Cuộc khủng hoảng chính trị đang nhấn chìm Qatar xuất phát từ những cáo buộc bảo trợ khủng bố mà các nước láng giềng Arab quy kết cho Doha.
Dù đã bác bỏ mọi lý lẽ của các cáo buộc này, song quan hệ của Qatar với Iran và "mối thân tình" của Doha với nhiều nhóm Hồi giáo vẫn đặt ra nhiều nghi vấn, đẩy nước này ra ngoài lề khu vực và tạo đủ sức nóng để một ngọn lửa bùng lên. Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại khu vực vùng Vịnh vì thế được dự báo khó có thể tới hồi kết.
Những cáo buộc
Khởi đầu từ quyết định của Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar sau những nỗ lực trừng phạt bất thành. Căng thẳng càng bị đẩy lên cao khi 4 quốc gia trên đã liệt 59 cá nhân và một số tổ chức từ thiện có quan hệ với Qatar vào danh sách khủng bố. Các chính phủ trên khắp khu vực thường dùng mác khủng bố làm cái cớ để kiểm soát phe đối lập chính trị và các nhà hoạt động nhân quyền.
Một số nhóm được coi là Qatar chống lưng- như tổ chức Anh em Hồi giáo- vẫn được nhiều người coi là một lực lượng chính trị chính thống. Trong khi các nhóm khác, bao gồm các phe nổi dậy dòng Sunni cực đoan ở Syria, lại có sự khác biệt về ý thức hệ với các nhóm mà Saudi Arabia hỗ trợ ở đó. Qatar đã bị cáo buộc có quan hệ và ủng hộ một số nhóm như vậy.
Với Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các láng giềng Arab của Qatar đã cáo buộc nước này ủng hộ hệ tư tưởng của các nhóm Al-Qaeda và IS trên khắp khu vực, từ Syria cho tới Bán đảo Sinai. Một số quan điểm cho rằng các khoản viện trợ của Qatar đã gián tiếp yểm trợ cho các nhóm nổi dậy.
Đất nước Qatar.
Thực tế, các cáo buộc tương tự cũng từng nhắm vào Saudi Arabia và một số nước vùng Vịnh khác trong những ngày đầu tiên cuộc khủng hoảng Syria nổ ra từ năm 2011, song giới phân tích cho rằng các chính phủ này đã thay đổi lập trường chính thống và các luật hỗ trợ tài chính của mình.
Hiện có những lo ngại rằng căng thẳng giữa Saudi Arabia và Qatar có thể làm suy yếu tất cả các nguồn tài chính đổ vào phe đối lập Syria, nơi mà trên thực địa, ranh giới giữa họ với các nhóm có liên hệ với các phần tử cực đoan đang bị xóa mờ. Giới chuyên gia cho rằng Qatar chưa bao giờ trực tiếp hỗ trợ al-Qaeda hay IS, song lại hỗ trợ Ahrar al-Sham với các nhà sáng lập có quan hệ với al-Qaeda.
Thế lực và động chạm
Anh em Hồi giáo - Nhóm Hồi giáo dòng Sunni này vẫn là một trong những thế lực có sức ảnh hưởng nhất khu vực. Saudi Arabia, UAE và Ai Cập coi đây là mối đe dọa trực tiếp đối với sự thống trị của họ và là nhân tố gây bất ổn khu vực. Tuy nhiên, các nhánh của Anh em Hồi giáo vẫn đang hoạt động ở Jordan và Tunisia.
Tại Ai Cập, nhóm này đã lên cầm quyền sau khi làn sóng biểu tình kéo dài đã lật đổ nhà lãnh đạo kỳ cựu Tổng thống Hosni Mubarack vào năm 2011 và Qatar đã tài trợ hàng tỷ USD cho chính phủ do Anh em Hồi giáo cầm đầu ở Cairo với biện luận rằng sự hỗ trợ này là cho cả đất nước Ai Cập chứ không riêng một phe phái nào. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn hỗ trợ quan trọng cho các nhánh của Anh em Hồi giáo ở Syria và Libya.
Đến năm 2013, quân đội Ai Cập đã hất cẳng Anh em Hồi giáo và triển khai một chiến dịch đàn áp đẫm máu chống lại các thành viên của nhóm này trong các làn sóng biểu tình năm đó. Saudi Arabia, UAE và Ai Cập đã liệt nhóm này là một tổ chức khủng bố, cáo buộc nhóm âm mưu tiến hành các vụ tấn công. Các thành viên của Anh em Hồi giáo tại vùng Vịnh đều bị bắt giữ. Các nền quân chủ vùng Vịnh cũng kết tội Qatar cung cấp các nguồn hỗ trợ tài chính, nơi trú ẩn an toàn và thậm chí cả quyền công dân cho các nhóm đối lập Hồi giáo đến từ đất nước họ.
HAMAS - Tổ chức của Palestine này, cũng là một nhánh của Anh em Hồi giáo, bị Israel và các đồng minh phương Tây coi là tổ chức khủng bố. Với vị thế thống trị Dải Gaza, nhóm này đã tiến hành 3 cuộc chiến với Israel và bị một số nước trong thế giới Arab coi là lực lượng vũ trang chống lại sự chiếm đóng của Israel và Saudi Arabia cho rằng Qatar phải cắt đứt quan hệ với Hamas.
Qatar đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào đường sá, nhà cửa và 1 bệnh viện lớn ở Dải Gaza, từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm tại khu vực bị tàn phá đang chịu sự bao vây phong tỏa của Israel-Ai Cập này. Sự hỗ trợ đó khiến Qatar trở thành một trong số ít những nhân tố bảo hộ nước ngoài dành cho lãnh thổ Palesitine. Qatar cho biết các hoạt động của họ tại Gaza chỉ "đơn thuần mang tính nhân đạo" và mối quan hệ của họ với nhóm này thuộc phạm vi các cuộc đàm phán hòa bình được quốc tế ủng hộ.
Các nhóm bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc - Một thỏa thuận vừa đạt được nhằm trả tự do cho các thành viên thuộc gia đình quyền lực ở Qatar bị bắt cóc đã trở thành nguyên nhân gây ra sự tức giận của các lãnh đạo vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia, nước vốn coi Iran là đối thủ hàng đầu của mình. Qatar được cho là đã chi hàng trăm triệu USD cho một nhóm phiến quân dòng Shi'ite được Iran hậu thuẫn bắt giữ 26 con tin vào ngày 16-12-2015 từ một trang trại của các thợ săn chim ưng ở miền Nam Iraq.
Ai Cập đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc điều tra các thông tin cho rằng Qatar "đã trả tới 1 tỷ USD cho một nhóm khủng bố đang hoạt động tại Iraq" để trả tự do cho các con tin, điều này vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ.
Về phần mình, Qatar cho biết chỉ hỗ trợ tài chính cho Chính phủ Iraq trong nỗ lực nhằm thả các con tin, và không thỏa thuận với các nhóm vũ trang ở đó. Thỏa thuận trên còn được cho là nguồn gốc của làn sóng người tị nạn khỏi các làng mạc có đa số người Shi'ite sinh sống tại Syria, nơi các lực lượng ủy nhiệm của Iran đang chiếm ưu thế. Một số nguồn tin còn cho rằng Qatar chi một khoản lớn cho các nhóm Hồi giáo ở Syria, bao gồm cả nhóm có quan hệ với al-Qaeda để thúc đẩy người tị nạn.
Hỗ trợ khủng bố?
Với Iran - Saudi Arabia và Bahrain đã cáo buộc Qatar hỗ trợ các nhóm chiến binh dòng Shi'ite ở nước họ. Trong những tuần vừa qua, bạo lực đã gia tăng giữa các tay súng Shi'ite và lực lượng an ninh Saudi Arabia tại thị trấn chủ yếu là người Shi'ite ở miền Đông đất nước. Tại Bahrain, nền quân chủ dòng Sunni đã đập tan một cuộc nổi dậy của những người Shi'ite chiếm đa số vào năm 2011 và tiếp tục đàn áp các hoạt động thể hiện sự bất đồng chính kiến ôn hòa.
Hợp đồng 12 tỷ USD Qatar mua chiến cơ F-15 thể hiện quan hệ sâu sắc với Mỹ.
Saudi Arabia còn cáo buộc Iran hỗ trợ các lực lượng nổi dậy thân Iran ở Yemen được biết đến với tên gọi là nhóm Houthis. Tuy nhiên, Qatar cũng là một thành viên trong liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã ném bom vào nhóm này. Giới phân tích cho rằng không có bằng chứng nào để đưa ra các cáo buộc trên, nhưng các cáo buộc này có lẽ xuất phát từ các cuộc đàm phán về một sự chuyển giao quyền lực vào năm 2012.
Qatar và Saudi Arabia đã bất đồng về cách thức chuyển giao quyền lực, và Qatar bị cáo buộc cố gắng phá hoại sáng kiến do Saudi Arabia dẫn đầu thông qua việc hợp tác với Houthis. Đại sứ Qatar ở Washington, ông Meshal bin Hamad Al Thani cho biết dù Doha có các mối quan hệ với Iran và đang có chung một mỏ khí đốt tự nhiên ngầm khổng lồ thì lập trường của họ với Iran vẫn giống như lập trường của các nhà nước Arab khác ở vùng Vịnh.
Ảnh hưởng và mâu thuẫn
Nhìn rộng ra, bản chất các cuộc xung đột và cán cân quyền lực ở vùng Vịnh lâu nay là sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc và mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo lớn ở Trung Đông là Shi'ite và Sunni. Cuộc khủng hoảng liên quan đến Qatar hiện nay có thể xem là sự kiện phản ánh tham vọng của Saudi Arabia theo dòng Sunni.
Riyadh muốn tận dụng mối đe dọa từ "kẻ thù Iran" theo dòng Shi'ite để kêu gọi các nước Arab dòng Sunni thiết lập liên minh quân sự, song không nhận được sự đồng thuận từ Doha. Quyết định cắt đứt quan hệ trên nhiều mặt với Qatar được lấy lý do là nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, nhưng mục đích chính của chiến dịch này là cô lập Tehran và nâng tầm vị thế của Riyadh trong khu vực.
Trong bối cảnh khu vực phức tạp hiện nay, những biện pháp phong tỏa và cô lập chống Qatar chỉ được xem là sự khởi đầu và có thể còn kéo theo các biện pháp ngoại giao khác, không chỉ trong phạm vi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) mà cả các cấp độ quốc tế, như thông qua nghị quyết của Liên đoàn Arab thắt chặt phong tỏa đối với Qatar hoặc đề nghị Mỹ, châu Âu và các nước ngoài Arab Hồi giáo có hành động riêng rẽ bên ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, hướng đi này khó có thể giành được sự nhất trí chung và có nguy cơ càng làm phân cực nghiêm trọng cũng như gây bất ổn khu vực. Do đó, nhiều khả năng các nước vùng Vịnh sẽ duy trì áp lực kinh tế và chính trị lên Qatar, cộng với các nỗ lực trung gian ngoại giao, chủ yếu thông qua Kuwait và Oman.
Ai "chắn bão" cho Qatar?
Trong cuộc đối đầu căng thẳng đang diễn ra giữa Qatar với Saudi Arabia và một số đồng minh ở vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là "yếu tố chắn bão" cho Qatar khi tuyên bố ủng hộ nước này. Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc khủng hoảng Qatar. Lựa chọn này không thể được coi là tự nhiên.
Bởi ngay từ đầu, Ankara đã phản ứng rất tiêu cực trước việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab láng giềng. Một cuộc tuần hành ủng hộ Qatar do chính phủ phát động đã được tổ chức tại Istanbul. Ông Erdogan đã công khai chỉ trích vụ tẩy chay của Saudi Arabia và các nước đồng minh, và nhận làm trung gian trong đàm phán với Qatar, cho dù sứ mệnh này sau đó cũng được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố đảm nhận.
Hợp tác giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ được tạo dựng từ thời cha của Quốc vương hiện tại Seikh Hamad bin Khalifa al-Thani. Hai bên không chỉ thiết lập quan hệ kinh tế mà còn có sự gần gũi về quan điểm đối với Syria. Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Qatar đều không ưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng ly khai người Kurd. Cuối cùng cả hai nước này đều có chung sự cạnh tranh với Saudi Arabia. Bằng chứng về liên minh bất thành văn giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ là việc thành lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar năm 2014. Tuy nhiên, lúc đó dự án đã không thành công.
Công trình xây dựng bị đóng băng, chỉ có vài chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại đây. Nguyên nhân là người Thổ được gọi đến Qatar khi quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia căng thẳng và leo thang đến mức hàng loạt nước triệu hồi Đại sứ khỏi Doha. Mặc dù, cuộc khủng hoảng khi đó đã được giải quyết và không còn cần đến sự ủng hộ của ông Erdogan nữa, nhưng nhu cầu này hiện lại nổi lên và ở quy mô lớn hơn nhiều. Ngay từ đầu, ông Erdogan đã thể hiện rằng ông sẵn sàng giúp đỡ.
Tuy vậy, cho dù quan hệ giữa Qatar với các nước láng giềng Arập có căng thẳng đến đâu, sự can thiệp vẫn là một quyết định hết sức khó khăn, thậm chí nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại đây. Đây không phải là Yemen và Bahrain, nơi quân đội Saudi Arabia được chính quyền hợp pháp mời đến. Sẽ phải phớt lờ và thậm chí lật đổ cả chế độ cầm quyền, mà như vậy nghĩa là vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm truyền thống bất thành văn về tình đoàn kết quân chủ mà Riyadh luôn luôn tuân thủ. Tiêu diệt đối phương bằng con đường làm kiệt quệ và cô lập ngoại giao sẽ là giải pháp an toàn hơn nhiều.
Dù trong trường hợp nào thì Qatar đã có được một sự ủng hộ không hề yếu ớt và rất đúng lúc. Thổ Nhĩ Kỳ đã không chỉ "làm nguội được những cái đầu nóng" tại Saudi Arabia mà họ còn cho thấy dù Riyadh cố gắng nhưng không thể cô lập ngoại giao Qatar. Điều đó có nghĩa là sẽ phải đàm phán. Và đó là thông điệp cho Mỹ, nước có quan điểm dường như không kiên quyết và thậm chí hai mặt về Qatar. Có lúc chính ông Tillerson công du hòa giải Qatar với các nước láng giềng, có lúc Tổng thống Trump tuyên bố ủng hộ Saudi Arabia.
Cuộc khủng hoảng xoay quanh Qatar mà Saudi Arabia và các đồng minh tạo nên đã cho thấy tình hình tại Trung Đông phức tạp và rắc rối như thế nào. Dự định của ông Trump về việc thành lập một NATO Trung Đông theo định hướng chống lại Iran và chống khủng bố đã vấp phải thực tế phũ phàng. Nơi này hầu như ai cũng sẵn sàng nhận là đồng minh của Mỹ. Song kết thành mặt trận thống nhất chống lại một bên thì không ai muốn, ít nhất là các cường quốc khu vực có tham vọng địa chính trị riêng và có khả năng tiến hành chính sách đối ngoại chủ động.
Có quá nhiều mâu thuẫn lịch sử trong khu vực và bất kỳ ai muốn thi hành chính sách của mình tại đây đều phải tính đến các mâu thuẫn đó. Đây là thông điệp mà Ankara gửi đến Washington, dù vô tình hay hữu ý.
Theo CAND