Đồ gỗ xuất siêu 3,52 tỷ USD

Cập nhật: 07-08-2018 | 08:43:27

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 8-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc làm việc với 500 doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để bàn định hướng phát triển bền vững cho ngành gỗ. Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong 7 tháng năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản chính của Việt Nam ước đạt 5,025 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Theo đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính liên tục giữ mức tăng trưởng trung bình trên 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Điều đáng nói, năm nay lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong cả nước chỉ tăng nhẹ khoảng 0,4%. Vì thế, trong 7 tháng, giá trị xuất siêu của các mặt hàng lâm sản chính đạt 3,77 tỷ USD, trong đó riêng giá trị xuất siêu của gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỷ USD. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm lâm sản chính gồm: Gỗ thành phẩm, dăm gỗ, các loại gỗ khác và một số mặt hàng lâm sản ngoài gỗ như mây, tre, cói, thảm, quế. Sở dĩ giá trị nhập khẩu gỗ nguyên liệu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,4% (tương đương với 1,24 tỷ USD trong 7 tháng) là do các tổ chức, cá nhân đã chuẩn bị vùng trồng rừng nguyên liệu bảo đảm cả về sản lượng và chất lượng để cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, không còn bị động và phụ thuộc vào nhập khẩu. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, tình trạng phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu đã giảm mạnh ở các thị trường như Campuchia (giảm 51,3%), Thái Lan (giảm 8,9%), Malaysia (giảm 7,8%), New Zealand (giảm 2,7%).

7 tháng qua, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Để thúc đẩy nâng cao giá trị ngành hàng lâm sản xuất khẩu bền vững, vào ngày 8-8 tới đây, tại TP.Hồ Chí Minh sẽ diễn ra hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”. Hội nghị sẽ do Thủ tưởng Chính phủ chủ trì, với sự góp mặt của lãnh đạo hơn 500 doanh nghiệp gỗ, các cơ quan, ban, ngành liên quan, các tổ chức trong và ngoài nước, với kỳ vọng sẽ khơi thông những vấn đề còn tồn tại, đồng thời đưa ra định hướng phát triển chiến lược cho đồ gỗ và lâm sản Việt Nam trong thời gian tới.

K.T

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=230
Quay lên trên