, người dân Việt Nam và đông đảo bạn bè trên khắp thế giới không thể nào quên và đang hướng sự chú ý về lễ tưởng niệm sự kiện đặc biệt này.

Ngày định mệnh và những hậu quả kinh hoàng

Vào cái ngày định mệnh đó, khi những chiếc máy bay đầu tiên cất cánh từ các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam chất đầy CĐDC, và bắt đầu rải thứ chất độc giết người xuống các cánh rừng, không một ai trong số các phi công biết rằng họ đang thực hiện một nhiệm vụ sẽ dẫn đến cái chết của hàng ngàn bào thai vô tội. Hàng ngàn trẻ em vô tội khác cũng từ giã cõi đời chỉ vài tuần hoặc vài năm sau khi sinh ra. Quyền con người, một đặc quyền mà các em không được tận hưởng suốt thời niên thiếu.

Việc sử dụng CĐDC/dioxin đã để lại những hậu quả nặng nề trong nhiều năm. Những cánh rừng bạt ngàn bị tàn phá. Môi trường sống các loài động vật cũng bị tiêu diệt. Những người dân sống xung quanh khu vực Mỹ rải hóa chất vô tình trở thành nạn nhân của chất hóa học giết người. Khi việc rải CĐDC tiếp tục diễn ra trong 10 năm tiếp theo, những mảnh đất bị nhiễm độc đã “lây” độc cho các loại cây lương thực. Sông ngòi cũng không thoát khỏi thảm cảnh tương tự. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho một sự thật kinh hoàng: những trẻ em sinh ra với di tật trên cơ thể, vẫn sống nhưng ốm đau triền miên, dị dạng và rồi chết yểu. Lần đầu sang Việt Nam vào tháng 3-1989, tôi đã thăm làng Hòa Bình thuộc Bệnh viện Từ Dũ, nơi cất giữ hàng trăm bào thai chết trong bụng mẹ qua đời sau khi sinh ra ít lâu. Tôi cũng gặp những đứa trẻ tật nguyền hồ hởi khi có khách đến thăm. Những hình ảnh đó luôn hằn sâu trong tâm trí tôi. Được gặp gỡ các em là hạnh phúc của đời tôi. Được ôm các em trong vòng tay là khoảnh khắc thật quý giá.

Mặc dù CĐDC được rải ở miền Nam Việt Nam nhưng tác hại của nó hiện diện ở mọi miền của dải đất hình chữ S. Những người phơi nhiễm CĐDC trở về nhà cưới vợ, sinh con và vô tình chuyển thứ chất độc giết người sang con cái của họ. Ở một vùng quê miền Bắc, tôi đã gặp 3 thế hệ của một gia đình. Người cha tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, sinh ra một người con trai bị dị tật ở chân. Đến lượt người con trai lấy vợ, lại sinh ra một cậu bé không có chân. Tất cả đều do CĐDC. Có rất nhiều những gia đình như thế ở Việt Nam và con số này vẫn không ngừng tăng lên.

Những nạn nhân đủ mọi lứa tuổi luôn cần sự giúp đỡ và hỗ trợ. Không một ai được thấy, được tiếp xúc, trò chuyện với các nạn nhân khi ra về có thể quên được họ. Tuy nhiên, nỗi đau không chỉ dành riêng cho các nạn nhân. Chúng ta không thể và không được phép quên những người cha, người mẹ, những người đã phải dành cả cuộc đời để chăm lo cho những đứa con của họ. Thời kỳ chiến tranh, sân bay Biên Hòa, Đồng Nai là nơi tập kết các máy bay Mỹ chở CĐDC cất cánh. Hàng ngàn người dân ở đây đã bị phơi nhiễm CĐDC, trong khi khu vực xung quanh sân bay đến nay vẫn nhiễm CĐDC nặng nề.

Tôi đã gặp một gia đình gồm một người mẹ và 2 cô con gái phải hứng chịu nỗi đau da cam ở Đồng Nai. Những cô gái này không thể đi lại, ăn uống nếu không có sự giúp đỡ của người mẹ. Và chắc chắn sẽ có câu hỏi các cô ấy bao nhiêu tuổi rồi? Xin thưa: một cô 42 tuổi và người còn lại tuổi 36. Hãy thử hình dung một người mẹ đã phải trông nom các con của mình trong suốt 42 năm không ngơi nghỉ! Những trường hợp như vậy không hề hiếm ở Việt Nam khi số người nhiễm CĐDC lên đến hàng triệu.

Chờ câu trả lời trách nhiệm

Ở các vùng khác nhau tại Việt Nam, tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh những người cha, người mẹ có con phơi nhiễm CĐDC. Cuộc sống của họ vô cùng cơ cực. Đã rất nhiều lần những người cha, người mẹ và thậm chí cả những người ông, người bà có con cháu bị nhiễm CĐDC hỏi tôi rằng: “Bọn nhỏ sẽ ra sao khi chúng tôi không còn ở trên đời?”.

Tôi không biết trả lời sao cả. Tôi đã chuyển câu hỏi này cho rất nhiều đời các tổng thống Mỹ, từ ông Bill Clinton cho đến ông Barack Obama. Không một ai trong số họ hồi âm. Tôi cũng đã gửi thư cho những người đứng đầu của một số công ty trong tổng số 37 công ty hóa chất Mỹ là Monsanto hay Dow Chemical. Hồi đáp của họ rất rõ ràng. Họ từ chối trách nhiệm và xin lỗi vì phải làm theo lệnh Chính phủ Mỹ. Kiểu xin lỗi này không khác gì Đức quốc xã đã từng dùng trong thế chiến thứ hai và bị các thẩm phán của phiên tòa Nuremberg bác bỏ thẳng thừng.

Trong một lần ở Hà Nội, tôi hỏi một đại sứ Mỹ về CĐDC, về những hậu quả gây ra cho người Việt Nam và cả những người Mỹ phơi nhiễm CĐDC. Nhưng câu trả lời của ông đại sứ mới đáng ngạc nhiên: “Không, đó không phải do CĐDC. Những người lính của chúng tôi bị thương khi chiến đấu và chúng tôi phải có nghĩa vụ chăm sóc họ”.

Mấy năm trước, tôi được biết cả Monsanto và Dow Chemical đều có văn phòng tại TPHCM. Tôi đã gửi một lá thư đến giám đốc văn phòng đại diện Monsanto tại TP đề nghị một cuộc gặp và để cùng ông ta đến thăm làng Hòa Bình. Ông ta cho biết không thể có mặt tại TP vào thời điểm tôi đến. Lần đến thăm Dow Chemical vài năm sau cũng có một kết quả tương tự. Tôi được một trong những người thư ký tiếp đón và từ chối không trả lời bất kỳ thông tin nào.

Trong 50 năm qua, rất nhiều hoạt động ủng hộ các nạn nhân CĐDC Việt Nam đã diễn ra, trong đó có vụ kiện mà Tòa án tối cao Mỹ bác bỏ. Các hội thảo công khai nơi những nạn nhân CĐDC Việt Nam được nói lên suy nghĩ của mình. Các đơn thỉnh nguyện bằng văn bản hay trên mạng với hàng triệu người ủng hộ. CĐDC tại Việt Nam cũng được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội Mỹ, trong khi các buổi hòa nhạc và nhiều hoạt động ủng hộ khác vẫn tiếp tục được thực hiện cho đến hôm nay.

Nhưng thật buồn khi công cuộc đòi công lý cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam chưa đạt được nhiều bước tiến. Từ chính quyền Tổng thống Nixon đến Obama và các công ty hóa chất Mỹ đều phủ nhận trách nhiệm và không chấp nhận bồi thường cho các nạn nhân CĐDC cùng gia đình của họ. Hàng loạt các tuyên bố ủng hộ nạn nhân CĐDC Việt Nam đã được các đại biểu dân cử Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, chúng không có thực chất. Lúc nào họ cũng nói đến nhân quyền nhưng lại cố tình làm ngơ quyền con người, quyền của những đứa trẻ lẽ ra phải được hưởng.

Nhóm đối thoại Việt - Mỹ (DG) đã được thành lập vài năm trước đây với mục đích đi tìm câu trả lời cho vấn đề CĐDC, những ảnh hưởng của nó đối với con người và môi trường ở Việt Nam. Sau nhiều năm đối thoại, một kế hoạch trị giá 300 triệu USD (trong 10 năm) để giải quyết vấn đề da cam Việt Nam đã được đưa ra. Tuy nhiên, kế hoạch này khiến tôi rất băn khoăn. Thứ nhất, 30 triệu USD/năm là không đủ, thậm chí chỉ dành riêng cho việc làm sạch các điểm nóng dioxin tại Việt Nam.

Một báo cáo của DG cho biết các thùng hóa chất dioxin đã được thu gom, ngoại trừ những thùng đã bị rò rỉ và chôn vùi. Vậy số lượng rò rỉ là bao nhiêu và đã chôn những thùng hóa chất đó ở đâu? Những thùng hóa chất đó như quả bom hẹn giờ chờ phát nổ. Họ cần phải tìm cho ra và xử lý chúng, đất đai cần phải được tẩy độc.

30 triệu USD/năm cũng quá ít ỏi để chữa trị cho hàng triệu người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của CĐDC. Rồi những bù đắp cho thân nhân của các nạn nhân khi họ phải hy sinh tất cả thời gian để chăm sóc người thân của mình, không thể làm việc gì khác để tăng thêm thu nhập cũng như cống hiến cho cộng đồng. Tôi cần phải nhắc lại số tiền 30 triệu USD/năm là không đủ khi con số người nhiễm CĐDC lên tới hàng triệu người.

 

Tôi xin chuyển sang một khía cạnh khác, điều tôi cho rằng khá nhạy cảm. Bắt đầu từ năm 1989, năm nào tôi cũng sang Việt Nam. Những năm tháng đó mang đến cho tôi rất nhiều những người bạn ở nhiều cấp khác nhau. Tôi hy vọng rằng, những người bạn đó chấp nhận và hiểu rằng những điều tôi viết ra đây đều vì mối quan hệ bạn bè đã xây dựng trong thời gian đã qua.

Theo tôi, cần phải có một cách nghĩ mới nếu chúng ta thật sự muốn tìm kiếm công lý cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam. Tôi xin gợi ý rằng chúng ta cần tổ chức một hội thảo quốc tế để thảo luận những gì cần làm để mang công lý về cho các nạn nhân của Việt Nam. Tôi cũng xin đề xuất rằng cần phải kêu gọi một lệnh cấm quốc tế đối với tất cả các sản phẩm của Monsanto.

Nhân dịp 50 năm đánh dấu ngày CĐDC lần đầu tiên rải xuống Việt Nam, chúng ta hãy cùng tưởng nhớ về hàng trăm ngàn người đã chết vì CĐDC. Hãy nhớ đến hàng triệu người còn đang ở lại với chúng ta, những người mà chúng ta đang đi đòi công lý cho họ. Hãy ghi nhớ về những đứa trẻ chưa được sinh ra và những người sẽ tiếp tục gánh chịu những hậu quả của CĐDC.

Thưa các bạn, thời gian đối thoại đã hết và đây là lúc phải hành động với quy mô trên toàn thế giới.

Tôi đã từng nói tôi rất không hài lòng khi thấy tại TPHCM xuất hiện các văn phòng đại diện của Monsanto và Dow Chemical. Bất kỳ ai đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân CĐDC đều biết rằng những công ty này đã sản xuất ra thứ hóa học giết người sử dụng ở Việt Nam. Monsanto thu về hàng tỷ USD từ việc sản xuất CĐDC và còn hàng tỷ USD khác từ việc sản xuất hạt giống các loại cây trồng được tiêu thụ ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Thật không thể nào tin được những công ty đầu độc đất đai Việt Nam, phá hủy các cánh rừng, làm hàng triệu người dân Việt Nam phải sống trong nỗi đau... lại có các văn phòng tại Việt Nam. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm nhập khẩu các sản phẩm hạt giống của Monsanto. Điều này cho thấy sự thừa nhận của quốc tế đối với các sản phẩm hạt giống của Monsanto không tốt cho nông dân hay người tiêu dùng, không làm tăng sản lượng cho vụ mùa. Tại Ấn Độ, hàng ngàn nông dân đã bị dồn vào bước đường cùng khi bị ép phải mua hạt giống của Monsanto, rồi phải sống trong nợ nần chồng chất.

Len Aldis

(Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt)

Bài 2: Tàn phá môi trường và con người

Sau khi đăng bài viết của Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt Len Aldis, chúng tôi nhận được bài viết của bà Merle E.Ratner, điều phối viên Chiến dịch hỗ trợ và công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Bài viết nói về hai công ty Monsanto và Dow Chemical không chỉ sản xuất chất độc da cam mà còn sản xuất nhiều hóa chất độc hại khác gây hại cho sức khỏe con người và môi trường nhưng núp dưới danh nghĩa phục vụ “yếu tố con người” và “đảm bảo nông nghiệp bền vững”.

Tội ác mang tên da cam và bom napalm

Dow Chemical và Monsanto là 2 công ty của Mỹ có truyền thống tạo lợi nhuận từ sức khỏe, sự an toàn và sinh mệnh của con người trên thế giới. Cả 2 công ty đa quốc gia này làm giàu một phần nhờ sản xuất vũ khí hóa học chất độc da cam (CĐDC). Từ năm 1961-1971, hơn 10% vùng đất ở miền Nam Việt Nam bị rải CĐDC. Hơn 3 triệu người dân Việt Nam bị giết, đau ốm hoặc tật nguyền bởi chất hóa học ghê rợn này. Giờ đây, những thế hệ thứ 2, thứ 3 của những người ông, người cha bị phơi nhiễm CĐDC cũng đang phải gánh chịu hậu quả.

 Tiến sĩ Charles Bailey, Giám đốc sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin của Quỹ Ford (của Mỹ) thăm em Nguyễn Văn Minh (14 tuổi), nạn nhân chất độc da cam hiện đang sống ở làng trẻ em Biên Hòa ngày 8-4-2011.

Việt Nam là mục tiêu chính của vũ khí hóa học. Tuy nhiên, người dân ở Lào, Campuchia và những cựu binh người Mỹ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - những người đứng cùng phe với Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam - cũng bị ảnh hưởng. CĐDC làm đất đai ở Việt Nam, Lào, Campuchia và những nơi lưu chứa, thử nghiệm và sản xuất loại chất hóa học độc hại này đều bị nhiễm độc. 28 điểm nóng dioxin tại Việt Nam tiếp tục làm người dân ở những khu vực này bị ảnh hưởng sau khi ăn lương thực, thực phẩm nhiễm độc. Báo chí gần đây còn cho biết Mỹ đã chôn CĐDC và nhiều loại hóa chất độc hại khác tại Hàn Quốc, làm người dân sở tại bất bình. Các cuộc điều tra cũng đã được mở lại.

Việc dùng CĐDC chỉ để phát quang rừng thì sẽ không có chất dioxin ở mức độ cao. Trớ trêu thay, dioxin ở mức độ cao xuất hiện là do quá trình sản xuất CĐDC vội vàng để mang về thật nhiều lợi nhuận (và cung cấp chất hóa học cho cỗ máy chiến tranh Mỹ).

Dow không chỉ sản xuất CĐDC mà còn sản xuất cả bom napalm, một loại vũ khí hóa học được sản xuất để giết người theo cách tàn bạo nhất - đốt cháy da thịt. Những người bị bom napalm đốt cháy không thể dùng nước để dập lửa. Mỹ đã sử dụng bom napalm trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong khi các nhà sản xuất khác bị người dân Mỹ phản đối và buộc phải ngừng sản xuất, chỉ có duy nhất Dow tiếp tục sản xuất loại bom này đến năm 1969.

Nhiều hóa chất giết người khác

Dow đã từng mua lại Union Carbide, công ty phải chịu trách nhiệm về thảm họa Bhopal. Ngày 3-12-1984, chất hóa học methyl isocyanate bị rò rỉ tại một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu thuộc sở hữu Công ty Union Carbide ở Ấn Độ. Chiến dịch quốc tế vì công lý cho biết, 25.000 người đã chết, hơn 100.000 người bị mắc bệnh, tàn tật vì loại khí độc Bhopal. Các nạn nhân mắc chứng khó thở, thị lực bị tổn thương, biến chứng về sinh sản, tỷ lệ ung thư tăng và nhiều loại bệnh tật khác ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể con người. Một nghiên cứu năm 2003 đăng trên Báo Hiệp hội y khoa Mỹ (JAMA) xác nhận, độc tố từ những ông bố, bà mẹ bị phơi nhiễm đã truyền lại cho các con của họ.

Dow còn sản xuất nhiều loại hóa chất cực độc khác có trong các loại thuốc trừ sâu dùng cho việc làm vườn. Theo Wikipedia, Dow đưa ra thị trường thuốc trừ sâu có tên Dursban, trong đó có chất hóa học chlorpyrifos. Đến tận năm 2010, đây vẫn là một trong những loại thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi trong các gia đình ở Mỹ. Các loại thuốc trừ sâu luôn bị nghi là nhân tố phá hoại nội tiết tố và gây ung thư. Mạng lưới tác động của thuốc trừ sâu, một tổ chức luôn đấu tranh để loại bỏ các loại chất độc hại, ước tính Dow đã “góp phần” làm 80% người dân bị phơi nhiễm chlorpyrifos (dựa trên thị phần của Dow vào năm 2004).

Đất và nguồn nước của các khu vực xung quanh trụ sở của Dow ở Midland, Michigan bị ô nhiễm nặng nề. Những vùng đất chạy dọc Tittabawassee - con sông chảy qua khuôn viên nhà máy sản xuất chính của Dow tại Midland đã bị nhiễm dioxin ở mức cao có thể gây ung thư. Vụ việc được phát hiện vào tháng 11-2006. Tháng 6-2007, sau nhiều năm bị người dân Midland phản đối, Dow đã thỏa thuận với Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) di dời 38.000m3 chất lắng đọng độc hại ở 3 khu vực, những nơi bị phát hiện có hóa chất độc hại. Tháng 11-2008, Dow cùng EPA và cơ quan chất lượng môi trường Michigan thống nhất thiết lập “siêu” quỹ để tẩy rửa dioxin tại sông Tittabawassee, sông Saginaw và vịnh Saginaw.

Che mắt dư luận

Còn với Monsanto, ngoài việc sản xuất CĐDC, công ty này còn sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp như thuốc trừ sâu và các sản phẩm hạt giống biến đổi gen. Rất nhiều nhà khoa học tin rằng, thuốc trừ sâu của Monsanto và hạt giống biến đổi gen gây hại cho sức khỏe con người. Người tiêu dùng tại Mỹ, châu Âu và nhiều khu vực khác cảm thấy bất an khi mua và sử dụng thực phẩm từ công nghệ biến đổi gen.

Dow tự coi mình phục vụ vì “yếu tố con người” và Monsanto tuyên bố “đảm bảo nông nghiệp bền vững”. Nhưng những việc làm của họ cho thấy phương châm thực sự chỉ là tích lũy lợi nhuận khổng lồ cho công ty từ sức khỏe của con người và tương lai của môi trường.

Nhưng người dân thế giới không bao giờ bị đánh lừa bởi những mỹ từ đó. Họ đang yêu cầu Dow và Monsanto dừng ngay việc sản xuất các sản phẩm độc hại, đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân và tẩy sạch những vùng đất mà 2 công ty này đã tàn phá.

Theo Wikipedia, Monsanto đã gây tranh cãi ở Mỹ khi giới thiệu sản phẩm hormone tăng trưởng bovin somatotropin, viết tắt rBST hay rBGH. Đây là loại hormone tăng trưởng dùng tiêm vào bò để kích thích hormone IGF-1 có chức năng làm tăng sản lượng sữa. Mặc dù IGF-1 có tự nhiên trong sữa mẹ dùng cho trẻ sơ sinh, nhưng một số nhà khoa học cho rằng nó ảnh hưởng tiêu cực với những người trưởng thành khi đẩy nhanh quá trình ung thư. Hormone này có liên quan đến bệnh ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi và ruột kết.

Năm 2002, tờ Washington Post đã cho đăng tải trên trang nhất về “di sản” ô nhiễm môi trường của Monsanto tại Anniston, Alabama liên quan đến sản phẩm polychlorinated biphenyls (PCB), một hóa chất được sử dụng làm chất cách điện 40 năm trước. Tờ New York Times cho biết, chỉ riêng trong năm 1969, Monsanto đã đổ 45 tấn PCB xuống lạch Snow, một nhánh của sông Choccolocco, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả vùng. Công ty này cũng cho chôn hàng chục tấn PCB tại các bãi rác lộ thiên nằm ở các sườn đồi phía trên và xung quanh khu vực nhà máy. Tháng 8-2003, Solutia và Monsanto đồng ý trả 700 triệu USD để giải quyết khiếu nại của 20.000 người dân ở Anniston liên quan đến ô nhiễm PCB.

Dow và Monsanto nằm trong nhóm các công ty hóa chất có doanh thu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, họ không bao giờ chịu bồi thường cho các nạn nhân trừ khi họ bị buộc phải làm vậy. Tại Mỹ, sau khi chịu sức ép dư luận trong nhiều năm, những công ty này mới làm sạch một vài đống chất thải độc hại của họ. Rất nhiều cộng đồng dân cư khác vẫn tiếp tục đấu tranh để đòi công lý. Đối với các nạn nhân CĐDC Việt Nam (và cả bom napalm của Dow), họ vẫn chưa đòi được công lý từ những công ty có siêu lợi nhuận từ những việc làm khủng khiếp trên. Những công ty này vẫn không chịu bỏ một đồng nào để bồi thường cho các nạn nhân ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Việc bồi thường chút đỉnh cho các cựu quân nhân Mỹ phơi nhiễm CĐDC chỉ làm che mắt dư luận chứ thực chất không giúp được gì trong việc giảm nhẹ nỗi đau cho họ.

Merle E.Ratner

(Điều phối viên Chiến dịch hỗ trợ và công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam)

Theo SGGP

*/ p.MsoNormal, li.MsoNormal, div.MsoNormal {mso-style-parent:""; margin:0in; margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";} @page Section1 {size:8.5in 11.0in; margin:1.0in 1.25in 1.0in 1.25in; mso-header-margin:.5in; mso-footer-margin:.5in; mso-paper-source:0;} div.Section1 {page:Section1;} -->

Merle E.Ratner

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=429
Quay lên trên