Điều tiết linh hoạt để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Cập nhật: 19-04-2020 | 15:25:39

Trước diễn biến của dịch COVID-19, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, việc xem xét, rà soát tính toán lượng lương thực phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu cho phù hợp là hết sức cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho phép xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn biến khó lường.

Điều này cho thấy vai trò điều tiết linh hoạt, kịp thời của Chính phủ cũng như các cấp bộ, ngành liên quan.

Đây được ví như người giữ nhịp để làm sao vừa đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, thu nhập và đời sống của nông dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh lương thực.

Đủ lương thực cho tiêu dùng và xuất khẩu

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt trong tháng 4/2020 sẽ xuất khẩu khoảng 400.000 tấn gạo như phương án đề xuất trước đó của Bộ Công Thương.

Dieu tiet linh hoat de dam bao an ninh luong thuc quoc gia hinh anh 1

Nông dân tiến hành thu hoạch lúa. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền khẩn trương quyết định và thực hiện phương án xuất khẩu gạo nêu trên, bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 trước ngày 25/4/2020; đồng thời, xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài kể cả đến hết năm 2020.

Trước diễn biến của đại dịch COVID-19; biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là vựa lúa của cả nước, thì việc xem xét, rà soát tính toán lượng lương thực phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu cho phù hợp với tình hình thực tế là hết sức cần thiết.

Theo ông Phạm Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh (Cần Thơ), chủ trương xuất khẩu gạo có kiểm soát một mặt vừa có thể đảm bảo an ninh lương thực, mặt khác đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng nhiều. Như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể tránh được thiệt hại.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, qua tính toán cân đối cung-cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho thấy, nhu cầu lương thực trong nước năm 2020 là khoảng 30 triệu tấn thóc; trong đó, tiêu thụ của người dân là 14,3 triệu tấn, phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn, phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn, dùng cho làm giống, giống dự phòng là 1 triệu tấn, còn lại dự trữ trong nước là 3,8 triệu tấn.

Đối với xuất khẩu gạo dự kiến trong năm 2020 khoảng 6,5-6,7 triệu tấn (tương đương 13-13,4 triệu tấn thóc).

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sản lượng lúa cả năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc; trong đó, vụ Đông Xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, dự kiến kết thúc thu hoạch trước 30/6; vụ Hè Thu sản lượng ước đạt 11 triệu tấn thóc; dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15/6-30/9.

Vụ Thu Đông tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản lượng ước đạt 4,2 triệu tấn thóc, tập trung thu hoạch từ 15/9-15/11. Vụ Mùa sản lượng ước đạt gần 8,2 triệu tấn thóc; dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15/9-31/12.

Như vậy, với sản lượng cả năm nay ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, sau khi trừ đi 30 triệu tấn thóc cho tiêu dùng trong nước, vẫn dư 13,5 triệu tấn thóc (tương đương hơn 6,7 triệu tấn gạo) dành cho xuất khẩu.

Cùng với các phương án về lương thực nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dự trù đủ lượng thực phẩm cần thiết cho cả năm 2020.

Cụ thể, sản lượng rau dự kiến đạt 17,9 triệu tấn, tăng hơn 347 nghìn tấn so với năm 2019. Nhu cầu tiêu thụ rau cho 96 triệu dân khoảng 14 triệu tấn/năm, như vậy còn dư gần 4 triệu tấn rau hàng hóa phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Đối với thịt lợn, sản lượng cả năm dự kiến đạt hơn 3,85 triệu tấn; trong đó, quý 1 đạt 811.000 tấn; quý 2 dự kiến đạt 950.000 tấn; quý 3 đạt hơn 1,01 triệu tấn; quý 4 đạt hơn 1,08 triệu tấn. Dự kiến đến cuối quý 2, đầu quý 3 có khả năng cân bằng được cung cầu thịt lợn.

Bên cạnh đó, năm nay, dự kiến lượng thịt trâu, bò, gia cầm và thủy sản vẫn tăng so với năm 2019, đảm bảo đủ cung ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và phục vụ cho xuất khẩu.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO), ước tính trong bốn thập niên tới, số dân thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2,3 tỷ người, lượng lương thực sẽ cần nhiều hơn 70% so với sản lượng hiện nay, trong khi sản lượng có thể giảm từ 20-30% do tình trạng biến đổi khí hậu và dịch bệnh gây nên.

Trong khi đó, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt khoảng 104 triệu người vào năm 2030. Khi dân số tăng lên nhu cầu lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng (số lượng lương thực tăng thêm khoảng 2 triệu tấn).

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cần được đặt trong bối cảnh mới có tác động đa chiều tới vấn đề này.

Bên cạnh tác động từ biến đổi khí hậu thì trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập, Việt Nam cũng cần cân nhắc, điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu lương thực từ quy mô đến chất lượng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân... để vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa hài hòa lợi ích giữa các bên.

Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế cho rằng, an ninh lương thực là nhiệm vụ lâu dài của bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều quan trọng là nhận thức cho đúng về an ninh lương thực. “Lâu nay, chúng ta chỉ mặc nhiên nhìn nhận lúa gạo là an ninh lương thực, điều này không đúng,” ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, an ninh lương thực phải đảm bảo được 3 yêu cầu. Thứ nhất là đủ gạo ăn và người dân có thể tiếp cận với lương thực một cách dễ dàng. Thứ hai là phải đảm bảo dinh dưỡng. Thứ ba là đảm bảo sinh kế và thu nhập cho người trồng lúa.

Ông Trần Hữu Hiệp cũng cho rằng, cần phải có cơ chế điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, vừa đảm bảo được mục tiêu tuyệt đối an toàn nhưng phải đảm bảo được cuộc sống và tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Theo ước tính của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn, khi thu nhập tăng thì lượng gạo tiêu dùng bình quân giảm. Do vậy, dự báo đến năm 2030, lượng gạo tiêu dùng bình quân đầu người giảm còn 93,3 kg/năm.

Mặc dù đến năm 2030, dự báo dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 9,3 triệu người so với năm 2018 nhưng lượng gạo đáp ứng nhu cầu con người chỉ gần 10 triệu tấn.

Tương tự, mục tiêu xuất khẩu gạo cũng giảm dần khối lượng từ 6 - 7 triệu tấn gạo như hiện nay về hai mức 3,5 triệu tấn gạo hoặc 4,5 triệu tấn gạo theo mục tiêu đặt ra trong “Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.”

Về sản xuất lương thực, thực phẩm, theo mục tiêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, đến năm 2030, sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, giữ ổn định khoảng 3,3-3,6 triệu ha đất lúa ở những vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp, giao thông, thủy lợi tốt.

Cùng đó, duy trì sản lượng lương thực có hạt 40-42 triệu tấn; trong đó sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho con người, cho chế biến trong công nghiệp, làm giống, dự trữ và một phần xuất khẩu.

Ngoài lúa gạo đóng vai trò chủ chốt trong cơ cấu lương thực, các mặt hàng khác cũng được chú trọng nhằm đảm bảo phát triển bền vững như: sản lượng rau, đậu các loại đạt từ 20-22 triệu tấn; sản lượng cây ăn quả các loại từ 13-15 triệu tấn; sản lượng thịt hơi các loại 6,6 triệu tấn, sữa tươi từ 2,3-2,5 triệu tấn, trứng gia cầm từ 22-23 tỷ quả; sản lượng thủy sản từ 9-10 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác từ 3-3,3 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng từ 6-6,7 triệu tấn...

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh quy định về diện tích đất trồng lúa để phù hợp với Luật Quy hoạch và định hướng thị trường tại các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ: Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Nghị quyết 17/2011/QH13 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Nghị quyết 134/2016/QH13 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về An ninh lương thực (thay thế Nghị quyết số 63/NQ-CP sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận về “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”), theo hướng: tăng đầu tư nguồn lực phát triển ngành nông nghiệp, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Điều chỉnh một số chỉ tiêu về nguồn cung lương thực để phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong tình hình mới. Bỏ mục tiêu tổng sản lượng lúa gạo và chuyển sang các mục tiêu thực chất hơn về an ninh lương thực, cụ thể là năng suất lao động và thu nhập của người nông dân...

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1885
Quay lên trên