Từ điểm xuất phát thấp, Bình Dương đã vận dụng sáng tạo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng, kiến tạo hạ tầng giao thông, đô thị, đi trước mở đường phát triển kinh tế - xã hội… và đã đạt được kết quả to lớn.
Một góc đô thị Thủ Dầu Một. Ảnh: DUY CHÍ
Phát huy nội lực
Từ 20 năm trước, với truyền thống kiên cường, bất khuất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã một lòng đoàn kết, tập trung trí tuệ, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tế địa phương. Theo đó, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh đã tập hợp và phát huy mạnh mẽ nội lực để phát triển.
Công trình hạ tầng đầu tiên mang tính động lực được tỉnh triển khai theo hướng xã hội hóa là Quốc lộ 13 đoạn đi qua trung tâm tỉnh lỵ được nâng cấp mở rộng theo phương thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Nhờ công trình này, cộng với chủ trương “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài - Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” mà cả nước biết đến Bình Dương, doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến Bình Dương.
Nói về tầm nhìn và quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) cho biết, đô thị Bình Dương được các nhà khoa học, chuyên gia quy hoạch kiến trúc đại học quốc gia Singapore thiết kế theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường. Thời gian thực hiện đề án này không phải là hoàn thành đề án trên giấy rồi bàn giao, mà phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài; trong đó bảo đảm quy hoạch là yêu cầu xuyên suốt. |
Bằng việc vận dụng sáng tạo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong tỉnh đã hình thành và phát triển mạnh mẽ phong trào giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị. Phong trào này đã góp phần hình thành hàng ngàn km đường giao thông nông thôn, chỉnh trang lại bộ mặt đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hiện Bình Dương ưu tiên đầu tư các dự án giao thông mang tính liên kết vùng nhằm kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến huyện Bàu Bàng để tạo sự kết nối với các đô thị phía Bắc của tỉnh; cùng với đó triển khai dự án tuyến xe buýt nhanh; đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong từng đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung…
Đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư đối với các dự án công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng thêm nguồn đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng của ngành giáo dục, y tế, nhất là đầu tư các cơ sở dịch vụ chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bình Dương cũng tiếp tục quan tâm xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn hóa và văn minh đô thị; phát huy dân chủ và nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Sớm trở thành đô thị văn minh, hiện đại
Quyết định số 893/QĐ- TTg, ngày 11-6-2014 về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung đến năm 2025 nêu rõ, xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh... Với mục tiêu này, đô thị Bình Dương phải được xây dựng theo hướng đô thị mới, văn minh, hiện đại, đô thị xanh; là đô thị đi đầu trong quá trình phát triển, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, mạnh để đô thị thực sự là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho các tiểu vùng khác.
Để triển khai thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra, ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển hệ thống đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; đồng thời huy động các nguồn lực triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với xu thế phát triển hiện nay, Bình Dương đang tập trung triển khai thực hiện các bước xây dựng thành phố thông minh. Để đạt được yêu cầu này, Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương...
Về lĩnh vực giao thông, một trong những giải pháp tỉnh thực hiện là giao thông công cộng kết nối vùng và các tỉnh, thành bằng xe buýt nhanh. Trước mắt là xây dựng tuyến xe buýt nhanh kết nối giữa các đô thị chính của Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh nhằm phục vụ nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, đồng thời giảm ô nhiễm, ùn tắc giao thông, chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp. Trên nền tảng đó, Bình Dương dần hướng tới một thành phố đáng sống...
DUY CHÍ