Từ những tâm sự hay "khoe khoang" của các nhân vật vô danh trên những trang mạng xã hội, cảnh sát Mỹ, Hà Lan và nhiều quốc gia khác đã mở cuộc điều tra và tìm được thủ phạm của một số vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Hóa ra, mạng xã hội - nơi để con người giao lưu và bày tỏ tâm sự lại vẫn có thể cung cấp những manh mối quan trọng để cơ quan điều tra các nước phá án.
Manh mối từ những lời tâm sự
Ngôi sao truyền hình nổi tiếng của Anh CJ de Mooi là một trong số những người đang gặp rắc rối vì những dòng viết trên mạng xã hội. Ông đang bị Cảnh sát Amsterdam (Hà Lan) điều tra về khả năng gây ra cái chết cho một người đàn ông cách đây 25 năm.
Theo tin từ tờ The Guardian, mọi chuyện bắt đầu từ bài viết của CJ de Mooi được đăng tải trên các trang mạng xã hội hôm 7-9 vừa qua. CJ de Mooi đã nói về sự day dứt của ông về một câu chuyện xảy ra khi còn trẻ. Lúc đó, ông đã đánh một người đàn ông rồi ném ông ta xuống một cái kênh gần đó.
Ngôi sao truyền hình nổi tiếng của Anh CJ de Mooi đang gặp rắc rối vì những dòng viết trên mạng xã hội.
CJ de Mooi viết: "Đó là tai nạn trong cuộc đời mà tôi luôn hối hận. Tôi đang đứng trong bốt điện thoại thì một người đàn ông đi tới. Ông ta chắc chắn đã dùng ma túy và giơ dao ra đe dọa tôi. Ông ta bắt tôi đứng úp mặt vào tường, dạng hai chân, tay quặt đằng sau và mở túi của tôi, vứt mọi thứ ra ngoài để tìm tiền. Lợi dụng sơ hở của ông ta, tôi đá một phát thật mạnh vào mặt ông ta. Con dao văng khỏi tay ông ta, tôi đánh tiếp phát nữa vào mặt rồi đẩy ông ta xuống con kênh gần đó. Tôi sợ rằng mình đã giết chết ông ta. Đến nay tôi cũng không biết đã có chuyện gì xảy ra với ông ta sau khi bị rơi xuống kênh?".
Sau khi những dòng viết này được truyền tải một cách nhanh chóng trên nhiều trang mạng xã hội khác, Cảnh sát Amsterdam đã mở cuộc điều tra và họ đã mời CJ de Mooi về Hà Lan để trả lời thẩm vấn. CJ de Mooi khai rằng khi đó ông mới 20 tuổi, đang sống lang thang ở Amsterdam, không có công ăn việc làm ổn định. Cái đêm định mệnh ấy đã khiến ông phải vội vã rời Hà Lan sang Anh. Mãi đến năm 2003, CJ de Mooi mới lần đầu tiên xuất hiện trên một số chương trình truyền hình "câu đố Eggheads". CJ de Mooi cũng cho biết, ông sẵn sàng hứng chịu mọi điều để biết được sự thật về số phận của người đàn ông năm xưa.
Câu chuyện của CJ de Mooi khiến mọi người nhắc đến một vụ việc mới xảy ra ở Canada hồi tháng 5 năm ngoái. Khi đó, một người đàn ông tên Randy Janzen đã tiết lộ trên Facebook rằng mình đã giết vợ, con gái và em gái và sẽ tự thiêu để đi theo họ. Thậm chí, Randy Janzen còn "biện minh" rằng ông giết con vì cô gái 19 tuổi mắc chứng trầm cảm do căn bệnh đau đầu kéo dài gây ra; giết vợ để bà "không bao giờ phải nghe" những thông tin khủng khiếp về cái chết của con gái và giết cô em gái để cô "không phải xấu hổ vì hành vi sát nhân" của ông.
Chỉ vài giờ sau đó, nhờ vào thông tin của một tài khoản khác trên mạng Facebook, cảnh sát cử người tìm đến tận nhà của Randy Janzen ở ngoại ô thành phố Vancouver. Tại đây, họ đã phát hiện ra các nạn nhân và tìm thấy Randy Janzen ở một ngôi nhà khác gần đó.
Đội truy quét tội phạm qua internet
Thực tế, trong vòng 2 năm trở lại đây, tình trạng tội phạm tự thú trên mạng xã hội không còn là chuyện hiếm mà thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Tại Mỹ, Cục Điều tra liên bang (FBI) đã thành lập một đơn vị với nhiệm vụ chuyên trách là tận dụng hầu như tất cả các trang mạng xã hội phổ biến (như Facebook, LinkedIn, MySpace, Twitter,…) để tìm kiếm bằng chứng và nhân chứng trong các vụ án hình sự, trong một số trường hợp còn để theo dõi kẻ tình nghi.
Randy Janzen chụp ảnh cùng vợ và con gái rồi đăng lên Facebook với lời tự thú đã giết chết họ.
Mỗi nhân viên trong đơn vị này sẽ tạo cho mình những hồ sơ nhân thân giả để có thể truy cập xem thông tin cá nhân người dùng và bản đồ của các mạng xã hội, sau đó yêu cầu kết bạn với những nghi can và lừa họ tiết lộ manh mối hoặc tự thú nhận. Rồi các nhân viên này kiểm tra tỉ mỉ bản tiểu sử sơ lược hoặc xem những thông tin cá nhân khác để xác định động cơ, vị trí của một người. Họ kiểm tra các bức ảnh, tìm kiếm súng, nữ trang,.. để tìm bằng chứng cho việc tham gia vào các vụ cướp hoặc trộm cắp; có thể so sánh thông tin cập nhật trạng thái trên Facebook, Twitter với chứng cứ ngoại phạm nghi can cung cấp.
Chẳng hạn, hồi đầu năm, nhờ những bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội, Cảnh sát New York (Mỹ) và bắt giữ cô gái trẻ Alysa Suguro Bathrick với tội danh sở hữu thuốc cấm nhằm mục đích buôn bán và vận chuyển. Hóa ra là do có ngoại hình xinh đẹp, nữ tội phạm này đã chụp ảnh tự sướng rồi đưa lên trang Twitter. Từ đó, cảnh sát đã lần ra được nơi lẩn trốn của cô ta.
Hannah Sabata đã bị bắt vì đoạn băng tải trên YouTube kể về vụ cướp.
Năm 2013, tại bang Nebraska của Mỹ, một người phụ nữ mang tên Hannah Sabata cũng đã bị bắt giữ từ những thông tin thu thập được trên Internet. Hannah Sabata đã thu âm câu chuyện của mình rồi tải lên trang mạng video xã hội YouTube. Theo đó, Hannah Sabata thừa nhận cô từng ăn cắp ôtô và cướp nhà băng. Trong khi lái xe chạy trốn, Hannah Sabata tải đoạn băng nói trên lên YouTube và thậm chí còn miêu tả rất kỹ những gì cô đã làm. Cảnh sát bang Nebraska đã truy tìm và bắt giữ được Hannah Sabata, thậm chí thu hồi cả tiền và chiếc ôtô bị đánh cắp ngay tại nhà cô này. Hannah Sabata sau đó đã bị tuyên án 15 năm tù giam.
Một trong những ví dụ nổi bật khác về việc truy tìm thủ phạm nhờ mạng xã hội ở Mỹ là việc cảnh sát lần theo một người đàn ông bị truy nã ở Seattle về tội gian lận trong giao dịch ngân hàng, kẻ đã chạy trốn từ năm 2009. Trang Facebook của kẻ tình nghi tên là Maxi Sopo để ở chế độ "riêng tư" (Private) nhưng danh sách bạn bè của hắn được công khai.
Trong số bạn bè của Maxi Sopo, người ta phát hiện có một cựu nhân viên thực thi pháp luật - người không biết Maxi đang bị truy nã. Vậy là khi tên tội phạm cập nhật bài viết đăng trên Facebook mô tả cuộc sống dễ chịu mới của mình ở Mexico, người bạn trực tuyến này của hắn đã giúp cung cấp thông tin để Cảnh sát Mexico bắt giữ hắn tại nơi ẩn náu.
Theo ANTG