Kỳ 4: Bảo đảm an toàn về môi trường
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách mở cửa và thu hút đầu tư đã giúp cho kinh tế của Bình Dương phát triển nhanh. Tuy vậy, hệ quả của quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, công nghiệp hóa đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ và nhanh hơn năng lực của hệ thống quản lý ở tỉnh. Đây là nguyên nhân gây nhiều bất cập về môi trường, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn cho mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó cho thấy, việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đến năm 2020 là bước đi đúng đắn, phù hợp trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong quản lý môi trường và KCN.
Bình Dương luôn chú trọng phát triển công nghiệp gắn với bảo đảm về môi trường. Trong ảnh: Đường vào KCN Mỹ Phước (TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI
“Xanh hóa” công nghiệp
Để chuẩn bị cho công tác mở rộng các KCN ở phía bắc của tỉnh, Bình Dương đã nghiêm túc tiến hành theo đúng lộ trình, bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, giao thông thông suốt. Những năm qua, Bình Dương đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, nối liền các huyện, thị, thành phố trong tỉnh với quốc lộ 1A, quốc lộ 13 kết nối với Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn đón đầu sân bay quốc tế Long Thành chính là bước chuẩn bị chu đáo trong việc mời chào các nhà đầu tư về các KCN phía bắc của tỉnh.
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, để phát triển kinh tế, Bình Dương đã lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN tập trung gắn với công nghiệp hóa và đô thị hóa làm đòn bẩy phát triển. Chính sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp tỉnh nhà phát triển, tạo điều kiện kích thích các ngành thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển theo. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào KCN thời gian qua phù hợp với quy hoạch, định hướng thu hút ngành nghề đầu tư của tỉnh và đều nhanh chóng triển khai dự án sau khi được cấp phép. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục phát triển thuận lợi với doanh thu đạt được năm sau luôn cao hơn năm trước, qua đó góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh nhà. Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở cho người lao động luôn được tỉnh quan tâm, chăm lo; công tác bảo vệ môi trường của các KCN cũng luôn được tỉnh chú trọng và thực hiện tốt... |
Theo các chuyên gia, trước đây công nghiệp của tỉnh Bình Dương có xu hướng phân hóa rõ nét, tập trung phát triển mạnh ở 2 thị xã Dĩ An, Thuận An và TP.Thủ Dầu Một. 3 địa phương này chiếm tới 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, giá trị công nghiệp của một số địa phương phía bắc tỉnh như Bến Cát… đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa tỷ lệ công nghiệp ở các địa phương này chiếm 24% tổng giá trị toàn ngành của tỉnh trong năm 2014.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, đô thị, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên, bảo đảm môi trường bền vững. Chủ trương này đã được nhiều doanh nghiệp (DN) đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, việc quy hoạch riêng cho các ngành công nghiệp phụ trợ tại huyện Bàu Bàng, ngành chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Tân Lập… đã tạo điều kiện cho DN an tâm, tin tưởng đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Lương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, việc tập trung những ngành sản xuất dễ gây tổn hại đến môi trường như ngành gỗ vào một KCN là chủ trương hết sức đúng đắn. KCN tập trung này sẽ giúp các DN hoạt động bài bản và chuyên nghiệp hơn. Hơn nữa, qua đó yếu tố môi trường cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh thu hút các nhà đầu tư, có thể thấy việc chuyển dịch sản xuất công nghiệp về các địa phương phía bắc cũng giúp cho các đô thị phía nam của tỉnh thuận lợi quy hoạch, phát triển đô thị theo đúng tiêu chuẩn mà Trung ương đã đề ra trước năm 2020. Cùng với đó, vấn đề cân đối quản lý môi trường cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, giúp Bình Dương dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển tỉnh nhà thành thành phố xanh, thành phố đáng sống. Theo dự kiến, đến năm 2025, Bình Dương sẽ hình thành 3 trung tâm đô thị: Đô thị trung tâm gồm TP.Thủ Dầu Một, Nam Tân Uyên, Nam Bến Cát theo mô hình “đa chức năng, đa trung tâm” với mật độ dân cư trung bình; đô thị phía nam gồm Thuận An và Dĩ An theo mô hình “đô thị nén” mật độ dân cư cao; đô thị phía bắc gồm Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Bến Cát, Bắc Tân Uyên… với mật độ dân cư thấp.
Bảo đảm cho sự phát triển bền vững
Theo Sở Xây dựng, đến nay tỉnh nhà đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tập trung đầu tư vào các KCN ở phía bắc của tỉnh một mặt nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư mới, di dời các DN sản xuất phân tán, DN sản xuất trong các khu dân cư, khu đô thị phía nam của tỉnh để kiểm soát ô nhiễm môi trường; mặt khác sẽ từng bước di dời các KCN ở phía nam lên phía bắc của tỉnh để tạo quỹ đất phát triển đô thị tại khu vực phía nam của tỉnh. Bên cạnh đó, việc tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển khu trung tâm đô thị mới của tỉnh trước mắt nhằm kéo giãn dân số, giảm sức ép về hạ tầng xã hội cho các đô thị phía nam. Còn về lâu dài, sẽ tạo ra không gian đô thị trung tâm của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và là điểm nhấn phát triển đô thị - dịch vụ của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là xử lý nghiêm và triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đồng thời tập trung di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị. Địa phương cũng sẽ đầu tư và xử lý dứt điểm một số điểm nóng về môi trường, không để phát sinh các điểm nóng mới; cùng với đó đẩy nhanh tiến độ các dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị thuộc dự án cải thiện vệ sinh môi trường nước Nam Bình Dương…
Hiện nay, Bình Dương đang ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, nông nghiệp theo hướng thu hút những dự án có đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; ưu tiên bố trí các dự án sản xuất công nghiệp trong khu, cụm công nghiệp phía bắc của tỉnh; đồng thời không xem xét các cơ sở thuê nhà xưởng để đầu tư thực hiện các dự án sản xuất trên địa bàn phía nam của tỉnh. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, trong giai đoạn tới Bình Dương sẽ nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cùng với đó sẽ ban hành nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi và hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường; áp dụng khoa học - công nghệ mới trong xử lý và tái chế chất thải. Tỉnh nhà nỗ lực đến năm 2020 hoàn thành tốt các chỉ tiêu về môi trường, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững…
Kỳ cuối: Bình Dương thực hiện tốt điều chỉnh quy hoạch
PHÙNG HIẾU